Thứ Ba, 30/10/2012 15:28

Xu hướng đi lên của tiêu dùng

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là tồn kho cao. Khi đầu tư co lại, xuất khẩu tăng thấp hơn và nhập siêu giảm so với năm trước, thì tiêu thụ trong nước có vai trò quan trọng.

Tiêu thụ trong nước có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Trước hết, quan hệ giữa tiêu thụ trong nước với tồn kho, sản xuất, nợ xấu, tín dụng được biểu hiện như sau: Sức mua giảm- Tồn kho tăng- Sản xuất giảm- Nợ xấu tăng- Tín dụng giảm. Cái vòng luẩn quẩn này dễ bị lặp lại, bắt đầu từ sức mua và thường dẫn đến tồn kho, nợ xấu, tín dụng, sản xuất… Tiêu thụ trong nước cũng là một nội lực, một động lực của tăng trưởng, ứng phó với biến động ở bên ngoài- đây là bài học kinh nghiệm của nhiều nước để không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vừa qua.

Tiêu thụ trong nước biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL).

Theo báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng TMBL qua các thời kỳ so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm 2012 (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân tương ứng từng kỳ so với cùng kỳ năm trước) như sau.

TỐC ĐỘ TĂNG TMBL SO VỚI CÙNG KỲ NĂM TRƯỚC (%)- N guồn số liệu : Ước tính của Tổng cục Thống kê

Từ biểu đồ trên và một số thông tin khác, có thể rút ra một số nhận xét về diễn biến của TMBL trong 10 tháng năm 2012 trên một số góc độ cụ thể.

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước về lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã cao lên, phản ánh xu hướng đi lên của tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân chủ yếu do giá tiêu dùng đã chuyển từ tăng cao vào 2 tháng có Tết Dương lịch và Âm lịch sang tăng chậm lại trong các tháng tiếp theo, đặc biệt đã giảm trong tháng 6, tháng 7. Điều đó có nghĩa là, khi giá giảm, thì tiêu thụ sẽ tăng.

Diễn biến trong 10 tháng đã cho thấy khi giá giảm, thì lượng tiêu thụ tăng, khi giá tiêu dùng tăng, thì lượng tiêu thụ chậm lại. Điều đó không chỉ đúng với những người tiêu dùng có thu nhập thấp, mà còn đúng đối với những người có thu nhập khá, bởi họ có tâm lý chờ giá giảm mới mua.

Tính chung 10 tháng so với cùng kỳ năm trước, TMBL đã tăng 6,5%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng (4,2%) của cùng kỳ 2011. Chính tốc độ tăng CPI 10 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,02% so với 17,05%) đã làm cho lượng tiêu dùng tăng cao hơn.

So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng TMBL cao hơn tốc độ tăng GDP trong cùng thời gian (tốc độ tăng quý I là 5% so với 4%, 6 tháng tăng 6,5% so với 4,38%, 9 tháng là 6,5% so với 4,73%, cả năm chắc chắn sẽ tăng cao hơn vì GDP được dự báo tăng 5,2%).

Tốc độ tăng TMBL cao lên đã góp phần làm cho tốc độ tồn kho của công nghiệp chế biến tuy vẫn còn cao, nhưng đã chậm dần qua các tháng (đầu tháng 3 tăng tới 34,9%, đầu tháng 4 còn 32,1%, đầu tháng 5 còn 29,4%, đầu tháng 6 còn 26%, đầu tháng 7 còn 21%, đầu tháng 8 còn 20,8%, đầu tháng 9 tăng 20,4%).

Xu hướng cao lên của tốc độ tăng TMBL qua các tháng đã góp phần quan trọng đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam “thoát đáy” vào quý I, vượt dốc đi lên từ quý II, quý III, tạo điều kiện để cả năm có thể tăng trên 5%. Điều đó chứng tỏ việc tăng lên cao hơn của TMBL đã góp phần ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Khi TMBL (đã loại trừ yếu tố tăng giá) tăng cao lên sẽ làm cho CPI tăng cao lên. Đây là mặt trái của tấm huân chương. Đây cũng là lý do tại sao Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đưa ra chủ yếu là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, chứ không kích cầu đầu tư tiêu dùng.

Thị trường bán lẻ hấp dẫn

Quy mô và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của TMBL có sự khác nhau giữa các loại hình kinh tế.

