TS Vũ Viết Ngoạn: "Tăng trưởng GDP 5,5% của năm 2013 là hợp lý"
Ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, với 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó GDP tăng khoảng 5,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%...
* Đã chốt chỉ tiêu 2013: GDP tăng 5,5%, CPI khoảng 8%
Bên lề Quốc hội, TS Vũ Viết Ngoạn (ảnh), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có thể cao hơn (khoảng 7%/năm) nhưng trong bối cảnh tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài, nếu đạt được mục tiêu tăng GDP 5,5% cũng có thể coi là thành công.
5,5% không tạo sức ép
- Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, việc xây dựng chỉ tiêu tăng GDP ở mức 5,5% thấp như vậy có dồn sức ép tăng trưởng trong hai năm cuối không thưa ông?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, mức độ tăng trưởng GDP năm 2013 khoảng 5,5% là hợp lý. Phải nhìn thẳng vào thực tế là tăng trưởng GDP của cả giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 nhiều khả năng sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra (bình quân khoảng 7% - 7,5%/năm).
Theo dự đoán, kinh tế thế giới sẽ chưa có nhiều triển vọng phục hồi trong thời gian tới. Những vấn đề kinh tế nội tại vẫn cần thêm thời gian, nguồn lực để khắc phục nên để đạt GDP bình quân lên mức chúng ta từng kỳ vọng là rất khó. Nhận thức như vậy để chúng ta tiếp tục kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013, tạo nền tảng vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.
- Một số chuyên gia cho rằng, với mức tăng trưởng 5,5%/năm, các doanh nghiệp sẽ khó mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vậy bài toán giải quyết tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Nên nhớ rằng, tất cả các chính sách kinh tế luôn có hai mặt. Nếu chúng ta đẩy GDP cao hơn trong khi nguồn lực thực tế có giới hạn sẽ kéo theo chỉ số CPI tăng lên, khiến đời sống của nhân dân sẽ khó khăn hơn.
Tôi cho rằng, áp lực giải quyết việc làm trong năm tới sẽ không dễ và đây là điều chúng ta phải chấp nhận khi theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Để giải quyết bài toán an sinh xã hội, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng từ 8% vẫn là cao so với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
- Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) vừa có một loạt các nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Theo ông, những chính sách này sẽ có tác động như thế nào tới đời sống kinh tế - xã hội những năm tới đây?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Nghị quyết 19-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, tập trung vào các vấn đề như: quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và đặc biệt là về giá đất. Các quy định hiện hành liên quan đất đai đang tạo ra một lực cản lớn, đồng thời tạo ra những vụ khiếu kiện phức tạp.
Thực tế cho thấy, định giá đất theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu bức thiết. Trên tinh thần của Nghị quyết 19, nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đặc biệt này, mà tác động trực tiếp sẽ là làm ấm dần lên thị trường bất động sản, xây dựng trong thời gian tới.
Xử lý nợ xấu phải gắn với cơ cấu ngân hàng
- Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế được thể hiện như thế nào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, thưa ông?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nhưng theo quan điểm của tôi, trong năm 2013, chúng ta phải tập chúng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tài chính bởi đây là mạch máu của nền kinh tế. Đối với các tổ chức ngân hàng hiện nay, trong năm 2013 phải xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém để bảo đảm tính thanh khoản, bảo đảm xử lý tốt nợ xấu của ngân hàng thông qua việc thành lập công ty mua bán, xử lý nợ xấu. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô.
- Vậy, theo ông, cần có giải pháp ra sao để giải quyết tình trạng nợ xấu hiện nay?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Ngân hàng Trung ương có thể bơm tiền ra để có thêm tiền giải quyết nợ xấu. Nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế thôi vì như vậy sẽ sẽ dẫn tới lạm phát cao. Về cơ bản thì cần tập trung tiến hành cơ cấu lại ngân hàng và cơ cấu lại doanh nghiệp để làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và của các doanh nghiệp. Biện pháp lâu dài để xử lý nợ xấu là tập trung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước mắt, cần cơ cấu lại nợ theo hướng tạo điều kiện để những doanh nghiệp chỉ mất cân đối tạm thời, vẫn được vay vốn để duy trì sản xuất, qua đó có thể phát triển và có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp cơ cấu lại nợ của các ngân hàng. Vì hiện nay, các ngân hàng nợ xấu nhiều nhưng họ lại có tài sản thế chấp.
Kinh nghiệm của các nước trong trường hợp này là Chính phủ phải đứng ra can thiệp. Thông qua các công ty mua bán nợ và Chính phủ có thể can thiệp để mua lại nợ, giúp doanh nghiệp xử lý được khó khăn và khôi phục lại mối quan hệ tài chính tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Khi Chính phủ bỏ tiền ra xử lý nợ xấu cho cả hệ thống ngân hàng cũng như của toàn bộ nền kinh tế thì sau một thời gian, khi nền kinh tế phục hồi lên được thì tài sản Chính phủ đứng ra mua lại có thể bán đi để thu hồi lại nợ. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước đã làm để xử lý nợ xấu.
- Các chuyên gia đang lo ngại xử lý nợ xấu cần một nguồn tiền rất lớn, vậy theo ông, để xử lý nợ xấu cần lấy nguồn tiền ở đâu?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta khó dùng nguồn tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu vì cân đối ngân sách khó khăn. Dư luận xã hội nhìn nhận tiền ngân sách là tiền thuế của dân nên nếu dùng ngân sách có thể sẽ không được đồng tình của xã hội.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu mà chúng ta đã làm trước đây là cho giải thể một loạt các ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, chúng ta không những bỏ tiền để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mà còn bơm vốn cho các ngân hàng bằng các công cụ như phát hành trái phiếu, dùng tiền từ ngân hàng trung ương. Việc xử lý nợ xấu có thể theo các cách thức như vậy.
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu ngân hàng để ngăn ngừa tình trạng nợ xấu phát sinh sau này. Chứ bỏ lượng tiền lớn ra để cơ cấu lại nợ xấu nhưng sau 5 - 7 năm nữa nợ xấu lại tiếp tục phát sinh thì không thể chấp nhận được.
Do đó, việc xử lý nợ xấu phải gắn chặt với cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng, làm sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng và làm lành mạnh lại toàn bộ hệ thống ngân hàng.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Thúy
Vietnam+
|