Thứ Hai, 29/10/2012 15:27

Logistics: Miếng bánh của DN ngoại

Với doanh số hàng tỷ USD mỗi năm, dịch vụ logistics đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với hoạt động ngày càng sôi nổi. Trong khi đó, các công ty trong nước đang ngày càng thể hiện sự lép vế và yếu thế.

Làm thuê trên sân nhà

Ngành logistics Việt Nam đang có hơn 1.000 DN trong nước và 25 công ty nước ngoài tham gia hoạt động. Theo thống kê của Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), trong 1.000 công ty nội, có khoảng 800 công ty nội địa đang hoạt động trong lĩnh vực giao nhận vận tải và 70% là DN tư nhân với quy mô nhỏ chỉ có thể cung cấp những dịch vụ có giá trị gia tăng thấp như khai báo hải quan, vận chuyển hàng hóa bằng xe tải hoặc container.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam hầu như chưa có một công ty nội nào có thể đáp ứng được dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Trong khi đó, dù chỉ 25 công ty nước ngoài đang tham gia vào thị trường logistics Việt Nam nhưng chiếm hết 80% thị phần, chiếm lĩnh những hoạt động có giá trị gia tăng cao như vận tải hàng hải, kho bãi…

Theo quy định, từ năm 2012, DN nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để kinh doanh dịch vụ logistics. Do đó, nhiều công ty logistics lớn của nước ngoài ở Việt Nam đã chuyển dần từ hình thức đại diện thương mại, liên doanh sang công ty 100% vốn nước ngoài, tiếp tục khai thác mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia logistics thế giới, sở dĩ thị trường Việt Nam hấp dẫn các công ty logistics hàng đầu thế giới là vì sau khi gia nhập WTO, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn như một trung tâm sản xuất của thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Với sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, các công ty logistics ngoại rất tự tin vào tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, nhiều công ty logistics hàng đầu trên thế giới như Maersk Logistics, APL Logistics, NYK Logistics, MOL Logistics đã có mặt và ngày càng nâng cao sức ảnh hưởng bằng cách thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với các DN nội với tỷ lệ khống chế.

Thế nhưng, trong bối cảnh DN nước ngoài đang tìm mọi cách khai thác thị trường thì các DN trong nước lại chỉ biết vùng vẫy, cạnh tranh lẫn nhau trong hoạt động hạn hẹp, không có giá trị gia tăng cao như vận tải đường bộ hoặc làm thuê cho các công ty nước ngoài do thiếu vốn, nhân lực và công nghệ.

Thiếu và yếu

Theo lộ trình, đến năm 2014, ngành logistics sẽ mở cửa hoàn toàn. Do vậy, thời gian tới, môi trường cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Trong bối cảnh cơ sở vật chất và dịch vụ hạn chế, các DN trong nước không những sẽ khó lòng cạnh tranh nổi mà còn có nguy cơ ngày càng phụ thuộc hoặc rơi vào tay các DN nước ngoài.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc CTCP Vinafco, nhận định các DN logistics nội chỉ mới đáp ứng được những dịch vụ đơn giản như giao nhận và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đại diện cho các công ty vận chuyển thông báo đến khách hàng tình hình vận chuyển hàng hóa, phát hành lệnh giao hàng khi tàu cập cảng hoặc đại diện các hãng tàu thu phí.

Trong khi đó, các hoạt động để gắn kết với DN xuất nhập khẩu trong nước là vận chuyển hàng hải, các DN logistics lại không đáp ứng được nên chưa tạo ra sự gắn bó, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN nội. Điều này dẫn đến việc nhiều DN trong nước bị các hãng tàu “ép” về các loại phí vận chuyển. Ngoài ra, trong bảng đánh giá xếp hạng chỉ số hoạt động hiệu quả của ngành logistics, Việt Nam đang đứng thứ 53 trên thế giới và thứ 5 trong khu vực với tốc độ phát triển trung bình 20%/năm.

Tuy nhiên, kết quả này được nhận định phần đóng góp chủ yếu từ hoạt động của các DN logistics nước ngoài. Điều này cho thấy hoạt động logistics của Việt Nam vô cùng thiếu và yếu.

Theo ông Jan Tomczyk, chuyên gia cao cấp của dự án hỗ trợ thương mại đa biên III (Mutrap III), thế mạnh cạnh tranh của ngành logistics thể hiện chủ yếu ở chất lượng và giá cả của các dịch vụ vận tải, phân phối, kho bãi, công nghệ thông tin và hàng hải. Những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20%, thậm chí có lúc 25% GDP cả nước, khoảng 12 tỷ USD/năm.

Trong đó, chi phí vận tải chiếm đến khoảng 60% tổng chi phí. Nếu như dịch vụ vận tải không phát triển sẽ kéo năng lực cạnh tranh đi xuống và làm chi phí vận tải của một đơn hàng tăng khoảng 10%, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Hoạt động của các công ty logictics ở Việt Nam hiện vẫn còn rời rạc, phương tiện thông tin quá thô sơ và chậm chạp, số liệu không minh bạch cũng đã góp phần đẩy chi phí tăng cao nên khó lòng cạnh tranh với các DN ngoại.

Do đó, để cải thiện vấn đề này, các DN Việt Nam cần phải sớm tiếp cận và áp dụng nhanh công nghệ thông tin hiện đại để tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Ở một khía cạnh khác, các DN logistics nội nhận xét, dù các DN trong nước muốn phát triển nhưng hiện đang vướng nhiều rào cản như luật pháp quy định rời rạc, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu.

Do vậy, các DN trong ngành mong muốn cơ quan quản lý tiến hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về chính sách, nhân lực, vốn và công nghệ để chuẩn bị bước vào thị trường cạnh tranh sắp tới.

Yên Lam

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu ôtô tháng 10: Mong trông thấy dốc (29/10/2012)

>   Nhập siêu tăng, doanh nghiệp nội tiếp tục đuối sức (29/10/2012)

>   Điện lực, hàng không, viễn thông thiệt hại nặng nề vì bão (29/10/2012)

>   Tồn kho công nghiệp đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (29/10/2012)

>   Bộ Tài chính sẽ tăng thuế xuất khẩu gỗ, khoáng sản (29/10/2012)

>   Lượng đường tồn kho chiếm tới 2/3 tổng sản lượng (29/10/2012)

>   Hơn 2.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động (29/10/2012)

>   Đến mùa tiêu thụ, nhiều ngành sản xuất vẫn tăng chậm (29/10/2012)

>   Tập đoàn Vinashin sẽ thành tổng công ty? (29/10/2012)

>   Bôxít Tân Rai: “Chưa tính được đến năm nào thì có lãi” (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật