Thứ Tư, 14/11/2012 13:54

Chúa chổm cấp địa phương

90.000 tỉ đồng là khoản nợ của các địa phương trong các công trình xây dựng cơ bản. Nợ nhiều là do các địa phương đã đầu tư tràn lan trước đây, đặc biệt vào các dự án cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư này còn đến từ sức ép tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đầu tư càng nhiều, GDP càng tăng mạnh.

Dự án cầu Phú Mỹ nối quận 2 với quận 7 đã ngốn hết 3.290 tỉ đồng, so với dự toán 1.806 tỉ đồng ban đầu.

Điều đáng nói là nhiều công trình dù chưa cân đối được ngân sách, nhưng các địa phương vẫn quyết định khởi công, rồi sẽ đợi Chính phủ rót tiền. Theo báo cáo kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh Gia Lai trong năm 2010 đã phê duyệt tới 575 dự án với tổng mức đầu tư trên 5.243 tỉ đồng, gấp 3,4 lần kế hoạch vốn đầu tư xây dựng và gấp 9,6 lần kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Và tất nhiên không chỉ có Gia Lai.

Khoản nợ 90.000 tỉ đồng của các địa phương đã khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao, đồng thời gián tiếp làm tăng nợ xấu của các ngân hàng.

Đó là lý do Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg, yêu cầu hằng năm các địa phương phải xử lý ít nhất 30% khối lượng nợ tồn đọng và đến năm 2015 sẽ không còn nợ tồn đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đối với những địa phương có nợ tồn động lớn thì sẽ không được bố trí vốn để thực hiện các dự án mới, đồng thời phải hoãn một số dự án để tập trung xử lý cho xong nợ nần. Nhưng việc xử lý này liệu có dễ dàng?

Tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong năm nay sẽ khá thấp và được dự đoán sẽ tiếp tục thấp trong năm tới, chỉ tăng trưởng 5,5% trong năm 2013. Nghĩa là sẽ rất khó cho các địa phương gia tăng được nguồn thu ngân sách (như từ thuế) đủ để có thể chi trả các khoản nợ theo kế hoạch đã định.

Do đó, nhiều khả năng các địa phương sẽ tăng cường bán tài sản như đất đai, khoáng sản, các công trình tiện ích. Nhưng điều này cũng không dễ thực hiện, bởi việc thị trường bất động sản đóng băng sẽ kéo theo khoản thu từ đất đai của các địa phương giảm sút.

“Điều đáng lo là trong số 180.000 tỉ đồng dự kiến bố trí đầu tư cho năm 2013, có đến 39.000 tỉ đồng thu từ đất của các địa phương và con số này có thể sẽ không đạt được do thị trường bất động sản đang gặp khó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Ngoài ra, còn một cách khác là các địa phương có thể đi vay để trả nợ. Nhưng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, điều này khó khả thi vì đây là tiền nợ của địa phương và địa phương lại không có đủ uy tín để phát hành trái phiếu lấy tiền trả nợ. Trong trường hợp này, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải can thiệp.

Tuy vậy, giống như các địa phương, ngân sách nhà nước cũng đang eo hẹp khi thâm hụt ngân sách năm nay đang ở mức đáng báo động. Con số bội chi ngân sách do Tổng cục Thống kê công bố ngày 27.10 đã lên tới hơn 155.000 tỉ đồng, vượt dự toán cả năm Quốc hội phê duyệt là 140.200 tỉ đồng, trong khi còn 2 tháng nữa mới hết năm.

Ngay cả đến khoản chi để tăng lương tối thiểu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ còn phát biểu rằng không biết xoay xở ra sao ngoài cách in tiền. Thậm chí với món nợ 86.000 tỉ đồng của Vinashin, Nhà nước vẫn chưa tìm được cách chi trả thì liệu món nợ 90.000 tỉ đồng này, Chính phủ có sẵn sàng can thiệp?

Tình cảnh hiện nay của Việt Nam khá giống với tình trạng nợ quá nhiều của các địa phương Trung Quốc. Theo Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc, tính đến cuối năm 2010, nợ của chính quyền địa phương nước này đã lên tới 1.700 tỉ USD, tương đương 27% GDP. Hầu hết số nợ lại được các ngân hàng tài trợ.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư cơ bản, một số địa phương Trung Quốc còn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như thị trường chứng khoán và bất động sản. Vì thế, theo đánh giá của Kiểm toán Trung Quốc, “một vài khoản nợ sẽ không thể chi trả được hoặc chỉ có thể chi trả bằng cách vay nợ mới”.

Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn mãi loay hoay tìm cách xử lý món nợ khổng lồ nói trên, vốn đang là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế nước này.

Nợ nần của các địa phương cũng đang là nỗi đau đầu của các nhà điều hành chính sách Việt Nam Bởi lẽ, số nợ này có liên quan đến nợ xấu của những ngân hàng đã lỡ cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án tại các địa phương.

“Nếu giải quyết được 93% trong tổng số 90.000 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm 2 điểm phần trăm từ mức 8% hiện nay”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết.

Sơn Nguyễn

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Những câu hỏi chờ Thủ tướng trả lời (14/11/2012)

>   Đại biểu Trần Du Lịch: “Thống đốc quá lạc quan về nợ xấu!” (13/11/2012)

>   Kích cầu bằng trái phiếu công trình (13/11/2012)

>   Sợ xăng tăng giá hơn nỗi lo thất nghiệp (12/11/2012)

>   Quốc hội chấp thuận tăng lương từ 1/7/2013 (10/11/2012)

>   TS Vũ Viết Ngoạn: "Tăng trưởng GDP 5,5% của năm 2013 là hợp lý" (08/11/2012)

>   Nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương (08/11/2012)

>   Tư duy kinh tế và mô hình tăng trưởng (08/11/2012)

>   Đã chốt chỉ tiêu 2013: GDP tăng 5,5%, CPI khoảng 8% (08/11/2012)

>   Sáng 08/11 Quốc hội thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2013 (08/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật