Thứ Tư, 07/11/2012 13:30

Ẩn sau những điểm sáng kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, lãi suất giảm, xuất khẩu tăng, hàng tồn kho giảm dần, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý sau cao hơn quý trước, số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao hơn số doanh nghiệp phá sản hay ngừng sản xuất… Đó là những điểm sáng, làm dịu bớt nỗi lo kinh tế khó khăn hiện nay. Các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra cũng công nhận điều này. Thế nhưng, đằng sau đó vẫn còn nhiều vấn đề.

Áp lực lạm phát có thể quay trở lại do nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm.

CPI tính đến hết tháng 10 tăng 6,02%. Theo dự kiến, CPI cả năm tăng không quá 8%. So với lạm phát trên 18% của năm ngoái và đối chiếu với mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm của Quốc hội và Chính phủ đặt ra thì mức tăng này coi như đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, CPI giảm nhanh giống như đã bị làm lạnh đột ngột, trong đó có yếu tố quyết định là người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu mạnh. Lúc này, rất khó giữ đà tăng CPI ở mức thấp khi vẫn còn quá nhiều cái “nếu”: nếu tiêu dùng tăng trở lại, nếu giá điện, than, xăng dầu buộc phải điều chỉnh tăng, nếu tăng trưởng tín dụng tăng cao.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, tỉnh Lai Châu đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao. Bởi lẽ, tính đến cuối tháng 8.2012, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 10,37% nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 2,77% (tính đến ngày 19.10). Trong khi đó, các ngân hàng lại đang thúc đẩy cho vay. Nếu tổng phương tiện thanh toán tăng tương đương dư nợ tín dụng thì lạm phát sẽ lên lại. Hơn nữa, gần Tết Nguyên Đán, lạm phát thường cao hơn các tháng trong năm, nên cần có biện pháp kiểm soát để tránh sốc.

Còn theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, biên độ lạm phát vẫn dao động mạnh, cộng thêm lạm phát của Việt Nam luôn ở mức cao so với thế giới, nên kinh tế vẫn có nguy cơ bất ổn.

Xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu năm nay đặt mục tiêu 10% nhưng có khả năng tăng trên 16%, dự kiến đạt 113 tỉ USD. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn là đáng mừng. Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do nhóm hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ khoảng 1%. Điều đó cho thấy năng lực sản xuất, cạnh tranh của họ yếu hơn hẳn so với các doanh nghiệp FDI.

Chính vì sản xuất gặp khó khăn, nên việc nhập khẩu nguyên vật liệu giảm hẳn. Nhờ đó, nhập siêu đã giảm xuống. Nhập siêu 10 tháng năm 2012 ước tính đạt 375 triệu USD, chỉ bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu. Điểm tích cực của nhập siêu thấp là giúp cải thiện cán cân thanh toán. Nhưng điều đáng lo là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu. Nếu cả năm 2012 nhập siêu chỉ khoảng 500 triệu USD thì sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức nhập siêu 9,8 tỉ USD của năm 2011.

Điểm sáng tiếp theo là hàng tồn kho. So với mức trên 30% của quý I thì 20% của tháng 9 được coi là đã vơi đi gánh nặng. Thế nhưng, việc hàng tồn kho có giảm mạnh nữa hay không vẫn còn là bài toán khó. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hàng tồn kho được coi là một trong hai nút thắt cần sớm được giải quyết. Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu tháo gỡ được nút thắt này thì sẽ giảm được khoảng 4% nợ xấu.

Thế nhưng, theo Bộ Công Thương, thông thường vào thời gian này, nhu cầu tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng, nhưng năm nay sức mua trên thị trường vẫn yếu, tiêu thụ hàng hóa tiếp tục khó khăn, đặc biệt là bất động sản.

Bộ Xây dựng cho biết cả nợ xấu và hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 1 triệu tỉ đồng, trong đó tồn kho chủ yếu là nhóm hàng trung và cao cấp. Điều này cho thấy tình trạng tồn kho trong bất động sản sẽ còn kéo dài.

Lãi suất cho vay hiện trên dưới 13% cũng là một thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, nhất là khi so với mức lãi suất cao ngất ngưỡng của năm ngoái. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn than thở về chuyện khó vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cũng trở thành điểm nóng trên diễn đàn Quốc hội tuần qua.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết, tỉnh An Giang, nêu lên một thực tế. Đó là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ giãn nợ, hạ lãi suất xuống 11%/năm cho doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra, nhưng chủ trương này được triển khai rất chậm. Các ngân hàng lại đưa ra các điều kiện thế chấp khắt khe, trong khi nhiều doanh nghiệp trước đó đã đem tài sản thế chấp, nên họ khó tiếp cận được vốn.

Dù khả năng GDP cả năm không đạt mục tiêu 6-6,5% đặt ra hồi đầu năm, nhưng việc GDP quý sau tăng hơn quý trước cũng được đánh giá là yếu tố tích cực. Và theo dự kiến, tăng trưởng GDP cả năm sẽ vào khoảng 5,5%. Tuy nhiên, khi tăng trưởng còn xa so với mục tiêu thì thu ngân sách sẽ gặp khó khăn, gây áp lực bội chi ngân sách. Hơn nữa, nhiều nhà kinh tế băn khoăn không hiểu tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay là nhờ động lực nào.

Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, trong một hội thảo, đã cho biết sản xuất kinh doanh trước đây chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, nên tín dụng đã tăng trưởng rất mạnh. Có nhiều năm, tăng trưởng tín dụng lên đến 30-40%, thậm chí năm 2007 lên đến 54%. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19.10.2012 chỉ khoảng 2,8%, vậy thì tăng trưởng do đâu? “Tôi cho rằng tăng trưởng có thể nhờ tiền ngân sách đi ra. Điều đó không phải là tốt”, bà nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Trinh, làm việc tại Tổng cục Thống kê, cho rằng thông tin kinh tế còn mù mờ, nhiều khi trái ngược nhau nên các chuyên gia không biết tình hình thực sự của nền kinh tế. Chẳng hạn, trong quý II, tăng trưởng GDP khoảng 4,66%, quý III tăng cao hơn một chút, trong khi hàng tồn kho cao, dư nợ tín dụng âm. Vì thế, doanh nghiệp không có động cơ mở rộng sản xuất.

Trên thực tế, cùng với số doanh nghiệp mới thành lập tăng lên 51.000 thì có đến khoảng 40.000 dừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Các doanh nghiệp mới thành lập chắc chắn sẽ khó có thể làm ăn có lãi ngay và đóng góp cho tăng trưởng GDP.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tiếp, thành phố Cần Thơ, còn dẫn kết quả khảo sát của Tổng cục Thuế đối với hơn 256.000 tờ khai của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp báo cáo không có lãi. Nếu thực sự như vậy thì đó là khó khăn lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tất cả những điều trên cho thấy dù kinh tế đã có một số dấu hiệu khởi sắc, nhưng sự phục hồi này vẫn rất mong manh. Vì thế, cần được tiếp sức bằng việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử lý nợ xấu. 

Quang Minh

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Thu hút FDI đừng quên... trong nước (07/11/2012)

>   Đầu tư công 2013 sẽ thắt lưng buộc bụng (06/11/2012)

>   Quản lý FDI: Sẽ soi kỹ chuyện “tiền vào tiền ra” (06/11/2012)

>   Loại vàng dự trữ ra khỏi thống kê (06/11/2012)

>   Những thách thức với Việt Nam (05/11/2012)

>   Đừng biến nợ tư thành nợ công (04/11/2012)

>   Thắt rồi nới: Điều hành kiểu 'vặn vòi nước' (03/11/2012)

>   ‘Đói’ ngân sách cho đầu tư phát triển (03/11/2012)

>   Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 15 tỉ USD (03/11/2012)

>   HSBC: Lãi suất có thể tăng lại vào năm 2013 (02/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật