HSBC: Châu Á sẽ là động lực chính cho tăng trưởng thương mại toàn cầu
Theo báo cáo mới nhất của HSBC, châu Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành thương mại toàn cầu trong các năm tới. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là các quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với dự báo xuất khẩu có thể đạt mức tăng 2 con số trong nhiều thập kỷ.
* Thương mại Nhật-Trung sụt do tranh chấp biển đảo
* Trung Quốc: xuất khẩu tăng mạnh, nhập khẩu đình trệ
Báo cáo của HSBC cho rằng: “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng như sự mở rộng mạnh của lĩnh vực xuất nhập khẩu, các nền kinh tế châu Á ngày càng tác động mạnh đến mô hình thương mại toàn cầu”.
HSBC dự báo lĩnh vực thương mại toàn cầu có thể tăng 5% trong năm 2013 trước khi nhảy vọt 6%-7% cho đến năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản. Hiện châu Âu đang chìm trong khủng hoảng nợ và triển vọng tăng trưởng của châu lục này còn yếu ớt. Simon Constantinides, trưởng bộ phận tài chính và thương mại khu vực của HSBC cho rằng tình hình tài chính châu Âu là một trong những rủi ro lớn nhất theo đánh giá của ngân hàng này.
Ông nói: “Chúng ta không thể không quan tâm đến châu Âu. Đây là một trong những mối lo ngại lớn nhất và thách thức lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt”.
Dù vậy, triển vọng của lĩnh vực thương mại châu Âu sẽ được thúc đẩy từ kim ngạch xuất khẩu ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á.
Một trong những điểm đến lớn nhất đối với các hàng hóa của châu Âu chính là Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dịch chuyển từ mô hình đầu tư độc lập sang mô hình dựa trên chi tiêu tiêu dùng.
Ngoài Trung Quốc còn có một số điểm sáng khác. Theo đó, Bangladesh có thể được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động thương mại với Ấn Độ với tổng kim ngạch thương mại giai đoạn 2013-2015 được dự báo tăng 19%. Trong khi đó, Brazil sẽ gia tăng thương mại với Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|