Tư duy kinh tế và mô hình tăng trưởng
Trong bối cảnh mới, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Nâng cao trình độ công nghệ là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế theo chiều sâu.
|
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 10 năm tới cần thể hiện tính tất yếu của thời đại trong tiến trình phát triển của thế giới. Phải vượt qua những khó khăn, hạn chế do tính đặc thù và di sản của một nền kinh tế sản xuất nhỏ, lạc hậu, để hoà đồng phát triển có hiệu quả trong chiến lược kinh tế toàn cầu, mà trước hết là với các nền kinh tế trong khu vực.
Điều đó đòi hỏi tiếp tục đổi mới, nâng cao tư duy phát triển lên tầm chiến lược, bao gồm cả tư duy kinh tế, tư duy tổ chức quản lý, tư duy chính trị trên toàn hệ thống; gắn tư duy phát triển đất nước với những nguyên tắc và những quy luật phát triển kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế một cách toàn diện hơn, sâu và rộng hơn, đi vào những vấn đề mang tính đột phá, như thể chế kinh tế, động lực phát triển, sở hữu, phân phối lợi ích, độc lập tự chủ, kinh tế trí thức, tạo ra động lực mới, đưa nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phát triển có hiệu quả, bền vững trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá. Mặt khác, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đặt công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, phát huy lợi thế so sánh của cả nước; tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra và tận dụng cơ hội trong quá trình phân công, hợp tác, liên kết, liên doanh phát triển toàn cầu.
Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một trong những giải pháp đột phá để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Kỳ họp thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra hướng ưu tiên tái cơ cấu kinh tế triển khai trong 5 năm đầu (2011 - 2015) của thời kỳ chiến lược 10 năm (2011 - 2020), tập trung vào 3 lĩnh vực chính sau đây:
(1) Tái cơ cấu thị trường tài chính, với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, loại bỏ các nguy cơ mất an toàn trong hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế nói chung; bảo đảm sự hoạt động thông suốt của toàn hệ thống; triển khai các chính sách tài chính - tiền tệ tích cực đã được đổi mới đến các chủ thể hoạt động trong kinh tế - xã hội của đất nước
(2) Tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, tập trung đổi mới cơ bản các cơ chế chính sách huy động các nguồn lực phát triển của đất nước trong tất cả các thành phần kinh tế, đổi mới cơ chế chính sách phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực công trong xây dựng cơ bản theo hướng tập trung, có hiệu quả, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
(3) Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các doanh nghiệp nhà nước phục vụ công ích; sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh, thiết lập cơ chế quản lý hiện đại trong các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Nhìn trên giác độ mô hình phát triển, thì tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực nêu trên liên quan khăng khít và có tác động tương hỗ với nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực hiện tốt và có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế theo 3 lĩnh vực ưu tiên đã được lựa chọn, tự thân nó sẽ có những tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng hài hòa các nhân tố tác động theo chiều rộng với các nhân tố tác động theo chiều sâu, tạo cho nền kinh tế hoạt động sáng tạo, hiệu quả và bền vững.
Phân tích thực trạng các yếu tố tác động tới mô hình tăng trưởng cho thấy, ngoài các yếu tố tác động đầu vào, thiên về cung (theo chiều rộng), thì các nhân tố tác động đầu ra, thiên về cầu (theo chiều sâu) cũng không kém phần quan trọng.
Trong khi các yếu tố tác động theo chiều rộng đã tới mức giới hạn, thì những yếu tố tác động đầu ra theo chiều sâu của mô hình tăng trưởng lại có nhiều dư địa để khai thác. Một trong những dư địa dồi dào đó chính là thị trường sức mua đa dạng của hơn 86 triệu dân cư khắp mọi miền đất nước. Thị trường này cần được tác động, khai thác để tháo gỡ những ách tắc trong sản xuất - kinh doanh hiện tại, thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống các tầng lớp dân cư.
Bài toán đặt ra là, cần nhanh chóng lựa chọn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thiết lập mối quan hệ hài hòa, hợp lý giữa các nhân tố tác động đầu vào trong mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với các nhân tố tác động đầu ra theo chiều sâu.
Để tạo động lực tăng trưởng theo chiều sâu, cần thiết phải tập trung thực hiện các giải pháp sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, theo hướng hiện đại, đúng mục tiêu chương trình tái cơ cấu đầu tư đặt ra, nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, kinh doanh; sản xuất hàng hóa có chất lượng, giảm tiêu hao vật chất, nâng cao hàm lượng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong chu trình sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đồng thời, cần thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ ngay trên thị trường nội địa, nâng cao sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư, nhất là dân cư có thu nhập thấp; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa chế biến sâu, có hàm lượng quốc gia cao...
Nội dung kích cầu, mục tiêu cuối cùng là nâng mức tổng cầu - tổng cung hàng hoá và dịch vụ xã hội để kích thích sản xuất phát triển, nâng cao mức sống cho người dân.
Thực tế hiện nay, lượng hàng hoá sản xuất ra trên đất nước ta chưa nhiều, nhưng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng dư thừa, tồn kho tương đối lớn đối với một số sản phẩm tiêu dùng, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của dân cư không phải chỉ dừng lại ở mức như hiện nay.
Dựa vào kết quả điều tra về mức sống và thu nhập dân cư trong những năm gần đây, có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng thực sự của dân cư (chỉ tính những nhu cầu thiết yếu hợp lý về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh) còn khá lớn, nhưng sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, nhất là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp đang còn có khoảng cách quá xa với nhu cầu để họ cải thiện cuộc sống hiện tại. Đây cũng là một thực trạng, đồng thời cũng là dư địa tiềm năng cần được khai thác để phát triển thị trường nội địa.
Khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trên thị trường nội địa của các tầng lớp dân cư còn thấp và bị hạn chế trên các khía cạnh: (1) thu nhập thấp, quỹ tiêu dùng bình quân đầu người không cao, nhu cầu mua sắm hàng hoá có khả năng thanh toán bị hạn chế; trong khi chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ còn kém, giá bán sản phẩm lại cao; (2) cơ cấu tiêu dùng của dân cư còn đơn điệu, lạc hậu, chưa được cải thiện...
Cần nhìn nhận và phân tích những hạn chế đó để tiếp tục đề xuất và ban hành những cơ chế chính sách, những giải pháp kích cầu tiêu dùng phù hợp, nhằm tháo gỡ và hỗ trợ có hiệu quả các tầng lớp dân cư trên từng địa bàn, nhất là dân cư có thu nhập thấp, nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa; góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm hàng hóa, giảm tồn kho; tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống dân cư.
Cần tiếp tục thực hiện một số các giải pháp sau:
Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng; cải thiện chất lượng và hiệu quả sử dụng quỹ tích lũy và quỹ tiêu dùng trong tổng thể bài toán tái cơ cấu kinh tế, theo hướng nâng cao một bước mặt bằng thu nhập và mặt bằng tiêu dùng của dân cư nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sử dụng chi tiêu đầu tư có hiệu quả trong tất cả các nguồn vốn toàn xã hội, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách và vốn có nguồn gốc từ ngân sách. Đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao mặt bằng công nghệ, giảm thiểu tiêu hao vật chất trong chu trình sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để kích thích sức mua.
Đổi mới chính sách tài chính - tiền tệ, như chính sách thuế, chính sách giá và tỷ giá, mở rộng chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay tiêu dùng, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ viện phí, học phí cho các tầng lớp có thu nhập thấp, xóa bỏ sự đóng góp bất hợp lý theo “lệ làng” cho dân, tăng sức mua có khả năng thanh toán của dân cư thu nhập thấp…
Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý thị trường theo hướng thông thoáng, khuyến khích lưu chuyển hàng hóa từ nơi thừa đến nơi thiếu trên thị trường nội địa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Phát triển thị trường nội địa rộng khắp, đi đôi với việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu; tạo khả năng tăng cao mức tiêu thụ hàng hóa trong thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế.
TS. Lương Minh Việt
Đầu Tư
|