Chung cư 10 triệu đồng/m2: Vẫn ngược chiều quan điểm
Các ý kiến trái chiều về “chung cư 10 triệu đồng/m2” tiếp tục được đưa ra trong mấy ngày qua, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, chủ đầu tư và người dân xung quanh vấn đề này, đặc biệt là về khía cạnh so sánh với giá nhà thu nhập thấp.
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, “dự án khu căn hộ Đại Thanh bán giá 10 triệu đồng/m2 không tác động đến phát triển nhà thu nhập thấp”.
Theo vị quan chức này, nhà thu nhập thấp tại một số dự án ở Hà Nội giá từ gần 9 triệu đồng đến 14 triệu đồng/m2, so với giá bán 10 triệu đồng/m2của dự án Đại Thanh là cao hơn, nhưng thực sự rất khó giảm giá vì suất đầu tư, tiêu chuẩn xây dựng phải đảm bảo là như vậy.
"Việc phát triển nhà thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi một vài dự án nhà thương mại giảm giá gây bất ngờ như vừa qua, nhất là nhìn trong dài hạn". Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
“Ngay như nhà thương mại chất lượng trung bình nếu chưa tính tiền đất đã vào khoảng 8,7 triệu đồng/m2, đó là chưa tính lợi nhuận của chủ đầu tư, chi phí lập và quản lý dự án, giải phóng mặt bằng... thì không bao giờ có giá bán là 10 triệu đồng”, ông Tuấn nói.
“Về bản chất nhà thu nhập thấp cũng phải theo giá thị trường, vì chỉ được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất còn chi phí đầu vào của dự án cũng như nhà thương mại. Giá nhà thu nhập thấp đã xuống đến mức khó giảm thêm”, ông nói thêm và cho rằng “thị trường thì có thể lên - xuống mang tính thời điểm nhưng chính sách thì phải dài hạn” và “việc phát triển nhà thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi một vài dự án nhà thương mại giảm giá gây bất ngờ như vừa qua, nhất là nhìn trong dài hạn”.
Tuy nhiên, trong khi đại diện cơ quan quản lý khẳng định như vậy thì đại diện cho chủ đầu tư dự án Đại Thanh lại có cái nhìn khác.
Theo ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, chủ đầu tư dự án này, thì công ty ông không dại gì bán phá giá dự án, bởi vốn đầu tư cho dự án là “tiền túi”.
Trả lời phỏng vấn báo Đầu Tư, ông Thản nói quan điểm của ông là “làm cái mà thị trường lựa chọn”. “Căn hộ Đại Thanh bán 10 triệu đồng vẫn có lãi. Thậm chí, nếu được Nhà nước giao đất sạch và được hưởng một số ưu đãi như các chủ đầu tư làm dự án nhà ở xã hội, tôi có thể làm nhà ở với giá dưới 8 triệu đồng/m2”, ông Thản nói.
Phát biểu này được đưa ra sau những nhận định gần đây cho rằng tại dự án Đại Thanh đang “bán phá giá” so với các dự án nằm trong cùng phân khúc căn hộ bình dân, cũng như những ý kiến từ chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu cho hay "Căn hộ Đại Thanh bán 10 triệu đồng vẫn có lãi. Thậm chí, nếu được Nhà nước giao đất sạch và được hưởng một số ưu đãi như các chủ đầu tư làm dự án nhà ở xã hội, tôi có thể làm nhà ở với giá dưới 8 triệu đồng/m2".
Vị lãnh đạo này còn nhấn mạnh rằng về chất lượng dự án nhà giá rẻ, cơ quan chức năng đã kiểm tra dự án và các chỉ tiêu chất lượng đều đạt yêu cầu. Quan trọng hơn, những khách hàng mua căn hộ tại dự án của ông “là những người có nhu cầu ở thực, hàng ngày họ kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng, nên chỉ cần có một sơ suất là Công ty sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối”.
Trao đổi nhanh với VnEconomy, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng giá xây dựng hợp lý chỉ khoảng 5 triệu/1m2. Còn lại một nửa (khi chấp nhận giá 10 triệu), hoặc 2/3 (khi chấp nhận giá 15 triệu) là chi phí gián tiếp, trong đó có một phần là “chi phí đen” và một phần do lãng phí của chủ đầu tư vì thiếu chuyên nghiệp.
Vẫn theo ông Võ, lãng phí có thể trách chủ đầu tư và chủ đầu tư sẽ có thể quyết tâm khắc phục. Cái đáng nói nhất là “chi phí đen”, người ta cứ nghĩ rằng đó là chủ đầu tư chịu thiệt. Bản chất là người mua nhà chịu thiệt và đấy chính là điều đáng quan tâm nhất.
Anh Minh
VnEconomy
|