Ngân hàng khó cho vay dịp cuối năm
Để đẩy mạnh hoạt động cho vay, các ngân hàng tiếp tục đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Chẳng hạn, BaoViet Bank tài trợ xuất khẩu bằng VND, với lãi suất chỉ 7,5%/năm, như lãi suất USD (doanh nghiệp cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu).
Đồng thời, ngân hàng này còn dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất cố định 12%/năm (đối với vốn cho vay bằng VND) và 5,5%/năm (đối với USD) trong 3 tháng đầu tiên.
Trước đó, Eximbank cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng VND theo lãi suất ngoại tệ, chỉ 7%/năm. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này, gói tín dụng lãi suất 7%/năm cũng giải ngân chậm.
Tăng trưởng tín dụng của Eximbank 9 tháng đầu năm vẫn âm 2,3% và khả năng cả năm, Ngân hàng sẽ không sử dụng được phân nửa “room” tín dụng cho phép.
Hiện tại, một số ngân hàng khác, như ACB, HDBank, OCB… cho doanh nghiệp vay tiền đồng, với lãi suất 10 - 11%/năm. Thế nhưng, theo lãnh đạo OCB, việc đẩy mạnh vốn cho vay thời điểm này rất khó, bởi các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà vay vốn.
Ông Phạm Linh, Phó giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp của OCB cho biết, thanh khoản của Ngân hàng khá tốt và đang từng bước hỗ trợ khách hàng. Theo ông Linh, nhu cầu vốn của khách hàng vẫn có và đang có dấu hiệu tăng lên dịp cuối năm. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng cần chọn lọc khách hàng để hạn chế nợ xấu. Trong đó, OCB tập trung nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản. Với lĩnh vực này, OCB cho vay với lãi suất chỉ 11 - 13%/năm.
Còn đối với vốn ngoại tệ dành cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, OCB cũng cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ 6,5%/năm. Thế nhưng, OCB cho biết, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lúc này không dễ, vì đầu ra sản phẩm khó tiêu thụ, nên doanh nghiệp hạn chế vay.
Trong khi đó, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 8%. Dư địa cho vay còn lại của Sacombank khá lớn, song Ngân hàng khá thận trọng trong việc chọn lọc khách hàng để từng bước giảm dần nợ xấu. Mặt khác, ông Khang cho hay, trong bối cảnh hiện nay, không phải tất cả doanh nghiệp đều muốn vay vốn, vì hàng hoá khó tiêu thụ, nên nhà sản xuất, kinh doanh ngại đầu tư mới.
Phó giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long chia sẻ, Ngân hàng sẵn sàng làm “tiệm cầm đồ” bất đắc dĩ khi doanh nghiệp hết tài sản thế chấp, khách hàng chỉ cần chứng minh được khả năng trả nợ và khoản phải thu. Tuy nhiên, theo ông Long, cái khó trong phát triển tín dụng hiện nay là doanh nghiệp muốn vay vốn lại ra sức “che” điểm yếu của mình. Do vậy, ngân hàng ngại trao vốn khi chưa biết rõ về doanh nghiệp, vì lo ngại rủi ro nợ xấu.
Để có thể kích cầu tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã chuẩn bị nguồn vốn tới 200.000 tỷ đồng để cho vay, với lãi suất ở mức 13%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện thanh khoản của các ngân hàng khu vực TP.HCM khá tốt và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Minh cũng thừa nhận, nợ xấu tăng là rào cản trong việc mở rộng tín dụng một cách ồ ạt. Các ngân hàng khó có thể nới lỏng điều kiện tín dụng, trong khi doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất giảm thêm mới tiếp cận vốn vay.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất khó có thể giảm thêm, bởi dịp cuối năm, nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng gia tăng, nên nhu cầu gửi vốn vào ngân hàng sẽ giảm. Trước bối cảnh này, nhà băng phải tăng cường huy động để đảm bảo thanh khoản, nên khó có thể giảm thêm lãi suất cho vay.
Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Tài chính – Doanh nghiệp (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khó có thể đạt mức kỳ vọng đề ra là 8 - 10% trong năm nay.
Thùy Vinh
đầu tư
|