Chủ Nhật, 04/11/2012 21:56

Ba phương án xử lý vàng phi SJC không đủ chuẩn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đã trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ba phương án xử lý đối với vàng miếng phi SJC không đủ tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết bên lề cuộc họp báo ngày 3-11, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Ông Minh cho biết 3 phương án xử lý vàng miếng phi SJC không đủ tiêu chuẩn bao gồm: Thứ nhất là tạm xuất, tái nhập tức xuất vàng phi SJC, nhập vàng khối từ kho ngoại quan về gia công lại thành vàng SJC. Thời gian mất tối đa khoảng một tuần lễ. Tuy nhiên, muốn xuất như thế các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại phải ủy quyền cho NHNN. Nói là xuất nhưng thực sự là bán chứ không phải xuất, bán ra ngoài rồi mua lại vàng khối, còn chi phí chênh lệch bao nhiêu các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại phải lo.

Thứ hai, xuất dự trữ ngoại hối bằng vàng ra ứng trước. Giải pháp này phải được sự đồng ý của Thủ tướng và nếu có rủi ro về mặt giá thì ai chịu trách nhiệm là vấn đề. Chưa kể, nếu xuất vàng từ kho theo chuẩn quốc tế dập lại thành vàng miếng SJC cũng mất thời gian.

Thứ ba là nấu chảy vàng không đủ chuẩn thành khối.

Nhưng hiện nay có vẻ phương án khả thi là cân nhắc cho tạm xuất, tái nhập.

Thưa ông, tính đến ngày 1-11, SJC đã mua vào khoảng 600 tỉ đồng vàng móp méo. Nhưng vì sao việc dập vàng miếng lại được thực hiện nhỏ giọt mà không cho dập nhiều hơn?

- Hiện nay theo đề nghị của UBND TPHCM thì có thể sắp với NHNN cho lại dạng giấy phép mở, tức là đơn vị doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có bao nhiêu vàng móp méo thì đưa vào gia công bấy nhiêu. Điều này vừa tạo điều kiện lưu thông vàng trên thị trường vừa giúp SJC quay nhanh vòng vốn, tránh bị thiệt thòi quyền lợi bởi SJC cũng vay vốn ngân hàng mua vàng móp méo.

NHNN cho dập lại vàng phi SJC thành vàng SJC với phí chỉ 50.000 đồng/lượng nhưng chênh lệch giá giữa 2 loại vàng này đến mấy triệu đồng/lượng, vậy có phương án nào bảo vệ quyền lợi người giữ vàng phi SJC khi có nhu cầu bán không? - Như Thống đốc NHNN đã nói, các thương hiệu vàng miếng khác SJC vẫn lưu thông bình thường nên người dân đừng nên đổ xô đi đổi vừa tốn phí vừa bị thiệt do chênh lệch giá vàng SJC với vàng thương hiệu khác. Hiện nay chúng tôi đang báo cáo vấn đề này để thống đốc có hướng xử lý, sắp tới chắc cũng sẽ có phương án giải quyết còn phương án cụ thể như thế nào thì chưa biết được.

Nhưng hiện nay nhiều đơn vị phản ánh việc dập của SJC rất lâu và với tiến độ hiện nay thì đến một năm mới hoàn thành xong việc chuyển đổi vàng phi SJC?

- Để đẩy nhanh tiến độ dập vàng hiện nay có phương án đưa ra là tăng cường các máy kiểm định, tăng cường thêm nhân sự. SJC cũng đang tập trung nhập thêm một máy nữa, còn các máy định trưng dụng từ các đơn vị khác thì không tương thích với máy của SJC nên không sử dụng được. Vấn đề hiện nay là ở khâu kiểm định. Một miếng vàng 1 chỉ, 2 chỉ hay 1 lượng thì thời gian kiểm định giống nhau mất khoảng trên dưới 2 phút, một ngày dập như thế chỉ khoảng 1.600 miếng.

Ngoài niêm phong và quản lý chặt máy dập vàng SJC, NHNN có quản lý và niêm phong các máy các đơn vị sản xuất vàng miếng trước đây không?

- Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trước đây được phép sản xuất vàng miếng đang có các khuôn và hiện nay họ đang đề nghị NHNN niêm phong lại để NHNN giữ. Chúng tôi đang chờ ý kiến của Vụ quản lý ngoại hối về vấn đề này. Thực tế họ không sử dụng khuôn đó nữa, họ muốn minh bạch trong hoạt động của mình bởi gần đây nhiều thông tin như vàng giả, vàng nhái họ cũng sợ bị lợi dụng. NHNN không cho họ sản xuất vàng miếng thì họ gửi kho NHNN.

Ông nghĩ sao khi có thông tin cho rằng NHNN cấp “quota” chuyển đổi vàng phi SJC không đúng với lượng vàng thực có trong kho của các đơn vị?

- NHNN là nơi cấp cấp giấy phép cho các đơn vị chuyển đổi vàng miếng và hạn mức cấp căn cứ trên đề nghị của đơn vị và kế hoạch sản xuất của SJC. Trên cơ sở cấp giấy phép ấy, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ đi kiểm tra tồn quỹ. Đến thời nay chuyện gom vàng hay kê khống vàng trong kho để hưởng lợi đến giờ phút này tôi khẳng định chưa có. Chúng tôi đã đi kiểm tra và khẳng định thực tế tồn quỹ của họ so với giấy phép đảm bảo đúng quy định.

Từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại đã mua vào khoảng 60 tấn vàng, còn lại khoảng 20 tấn vàng các ngân hàng này phải tất toán, vậy hiện còn bao nhiêu ngân hàng thương mại phải tiếp tục mua vàng vào?

- Hiện nay có 14 ngân hàng thương mại đang huy động vàng. Tại TPHCM có 12 ngân hàng, tại phía Bắc có 2 ngân hàng. Trong đó, 12 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM quản lý đang chiếm đến 97-98% tổng lượng huy động vàng của toàn quốc. Hiện nay, trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại đã tốt hơn nhiều so với cách đây 1-2 tháng, tức là thông qua việc mua vàng trên thị trường để tăng cường thanh khoản. Hiện nay mặc dù NHNN đã cho phép nới hạn đóng trạng thái vàng đến 30-6-2013 nhưng không phải đơn vị nào cũng được như thế. Với đơn vị nào có thể đóng trạng thái vàng ngay chúng tôi đề nghị đóng ngay, ngừng huy động. Thực tế, các ngân hàng cũng muốn đóng trạng thái ngay vì hoạt động này cũng nhiều rủi ro. Thực ra, trong năm 2012 không có đơn vị nào kinh doanh vàng mà có lời cả.

Theo ông, người dân sau 30-6-2013 sẽ làm gì khi các ngân hàng thương mại không được huy động vàng và Ngân hàng Nhà nước cũng không có đề án huy động vàng trong dân?

- Thống đốc cũng đã đưa ra định hướng chính sách quản lý vàng: không tham gia vào việc bình ổn vàng, chống hiện tượng vàng hóa nền kinh tế nên chuyển từ quan hệ huy động và cho vay sang mua bán vàng. Việc quản lý vàng hiện nay sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC làm thương hiệu quốc gia. Đến thời điểm này chưa có đề án nào huy động vàng cả. Theo quy định hiện hành không có chuyện các ngân hàng thương mại giữ vàng cho dân mà phải trả phí cho dân. Vì vậy, người dân muốn giữ vàng sẽ phải chịu phí ghi gửi hộ tại các ngân hàng thương mại.

Hồng Phúc

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Rót vốn vào đâu? (04/11/2012)

>   Hết thời gian gửi vàng tại ngân hàng, nắm giữ vàng ra sao? (03/11/2012)

>   Vàng đổ dốc, xuống dưới 46 triệu (03/11/2012)

>   Vàng chìm nghỉm hơn 40 USD/oz, giảm tuần thứ tư liên tiếp (03/11/2012)

>   Gia công 40.000 lượng vàng SJC móp méo (02/11/2012)

>   Ông Lê Hùng Dũng: SJC trở thành “người gia công” (02/11/2012)

>   Bó chân vàng miếng, vàng trang sức rộng đường? (02/11/2012)

>   Giá vàng SJC hạ nhiệt sau ngày tăng bất thường (02/11/2012)

>   Móc túi người giữ vàng (02/11/2012)

>   Vàng giảm sau số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Trung Quốc (02/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật