Thứ Hai, 29/10/2012 06:39

Ông Trần Xuân Hoà, chủ tịch hội đồng thành viên Vinacomin

Bôxít Tân Rai: “Chưa tính được đến năm nào thì có lãi”

“Vì đây là dự án bôxít đầu tiên mà chúng tôi làm, nên phải làm đã thì mới biết đến năm nào thì có lãi. Còn nếu đòi hỏi năm đầu tiên mà dự án phải có lãi ngay thì không nước nào trên thế giới tính thế cả, bởi phải tính cho cả đời dự án”, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Trần Xuân Hoà nói vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.

Đường vào nhà máy bôxít Tân Rai. Ảnh: Vĩnh Hòa

Sau nhiều lần trì hoãn vận hành thử nhà máy Tân Rai, tại cuộc họp đầu tháng 10 vừa qua, thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang đã yêu cầu Vinacomin và ban quản lý dự án bôxít Tân Rai “chốt” mốc cuối cùng chạy thử nhà máy alumin vào ngày 1.11, vậy đến thời điểm này có thể khẳng định nhà máy sẽ chạy thử đúng thời gian nói trên không, thưa ông?

Dự án đang phải đợi pha mầm (hydrat) cho đảm bảo, sau 20 ngày kể từ ngày pha mầm mới ra sản phẩm, lúc đó mới quyết định thời điểm chạy thử.

Tức là vẫn chưa biết được ngày nào thì dự án sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm?

Đến giờ này vẫn chưa biết được ngày pha mầm nên hạn ngày 1.11 vẫn phải lùi lại. Cũng phải nói thêm đây là một dự án tập trung cả dự án điện, dự án hoá chất nên anh em trên đó cũng đang rất nỗ lực.

Đấy là lý do chính hay còn lý do nào khác vì những lần chậm tiến độ trước đây thì đã có rất nhiều lý do được đưa ra như: nhà thầu nước ngoài chưa chịu bàn giao phần việc của mình, rồi khâu tuyển bôxít sau khi khai thác… thưa ông?

Lý do chính chỉ có thế thôi – là đợi pha mầm.

Tới thời điểm này, với các yếu tố giá thành (như giá đầu vào gồm than, hoá chất, rồi lãi suất… và giá đầu ra của sản phẩm là giá alumin xuất xưởng, giá nhôm ngoài thị trường…) thì Vinacomin đã tính được dự án có lãi, hoà vốn hay lỗ như có chuyên gia từng cảnh báo?

Một dự án bao giờ cũng tính cả đời, có nước nào mà đời dự án tính ngay năm đầu có lãi không? Như nhà máy đồng của chúng tôi, ban đầu tính phải mất ba năm là lỗ, bây giờ mới bắt đầu có lãi. Chưa kể, đối với những dự án đầu tư ở vùng sâu vùng xa thì còn các ý nghĩa xã hội khác nữa.

Vậy với dự án bôxít Tân Rai thì dự kiến mất bao năm mới bắt đầu có lãi?

Vì đây là dự án bôxít đầu tiên của chúng tôi nên phải làm cái đã mới biết được.

Mới đây sau cuộc thị sát do viện CODE (thuộc liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, một chuyên gia của chính Vinacomin là ông Nguyễn Thành Sơn tỏ ra rất lo ngại, ông Sơn cho rằng Vinacomin nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho dừng một dự án (Nhân Cơ), chờ để thí điểm xong Tân Rai nếu thấy có hiệu quả thì làm tiếp cũng chưa muộn, ông thấy sao?

Chính phủ chỉ đạo chúng tôi làm thí điểm cả hai dự án, đấy là cái “cốt”. Còn mình là “quân” của Chính phủ thì (phải) làm theo chỉ đạo.

Nhưng nếu làm cả hai dự án cùng lúc, tức là dồn cả vốn vào đấy, thì Vinacomin sẽ rất khó khăn, nhất là để đầu tư vào ngành chính là than?

Cái đó phải hỏi Chính phủ. Tất cả vốn của dự án này Chính phủ lo hết. Với lại cả nước bây giờ đang khó khăn về vốn liếng cả chứ đâu riêng gì dự án nào.

Kiểu gì cũng lỗ?

Ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc ban quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin) tính toán (Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 8.10.2012): tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỉ đồng (việc chậm tiến độ một năm đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1.100 tỉ đồng so với ban đầu), lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là mười năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2.220 tỉ đồng/năm.

Nếu đạt 100% công suất thiết kế (0,6 triệu tấn/năm), mỗi năm nhà máy sẽ phải tiêu dùng khoảng: 1,2 triệu tấn bôxít qua tuyển (khai thác tại chỗ); 0,4 triệu tấn than cám (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu đồng/tấn); khoảng 0,1 triệu tấn hoá chất và đá vôi... thì tổng chi phí vận hành khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Như vậy, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn.

Nhưng theo ông Sơn, giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2.300 USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345 USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc – dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20%, thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Kể cả trong trường hợp được miễn cả thuế xuất khẩu – và tạm thời chưa nộp ngân sách, mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD thì mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.


Chí Hiếu

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   “Miếng bíp tết” quá dai (28/10/2012)

>   Thủ tướng sẽ chỉ còn quản dưới 10 tập đoàn và tổng công ty (28/10/2012)

>   Cụ thể hóa quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu đối với DNNN (28/10/2012)

>   Thông tin phiến diện về thủy sản Việt trên báo Mỹ (28/10/2012)

>   'Cơ hội đầu tư casino ở Việt Nam rất lớn' (28/10/2012)

>   Nguyên nhân từ... lỗ hổng pháp lý (28/10/2012)

>   Các bộ “cãi nhau” về chỉ số tồn kho (27/10/2012)

>   Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi Việt Nam (27/10/2012)

>   Khu phức hợp casino 4 tỷ đôla khởi công sớm (26/10/2012)

>   Công ty Thép Bắc Việt liên doanh với 4 đối tác Nhật (26/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật