“Miếng bíp tết” quá dai
Nếu không cải cách được bộ máy Nhà nước, pháp luật, thể chế thì không cải cách được doanh nghiệp Nhà nước.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được giao soạn thảo đề án “Tách chức năng chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp”. Trên cơ sở đề án này, bước đi tiếp theo là tiến tới thành lập một đơn vị chuyên trách thực hiện chủ sở hữu DNNN.
Vấn đề này đã được đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa làm được do vấp phải sự cản trở của các lợi ích nhóm. Theo ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp của CIEM, đến nay, việc quản lý DNNN vẫn còn in đậm dấu ấn phương thức quản lý hành chính, chủ yếu vẫn phân công, phân nhiệm cho các cơ quan hành chính quản lý DNNN. Đây là nguyên nhân khiến quản trị DNNN yếu kém, hiệu lực quản lý của Nhà nước, chủ sở hữu DNNN chưa cao.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ (Tập đoàn dầu khí Việt Nam).
|
Bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước thiếu tính chuyên nghiệp, không đủ khả năng và thực lực để đảm nhiệm vai trò của nhà đầu tư như các nhà đầu tư khác. Nỗ lực cải cách DNNN là vấn đề khó khăn dai dẳng, được đặt ra từ năm 1965 đến nay vẫn chưa thực hiện được. Khi đặt vấn đề, không ai phản đối nhưng khi giao nhiệm vụ thì không ai chịu làm.
Theo TS Lê Đăng Doanh, đây là một miếng bíp tết quá dai, nhai mãi không nhừ và thỉnh thoảng chúng ta lại lôi ra nhai lại mà vẫn chưa nuốt được. Sự lẫn lộn giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý tại các DNNN đã “đẻ” ra những Vinashin, Vinalines với những hậu quả nặng nề về kinh tế. Chỉ cần làm rõ 2 câu chuyện ở Vinashin, Vinalines xem ai xin gì, ai cho gì là xác định được ngay vấn đề.
Nếu không cải cách được bộ máy Nhà nước, pháp luật, thể chế thì không cải cách được DNNN vì doanh nghiệp dựa vào bộ máy đó để thực hiện nhiệm vụ. “Sở dĩ không cải cách được DNNN vì không xử lý được vấn đề lợi ích nhóm. Khi đụng đến “nồi cơm” của mình, đương nhiên các DNNN và các bộ, ngành địa phương có vai trò chủ quản không đồng ý” - ông Danh nói.
Theo CIEM, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần từng bước tổ chức chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước sang mô hình tập trung. Nước ta đã qua các giai đoạn chuyển từ mô hình “bộ chủ quản” sang mô hình song trùng (bộ quản lý ngành/UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính cùng thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN).
Và đến nay đang thực hiện mô hình một cơ quan quản lý Nhà nước đối với các công ty mẹ trong tổng công ty 90 và DNNN độc lập cùng với mô hình phân tán chức năng chủ sở hữu Nhà nước cho nhiều cơ quan Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91. Những mô hình quản lý này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy cần sớm chuyển sang thực hiện mô hình tập trung.
TÔ HÀ
người lao động
|