Áp lực của hệ thống ngân hàng 2 tháng cuối năm
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, những khó khăn nội tại và quốc tế đã gây áp lực lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 10 tháng đầu năm nay. Dự báo, những áp lực vẫn còn tồn tại trong 2 tháng cuối năm 2012.
TS. Cấn Văn Lực
|
Theo ông, những biến động kinh tế thế giới đã tác động như thế nào đến bức tranh kinh tế Việt
Nam
10 tháng qua?
Mặc dù kinh tế thế giới vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, nhưng đã giảm đáng kể, năm 2012 ước tăng 2,5% so với mức tăng 3% của năm 2011. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh. Nếu như năm 2010, khối lượng thương mại toàn cầu tăng trưởng 13%, thì năm 2011 tăng 5,8% và năm nay dự kiến chỉ tăng 3%. Đặc biệt, khủng hoảng nợ công châu Âu trầm trọng hơn dự báo, sự phục hồi của kinh tế Mỹ chậm lại, một số nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với năm trước...
Bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu đã có những ảnh hưởng nhất định đối với Việt
Nam
. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa bị sụt giảm nhiều, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) và các quỹ đầu tư bị ảnh hưởng khá mạnh. Một số doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, rút vốn về, thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt
Nam
.
Bên cạnh đó, do bất ổn tăng nên chi phí huy động vốn trên thế giới tăng, cộng với những khó khăn trong nước khiến chi phí vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp Việt
Nam
cũng tăng lên. Ngoài ra, biến động của thị trường vàng thế giới tác động mạnh lên thị trường vàng trong nước.
Vậy còn chính sách tiền tệ bị tác động ra sao?
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 đã làm kinh tế trong nước suy giảm mạnh, nên Chính phủ phải tung ra một gói kích cầu trong năm 2009. Theo đó, trong 2 năm 2009 - 2010, chính sách tài khóa - tiền tệ, tín dụng được nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cộng với dòng vốn nước ngoài chảy vào khá mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã đẩy lạm phát tăng cao, trên 10% trong những năm qua (trừ năm 2009).
Bởi vậy, năm 2011, Chính phủ buộc phải thắt chặt chính sách, cả tài khóa lẫn tiền tệ để kiềm chế lạm phát, mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao. Năm 2012 không nới lỏng chính sách, nhưng “thận trọng”, vì áp lực lạm phát vẫn còn rình rập trong bối cảnh lạm phát cao của 2 năm trước.
Điều này phù hợp với quy luật kinh tế là để kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt chính sách tài khóa - tiền tệ. Nhưng do năng lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn ngân sách, vốn vay ngân hàng, nên khi chính sách tài khóa - tiền tệ bị thắt chặt đã dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, do năng lực quản trị, điều hành còn nhiều bất cập, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng nhanh, thị trường bất động sản đóng băng… khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, sản xuất đình trệ. Đối với xuất khẩu, tăng trưởng tốt chủ yếu nằm trong nhóm doanh nghiệp FDI còn nhóm doanh nghiệp trong nước tăng trưởng không đáng kể. Những điều này cộng với việc quản lý rủi ro của các ngân hàng chưa thực sự hiệu quả, khiến nợ xấu tăng lên rõ rệt.
Bên cạnh nợ xấu, vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo cũng là “khối u” cần cắt bỏ trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thưa ông?
Có lẽ như thế sẽ đồng bộ hơn. Mặc dù lợi ích nhóm và sở hữu chéo không phải câu chuyện mới, ở nhiều nước cũng có, nhưng vấn đề là quản lý như thế nào? Vấn đề này phải quay lại lịch sử và văn hóa. Ví dụ, chúng ta đi lên từ một nền kinh tế nhỏ
văn hóa “góp gạo thổi cơm chung” luôn tồn tại, nên muốn thành lập một ngân hàng, nhiều người phải góp vốn, nhưng những người đó lại là ông chủ của những ngân hàng khác. Về mặt kinh tế, việc cùng hùn vốn kinh doanh không phải là xấu, nhưng vấn đề là Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, dẫn đến việc thao túng ngân hàng A, B, hay có vấn đề cá nhân thì sẽ ảnh hưởng lan truyền đến nhiều ngân hàng khác.
Theo ông, những động thái vừa qua của NHNN đã tác động ra sao đến thị trường?
Năm nay, Chính phủ và NHNN đã có những chính sách quyết liệt theo hướng thận trọng ngay từ đầu năm và cũng sát với thị trường hơn. Khi khó khăn xảy ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13, 14 để hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN có những văn bản tương tự mà chưa có tiền lệ trước đây như Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh, cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu lại. Chính sách tài khóa cũng được thực hiện với gói hỗ trợ doanh nghiệp giảm, giãn thuế… Ngoài ra, chính sách tiền tệ, tỷ giá được điều hành linh hoạt. Nhờ đó, lạm phát, lãi suất giảm; thị trường ngoại hối ổn định hơn rất nhiều so với các năm trước; tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa quyết liệt hơn, nên niềm tin vào VND tăng lên, tiền gửi VND của dân cư tăng mạnh, góp phần cải thiện thanh khoản ngân hàng. Cán cân thanh toán thặng dư khoảng 11 - 12 tuần nhập khẩu, bằng mức kỷ lục năm 2008. Một số tổ chức tín dụng yếu kém đã được sáp nhập, cơ cấu lại, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn chậm. Thị trường vàng còn nhiều vấn đề. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nên ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, xử lý nợ xấu còn chậm. Ngoài ra, sự phối kết hợp chính sách còn hạn chế và tính minh bạch chưa có nhiều cải thiện.
Cán cân thanh toán hiện đã đạt bằng mức kỷ lục năm 2008
|
Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, theo ông, cần tập trung vào những vấn đề gì?
Trước hết, cần phải có quyết tâm chính trị, có sự hậu thuẫn của Chính phủ và các ngân hàng lớn, minh bạch hóa thông tin và đẩy mạnh hơn, nhanh hơn tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là DNNN. Đặc biệt, cần sớm xử lý vấn đề nợ xấu, bởi để càng lâu càng làm tăng chi phí. Nợ xấu lớn cũng khiến các ngân hàng không dám đẩy tín dụng ra. Bản thân các ngân hàng đã và đang dùng quỹ dự phòng rủi ro và công ty mua bán nợ của mình để xử lý nợ xấu (nên lợi nhuận của các ngân hàng năm nay giảm rất mạnh, từ 20 - 60%), nhưng vì quy mô nợ xấu lớn, nên cần thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia như một số nước Đông Nam Á đã phải làm trong những năm sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.
Ông đánh giá thế nào về áp lực đối với thị trường trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013?
Theo tôi, cần tiếp tục bám sát, có phương án tổng thể để quản lý thị trường vàng. Bên cạnh đó, không thể chủ quan với vấn đề lạm phát cuối năm và năm sau. Hiện lạm phát cao đang có dấu hiệu quay lại, trong khi dư địa của chính sách tiền tệ hầu như không còn.
Một vấn đề cũng quan trọng không kém là nợ xấu có chiều hướng tăng, cần phải xử lý sớm vấn đề này. Để xử lý nợ xấu, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, vì nó liên quan đến hàng tồn kho, thị trường bất động sản, thị trường mua bán nợ, đặc biệt là tiến độ tái cơ cấu DNNN. Chưa hết, không nên chủ quan câu chuyện thanh khoản cuối năm, bởi trong những thời điểm như thế này, lỗi “nhỏ” có thể trở thành câu chuyện “to”.
Ngoài ra, vấn đề rủi ro đạo đức, không những trong hệ thống ngân hàng, mà còn ở các ngành khác, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong bối cảnh khó khăn có thể phát sinh nhiều hơn. Rủi ro này rất khó kiểm soát, nhưng kinh nghiệm cho thấy, nếu biết truyền thông, gắn kết nhân viên trên tinh thần văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, thì rủi ro này sẽ giảm thiểu đáng kể.
Nhuệ Mẫn thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|