Áp dụng biện pháp khẩn cấp với “thương hiệu xi măng nghìn tỷ“?
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) mới chính thức có công văn gửi Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngặn chặn khẩn cấp đối với hành vi “cướp” thương hiệu “Xi măng Trung Sơn” mà Công ty TNHH Xi măng Xuân Mai đang tiến hành.
Theo công văn này, mặc dù bản án chưa có hiệu lực, Toà án nhân dân Tối cao đang thụ lý hồ sơ, nhưng Công ty TNHH Xuân Mai (Cty Xuân Mai) vẫn coi thường pháp luật, coi thường các văn bản quyết định của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình, ngang nhiên cung cấp các thông tin không đúng với quyết định của Cục SHTT nhằm lừa dối người tiêu dùng trên phương tiện thông tin đại chúng khi sử dụng thương hiệu “Xi măng Trung Sơn”, gây rối loạn và nhầm lẫn cho các giao dịch, các hợp đồng kinh tế, các văn bản pháp lý, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Nhà máy xi măng Trung Sơn do Công ty Bình Minh làm chủ đầu tư.
Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng, tôn trọng pháp luật, tạo điều kiện cho nhà máy xi măng Trung Sơn phát triển đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Công ty Bình Minh chính thức đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao “xem xét tư cách, phẩm chất đạo đức của ông Chánh toà Hành chính Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình Trần Dũng Tiến”, đồng thời chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, coi thường pháp luật của ban giám đốc Cty Xuân Mai.
Biện pháp khẩn cấp trước mắt, Công ty Bình Minh đề nghị cơ quan chức năng ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời theo Điều 99 và Điều 102, Bộ luật Tố tụng Dân sự, buộc Công ty TNHH Xuân Mai huỷ bỏ tên “Công ty Xi măng Trung Sơn”, dòng chữ “Trung Sơn” trên bao bì sản phẩm, bộ nhận diện thương hiệu mới... cũng như các thông tin gây hiểu nhầm khác.
Như Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài phản ánh, dự án Nhà máy Xi măng Trung Sơn đã được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QT-TTg. Chủ đầu tư dự án là Công ty Bình Minh.
Thế nhưng, khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, Công ty Bình Minh bất ngờ phát hiện thấy ngoài vỏ bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai, trụ sở tại xã Thành Lập, huyện Lương Sơn có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy Xi măng Trung Sơn của Bình Minh.
Với sai phạm này, ngày 8/12/2010 Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra Quyết định 2470 hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã cấp cho Công ty Xuân Mai.
Công ty Xuân Mai sau đó đã khởi kiện Cục Sở hữu trí tuệ, yêu cầu hủy bỏ Quyết định 2470 của cơ quan này về việc hủy bỏ một phần hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 về việc giải quyết khiếu nại hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngày 24/2/2012 TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty Xuân Mai và bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ do. Phiên tòa do thẩm phán Trần Dũng Tiến làm chủ tọa.
Theo Bản án số 01/2012/HCST, Tòa này “chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện” của Công ty Xuân Mai, đồng thời tuyên “hủy Quyết định số 2470 ngày 8/1/2010 về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 ngày 13/5/2011 về việc giải quyết khiếu nại quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” của Cục Sở hữu trí tuệ.
Sau phiên tòa, Cục Sở hữu trí tuệ đã kháng án. Đại diện Công ty Bình Minh cũng chính thức có đơn tố cáo Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trần Dũng Tiến điều khiển phiên tòa một cách thiên vị.
Dù bản án của phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp lý cuối cùng, tuy nhiên Công ty Xuân Mai vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên sử dụng thương hiệu “Xi măng Trung Sơn”. Trong khi đó, phía các cơ quan chức năng lại làm ngơ, không có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời để tránh thiệt hại về tài sản, thương hiệu cho Công ty Bình Minh nói riêng và đảm bảo sự trong lành cho môi trường đầu tư địa phương nói chung.
Nhóm PV
pháp luật việt nam
|