Thứ Năm, 08/11/2012 11:13

Giải quyết khiếu nại về đất đai: Chỉ thấy phần nổi của tảng băng?

Phát biểu thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính khiến khiếu kiện về đất đai kéo dài còn do sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về KNTC của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung về sửa Luật Đất đai, vì thế, trong phát biểu các đại biểu đề xuất luôn những giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém, trong giải quyết KNTC của nhân dân đối với quyết định hành chính về đất đai để Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên thảo luận về Luật Đất đai.

Khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai chiếm tới 70% số vụ việc.

Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu đồng ý với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai, chủ yếu do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như: sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức...

Đặc biệt, nhiều đại biểu còn cho rằng, nguyên nhân chính khiến khiếu kiện về đất đai kéo dài còn do sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về KNTC của một bộ phận người dân còn hạn chế. Trong khi đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) phân tích thêm: Luật hiện hành có những quy định khó thực hiện trong thực tế như quy định giá đất của nhà nước phải đảm bảo sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, trong điều kiện bình thường khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp... Thế nhưng, Luật không đưa ra các tiêu chí cụ thể.

Hai là, theo quy định của Luật Đất đai, hàng năm vào ngày 1/1 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành khung giá đất mới. Quy định này cũng gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì đối với các dự án quy hoạch được thực hiện kéo dài nhiều năm, nhiều người dân trong vùng quy hoạch cố tình trì hoãn, không thực hiện quyết định thu hồi đất để chờ ban hành khung giá đất mới cao hơn, hoặc để được hưởng hệ số trượt giá.

Dẫn theo báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, từ năm 2003 - 2010 cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận hơn 1,2 triệu đơn KNTC; trong đó các đơn liên quan đến đất đai chiếm gần 70%. Tỷ lệ các đơn liên quan đến đất đai được giải quyết dao động từ 81% - 90%. Kết quả: khôi phục quyền lợi cho gần 7000 công nhân, trả lại tài sản cho công dân gần 1,850 tỷ đồng; thu hồi cho nhà nước diện tích hơn 4.800 ha đất; kiến nghị xử lý 6650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 685 đối tượng.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: Đây có phải chỉ là phần nổi của tảng băng mà chúng ta nhìn thấy?. Vì thực tế số đơn thư KNTC liên quan đến đất đai ngày càng tăng.

Nên “gom” văn bản hướng dẫn Luật!

Đề xuất các chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đưa ra hàng loạt giải pháp tổng thể.

Thứ nhất, sửa Luật lần này nên quy định cơ chế thu hồi đất do cơ quan Nhà nước thực hiện, bỏ hình thức chủ dự án tự thỏa thuận giá đền bù với dân. Giá thu hồi đất của Nhà nước theo giá thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Thứ hai, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật nên “biên tập”, gom lại thành một vài văn bản để dễ theo dõi, thực hiện. Thứ ba, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với cán bộ và người dân để họ hiểu, thực thi luật pháp tốt hơn.

Ngoài ra, theo các đại biểu, Nhà nước phải sớm hoàn thành việc cấp, đổi, chuyển quyền sử dụng đất cho dân. Vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho dân từ năm 1992 - 1995 có nhiều trường hợp diện tích cấp không đúng và sai sót rất nhiều, cần đo, cấp lại mới.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc giải quyết KNTC của công dân, trong đó chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, phải thường xuyên thanh kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết KNTC của công dân để công tác này được tốt hơn.

Còn theo đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị), thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất đai...

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Luật Đất đai đã sửa, phải sửa đồng bộ luật khác

KNTC về đất đai có nguyên nhân khách quan là chủ sở hữu đất thay đổi qua nhiều thời kỳ. Nhưng nguyên nhân (chủ quan) chính, liên quan nhiều nhất tới các vấn đề: văn bản pháp luật về quản lý đất đai qua các thời kỳ còn chồng chéo. Ví dụ, chúng ta có đến 20 Luật liên quan và hàng trăm văn bản khác về đất đai, dẫn tới khó khăn trong quản lý, giải quyết các KNTC liên quan đến đất đai.

Từ các văn bản trên, quá trình thực hiện, thực thi vẫn còn không ít vấn đề, nhất là trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, có nguyên nhân là một bộ phận người sử dụng đất chưa am hiểu pháp luật, nên bị một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để kích động người dân khiếu kiện vì những mục đích khác của họ.

Trách nhiệm của Bộ là tham mưu cho Chính phủ về quản lý đất đai, trước hết phải sửa Luật Đất đai. Việc sửa Luật lần này rất quan trọng. Hiện có nhiều văn bản liên quan khác, hay các Luật khác có liên quan đến quản lý đất đai. Vì vậy, nếu sửa Luật Đất đai, nhưng không sửa các luật khác có liên quan thì quản lý đất đai vẫn rất khó khăn.


Quang Cảnh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Liều thuốc kích cầu thị trường (08/11/2012)

>   BĐS ngoại 'ăn xổi', khách hàng 'ôm' trái đắng (08/11/2012)

>   Bộ “hứa” sang năm sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ (07/11/2012)

>   Đề xuất mạnh tay thu hồi đất dự án bỏ hoang (07/11/2012)

>   Chung cư 10 triệu đồng/m2: Vẫn ngược chiều quan điểm (07/11/2012)

>   “Cú đấm thép” Becamex (07/11/2012)

>   Kẻ phá bĩnh căn hộ Hà Nội (07/11/2012)

>   Sửa Luật Đất đai: “Nóng” đền bù, định giá đất (07/11/2012)

>   Định giá đất sát thị trường sẽ giảm khiếu kiện (06/11/2012)

>   Phá băng bất động sản: Muộn còn hơn không (06/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật