“Kích” tăng trưởng bằng tín dụng cá nhân
Để đẩy được tăng trưởng dư nợ, gần đây, các NHTM liên tục công bố giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân.
Khó đẩy mạnh việc cho vay đối với doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh không thuận lợi, nợ xấu gia tăng, các nhà băng tìm lối thoát cho dòng tín dụng ở phân khúc cá nhân, trong đó đẩy mạnh cho vay mua bất động sản và tiêu dùng. Để đẩy được tăng trưởng dư nợ, gần đây, các NHTM liên tục công bố giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân.
Tại TienPhong Bank, để sử dụng hết “room” tín dụng đã được NHNN cho phép tăng lên 27%, Ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều chương trình cho vay DN và cá nhân với lãi suất ưu đãi. Lãi suất cho vay cá nhân (mua và xây dựng sửa chữa nhà, vay mua ô tô) hiện đang được Ngân hàng áp dụng là 0,82%/tháng (tương đương 9,9%/năm), cố định trong 3 tháng đầu tiên.
Còn tại HD Bank, kể từ đầu tháng 9, Ngân hàng đã áp dụng lãi suất ưu đãi với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở và vay bổ sung vốn kinh doanh trong 3 tháng đầu là 8,6%/năm. Đồng thời, HDBank cũng giảm lãi suất tới 4%/năm cho các đối tượng khách hàng vay sản xuất - kinh doanh, vay mua, sửa nhà, mua xe ô tô và vay tiêu dùng…
Từ ngày 11/9, OceanBank triển khai đồng loạt 5 sản phẩm tín dụng với thời gian duyệt vay siêu tốc (4 giờ) như: cho vay công chức, vay mua ô tô, mua xe máy đối với sinh viên, vay du học, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Ngân hàng cũng triển khai chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm. Vietcombank, VIB cũng áp dụng mức lãi suất tương tự.
Ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, Ngân hàng hy vọng sản phẩm cho vay tiêu dùng nói trên, với mức lãi suất cạnh tranh, thủ tục nhanh gọn sẽ đem lại một khoản vay phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Tuy nhiên, chính sách lãi suất ưu đãi trên chỉ được các ngân hàng áp dụng trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi giải ngân. Lãi suất các kỳ tiếp theo được điều chỉnh định kỳ theo biểu lãi suất thông thường của các ngân hàng, thậm chí lên đến 18 - 20%/năm, nếu vay thế chấp và trên cả mức này khi vay tín chấp.
Bên cạnh đó, điều kiện cho vay với khách hàng cá nhân cũng rất chặt chẽ. Tại HD Bank, theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc Ngân hàng, khách hàng chỉ được vay trên 40% thu nhập của cá nhân, với mức lương bình quân là 15 triệu đồng/tháng, được chi trả qua tài khoản thẻ của HDBank hoặc nhà băng khác. Mặt khác, Ngân hàng cũng chỉ cung ứng 50% nhu cầu vốn của khách hàng để tiêu dùng, mua, sửa chửa nhà… Trong đó, với khoản vay mua nhà, căn hộ, HDBank chỉ cho vay ở những dự án có liên kết với Ngân hàng và dự án phải trong giai đoạn hoàn thiện (hơn 90% thời gian thi công).
Với tình hình tăng trưởng tín dụng toàn ngành 9 tháng đầu năm có 2,3%, nên hiện các ngân hàng đang “mạnh tay” đẩy vốn cho phân khúc cá nhân, do tín dụng doanh nghiệp gặp khó. Vì vậy, các nhà băng tung ra chiêu ưu đãi lãi suất, lùi về dưới trần huy động, với kỳ vọng thu hút được khách hàng cá nhân vay vốn.
Tuy nhiên, nếu không thận trọng người vay cũng dễ mắc bẫy. Theo một cán bộ ngành ngân hàng, việc công bố giảm mạnh lãi suất cho vay cá nhân ở một số nhà băng hiện nay chỉ là giải pháp tình thế để kích dư nợ tín dụng. Vì thế, cá nhân có nhu cầu vay vốn cũng nên thận trọng. Bởi nếu lãi suất được ưu đãi trong 3 tháng đầu, nhưng sau đó ngân hàng tăng lên chóng mặt và bằng “chiêu” thức ràng buộc hợp đồng tín dụng đã ký. Nếu khi đó, khách hàng không đồng ý mức lãi suất mới và muốn chấp dứt hợp đồng sẽ phải nộp phí phạt trả trước. Trong nhiều trường hợp, thiệt hại mà khách hàng cá nhân phải chịu còn cao hơn cả mức ưu đãi lãi suất mà họ được hưởng trước đó.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|