Nợ xấu dưới góc nhìn Bí thư Nguyễn Bá Thanh
Phát biểu gần cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - vị bí thư cấp tỉnh, thành hiếm hoi nhấn nút đăng đàn - vẫn góp ý cho vấn đề nóng nhất tại nghị trường suốt một ngày rưỡi qua: nợ xấu. Tuy nhiên, ở một góc nhìn hơi khác.
Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại phiên thảo luận ngày 31/10.
|
Nhắc lại ý kiến tại diễn đàn này một năm về trước là, tái cơ cấu ngân hàng cần chú ý hai vấn đề rất lớn, một là lợi ích nhóm và hai là vấn đề nợ xấu, ông Thanh nhấn mạnh rằng, "đất nước đang đổi mới, phát triển, có nhiều thành tựu, trong đó cũng có công rất lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này có sự đổ vỡ nền kinh tế, thì cũng bắt đầu chính từ hệ thống ngân hàng".
Đặt câu hỏi, thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao, lý giải được ông Thanh đưa ra ngay sau đó là ngoài việc do thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá, còn một vấn đề cực kỳ phức tạp khác, đó là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay.
Lấy ví dụ, một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800 - 1.000 tỷ đồng để được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ, đó mới gọi là nợ xấu, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, "đương nhiên cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng ".
"Phải bóc tách ra, có những loại nợ không phải là nợ xấu mà quá xấu, không bao giờ có thể đòi được", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói.
Vẫn liên quan đến việc bóc tách nợ xấu, ông Thanh nêu dẫn chứng ở nhà máy xi măng Hạ Long, tổng mức đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ, quá trình thi công đến 45 tháng và tăng thêm 2.776 tỷ đồng, như vậy số vốn đi vay lớn hơn 5.000 tỷ đồng cho dự án này. Đến hết tháng 3/2012 đã lỗ 1.215 tỷ.
Rồi nhà máy xi măng Cẩm Phả được đầu tư 2,3 triệu tấn/năm với số vốn 6.089 tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động đã lỗ 1.259 tỷ đồng. "Đó là nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước phải thống kê một cách nghiêm túc, mới nói được đến lúc nào mới giảm nợ xấu, đến năm nào giảm bao nhiêu phần trăm", ông Thanh đề nghị.
Trong mối liên quan đến tồn kho, vị đại biểu này cho rằng tồn kho nhiều nhất vẫn là đất, nhà, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc. "Một đất nước còn nghèo mà không dưới 100 tỷ USD chỉ trông vào nhà, đất, kể cả vàng", ông Thanh than thở.
Trở lại chuyện trách nhiệm của ngân hàng, mới đây, vị Bí thư nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thừng trong cuộc gặp giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngay tại Đà Nẵng cũng đã từng “dọa”, nếu ngân hàng nào cố tình o ép doanh nghiệp, cho vay với lãi suất cao thì tại cuộc họp hội đồng nhân dân thành phố ông sẽ nêu tên, và khi đó người dân không gửi tiền nữa thì “ráng mà chịu”.
Còn ở kỳ họp Quốc hội thứ hai (tháng 10/2011), ông Thanh cũng đã quan ngại về việc quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều ngân hàng, dẫn đến mất kiểm soát.
Phân tích của ông khi đó là, một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ đồng khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước đẩy lạm phát lên cao.
Nợ xấu, một năm trước cũng đã được ông Thanh cảnh báo là sẽ tăng khi thị trường nhà đất đóng băng và ngân hàng không bán được cả đất của mình lẫn đất là tài sản thế chấp.
“Tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm, và không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết, gây hậu quả cho xã hội”, ông nói, tròn một năm trước.
Nguyên Hà
tbktvn
|