Loại hình có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng thấp nhất (2,8%), nhưng đã tăng với tốc độ cao nhất (tính theo giá thực tế tăng 33,8%, cao gấp đôi tốc độ chung 17,15%). Loại hình có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất chủ yếu do có lợi thế về vốn, về cơ sở vật chất hiện đại, về quảng cáo, tiếp thị, về phong cách bán hàng, về niêm yết và giá cả... Loại hình này sẽ tăng tốc và sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn  khi thị trường bán lẻ của Việt Nam được mở cửa sâu, rộng hơn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thị trường bán lẻ của Việt Nam hấp dẫn với quy mô dân số lên đến gần 90 triệu người, với tầng lớp trung lưu tăng lên, với nhu cầu tiêu dùng tăng lên, với quy mô TMBL tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái lên đến gần 100 tỷ USD, là quy mô mơ ước của nhiều nhà đầu tư và thương nhân nước ngoài.

Loại hình kinh tế tư nhân có tốc độ tăng cao thứ hai (tính theo giá thực tế tăng 24,4%). Loại hình kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong các loại hình kinh tế (trên 35%). Việc tăng với tốc độ cao và tỷ trọng tăng lên của loại hình kinh tế tư nhân do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp hiện vật sang cơ chế thị trường, đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của loại hình này. Có nguyên nhân do loại hình này có thế mạnh về vốn, phương thức bán hàng, quảng cáo tiếp thị..., với hàng hoạt các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Loại hình kinh tế cá thể hiện chiếm tỷ trọng cao nhất (48,8%) và có tốc độ tăng cao ngang với tốc độ tăng chung. Loại hình kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 11,8%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Loại hình kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng nhỏ (1,0%) và tăng với tốc độ thấp hơn tốc độ chung.

Tác động vào sức mua

Tuy nhiên, việc cao lên của tốc độ tăng TMBL mới chỉ là dấu hiệu, mới là một trong các yếu tố để ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế. Muốn tăng trưởng kinh tế vượt dốc đi lên, còn phải đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ trong nước. Để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, cần phải có nhiều biện pháp. Theo tác giả bài viết, cần có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng ngừng sản xuất kinh doanh, vỡ nợ để hạn chế tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, làm suy giảm thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư.

Đồng thời có biện pháp thu hút lao động bằng chương trình tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân để giải quyết việc làm, vừa để tăng thu nhập, vừa hạn chế các tiêu cực phát sinh do không có công ăn việc làm. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người có công, người gặp khó khăn do thiên tai, bệnh tật, tai nạn, người nghèo, cận nghèo… Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cơ sở các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, giảm giá bán, có cơ cấu mặt hàng phù hợp.

Các doanh nghiệp mạnh dạn giảm giá bán hơn nữa. Một số chủ hàng đã rút ra được bài học. Đó là: bán thấp hơn thị trường một chút, tuy có bị thiệt một chút, nhưng thiệt hại này sẽ thấp hơn nhiều so với số thiệt hại do vốn bị ứ đọng, lãi suất vay còn cao (hay nếu bị phạt vì quá hạn), chưa nói là thu hồi vốn nhanh hơn, quay vòng vốn nhanh hơn sẽ đẻ ra thêm lợi nhuận. Tăng thu nhập cho nông dân bằng cách mua tạm trữ gạo, nông sản xuất khẩu; hỗ trợ vốn cho nông dân trong việc xây dựng các công trình theo chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa là thời cơ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, vừa tạo việc làm, vừa tạo thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của nông dân, vừa tăng tiêu thụ trong nước.

Điều quan trọng là phải tiếp tục, kiên trì và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Lâm Đào

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Công nhân khốn khổ vì chủ nợ lương (30/10/2012)

>   Có lợi ích nhóm trong điều hành xăng dầu (30/10/2012)

>   PVN chỉ định thầu sai quy định (30/10/2012)

>   Tài trợ 140 triệu USD đầu tư và khai thác dầu khí (30/10/2012)

>   80% nhà máy thủy sản bên bờ phá sản (30/10/2012)

>   EVN lần lữa đền bù cho dân sông Tranh (30/10/2012)

>   Áp dụng biện pháp khẩn cấp với “thương hiệu xi măng nghìn tỷ“? (30/10/2012)

>   Xuất khẩu than tiếp tục giảm (30/10/2012)

>   Ngành cá tra cần vốn (29/10/2012)

>   "Chưa thực hiện điều chỉnh giá điện trong tháng 11" (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật