Chủ Nhật, 28/10/2012 09:21

Viết tiếp về Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội)

Nguyên nhân từ... lỗ hổng pháp lý

Ngay sau khi DĐDN có bài viết về những “Mâu thuẫn không tự sinh” của KCN Quang Minh, DĐDN đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía bạn đọc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục đưa ra ý kiến DN phân tích về cội nguồn của sự tranh chấp quyền lợi giữa 40 DN và chủ đầu tư KCN.

Tại sao chỉ có hơn 40 DN đầu tư sản xuất kinh doanh tại đây lại tranh chấp quyền lợi với Cty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức (Cty Nam Đức) trong khi, hiện nay, KCN Quang Minh đang có hơn 100 DN đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chủ đầu tư sai cũng không ai xử lý

Lý giải câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Nam – GĐ Cty CP Galaxy VN cho biết, từ hồi Mê Linh còn là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, hơn 40 DN đã vào đây đầu tư vì nhận được những lời mời ưu đãi hấp dẫn. Đầu năm 2002 – 2003, CCN Quang Minh được thành lập, các DN đã phải tự đền bù, giải phóng mặt bằng, thậm chí tham gia đầu tư các hạng mục bên ngoài phần đất được cấp để đưa CCN vào hoạt động. Ngày 22/10/2004, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Cty Nam Đức đầu tư nâng cấp thành KCN Quang Minh. Tiếp theo, các DN nhận được Quyết định số 3937/QĐ-CT ngày 5/11/2004 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Hòa ký thay chủ tịch. Quyết định này yêu cầu các DN tại KCN Quang Minh phải mua hạ tầng của Cty Nam Đức với giá 10 USD/m2 cho 50 năm. Các DN đều tỏ ra bất bình vì phải bỏ ra thêm một khoản chi phí hạ tầng khá lớn. Nhưng họ còn bức xúc hơn vì không biết mình phải trả thêm 10 USD/m2 để mua cái gì? Trong khi họ không được cả UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Ban quản lý KCN hay Cty Nam Đức cho biết về quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật của KCN. Đây là lý do của tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa Cty Nam Đức và hơn 40 DN.

Phải đến tháng 8/2007, Thanh tra Bộ KH-ĐT vào cuộc, các DN mới biết quy hoạch chi tiết (QHCT) KCN vẫn chưa được phê duyệt. Sai phạm này do Cty Nam Đức thay đổi thiết kế kỹ thuật so với Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) nhưng không trình Bộ Xây dựng phê duyệt.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rất nhiều sai phạm khác của Cty Nam Đức. Đơn cử như tiến độ xây dựng hạ tầng KCN theo cam kết được hoàn thành trong 2 năm từ tháng 10/2004 – 10/2006 nhưng đến thời điểm thanh tra hạ tầng KCN mới đạt 46,5%. Hệ thống thoát nước chưa được xây dựng hoặc chỉ xây dựng bằng rãnh hở (cam kết là cống ngầm). Hệ thống cây xanh mới chỉ trồng tại một số tuyến và không đúng thiết kế. Toàn bộ các tuyến đường đều không có vỉa hè. Cty Nam Đức đã cho DN thuê cả đất cây xanh và đất trung tâm công cộng. Đường 15 m so với TKKT bị thu nhỏ thành đường 10 m, đường 10,5 m thu nhỏ thành đường 7 m…

Tuy nhiên, những sai phạm của Cty Nam Đức từ việc không trình duyệt QHCT, thực hiện dự án KCN không đúng tiến độ đến rút bớt các hạng mục đầu tư đều không được xử lý. Theo LS Vũ Văn Lợi – GĐ Cty TNHH luật Hòa Lợi, sai phạm của Cty Nam Đức thể hiện trách nhiệm với hai đối tượng là Nhà nước và các DN. Việc không trình và phê duyệt dự án KCN mà vẫn triển khai được coi như xây dựng không phép thì xưa nay các cơ quan chức năng rất khó xử lý. Nếu tính đến thời điểm thanh tra, KCN đã hoạt động được 3 năm nên khó ai có thể dừng hoạt động mà chỉ có thể phạt và yêu cầu hoàn thiện thủ tục. Còn việc chậm tiến độ thì một phần trách nhiệm cũng từ chính quyền địa phương thiếu đôn đốc, giám sát.

Nhưng việc chậm tiến độ và rút bớt các hạng mục hạ tầng so với cam kết là chuyện ảnh hưởng đến quyền lợi của các DN đầu tư sản xuất kinh doanh tại KCN. Nếu xét ở góc độ thương mại Cty Nam Đức có thể bị các DN phạt. Tuy nhiên, các DN khó có điều kiện đòi phạt được Cty Nam Đức vì không được cung cấp QHCT nên không biết mình được hưởng những quyền lợi gì. Cộng vào đó, họ còn bị áp đặt Quyết định hành chính 3937/QĐ-CT.

Quyết định hành chính thiên lệch

Theo LS Vũ Văn Lợi, QĐ 3937/QĐ-CT sai cả về mặt nội dung và hình thức. Bởi Chủ tịch UBND tỉnh không có thẩm quyền ấn định giá cho một giao dịch thương mại. Nếu nói việc cung ứng dịch vụ hạ tầng trên có liên quan trực tiếp tới dự án do tỉnh quản lý thì đây phải là quyết định của một hội đồng. Quyết định cần có sự thẩm định từ Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN-MT. UBND tỉnh sẽ ra quyết định do đại diện là lãnh đạo tỉnh ký. Nhưng ở đây, Quyết định 3937 lại do Chủ tịch tỉnh ký dưới sự đề xuất của Cty Nam Đức là sai thẩm quyền.

Mặt khác, QĐ 3937 lại quy định hiệu lực thi hành từ ngày ký (ngày 5/11/2004). Có nghĩa giá trị hạ tầng KCN được ấn định 10 USD/m2 khi sản phẩm này chưa hề tồn tại. Các DN buộc phải trả tiền cho một dịch vụ chưa có là điều khó chấp nhận.

Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã không cần tổ chức đấu thầu mà cho phép một DN là Cty Nam Đức vào bán dịch vụ hạ tầng cho các DN. Các DN thì bị ép phải mua một sản phẩm không biết gồm những gì với một mức giá ấn định. Trường hợp Cty CP Woodsland là một điển hình. Ông Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Cty này cho biết, DN hiện không có đường đi vào và phải đi nhờ một DN khác nhưng vẫn bị đòi tiền hạ tầng. Thực tế khác là hệ thống đường nước thải của các DN đã xây dựng ngầm theo đúng thiết kế ban đầu. Nhưng Cty Nam Đức đã xây nổi phần đường chính để tiết kiệm chi phí nên đường cống chính cao hơn đường cống ngầm của các DN vì vậy hễ cứ mưa là DN bị ngập.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Quyết định 3937 vẫn có hiệu lực cho đến ngày hôm nay. Chính vì vậy, khi huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội, các DN đã kiến nghị rất nhiều nhưng TP Hà Nội vẫn phải công nhận nó bằng Công văn số 4523, ngày 8/6/2011. Điều này có thể giải thích cho việc, Cty Nam Đức khởi kiện 3 DN trong số 40 DN kể trên đòi tiền dịch vụ hạ tầng ra TAND huyện Mê Linh và thắng kiện.

Cũng theo LS Lợi, lỗ hổng pháp lý ở đây là việc thiếu chế tài xử lý đối với những sai phạm trong hoạt động xây dựng và quản lý hạ tầng các KCN. Nhìn từ tranh chấp tại KCN Quang Minh có thể thấy, hoạt động tổ chức xây dựng và quản lý KCN rất thiếu minh bạch. Chính quyền địa phương đã không tổ chức đấu thầu công khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng, không công bố QHCT, giá cả, chất lượng dịch vụ...

Được biết, các DN đang khởi kiện Cty Nam Đức ra tòa án về những tranh chấp trong việc cung ứng dịch vụ hạ tầng. Tuy nhiên, để khắc phục, sửa sai những quyết định hành chính là chuyện không dễ. Và mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Bá Tú

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Các bộ “cãi nhau” về chỉ số tồn kho (27/10/2012)

>   Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi Việt Nam (27/10/2012)

>   Khu phức hợp casino 4 tỷ đôla khởi công sớm (26/10/2012)

>   Công ty Thép Bắc Việt liên doanh với 4 đối tác Nhật (26/10/2012)

>   Pháp khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Đông Nam Á (26/10/2012)

>   Sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP Hồ Chí Minh (26/10/2012)

>   Sửa luật thuế có làm khó doanh nghiệp? (26/10/2012)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, tồn kho giảm (26/10/2012)

>   Bốn "ông lớn" rút khỏi dự án mỏ sắt Thạch Khê (26/10/2012)

>   “Điểm tựa cho doanh nghiệp vẫn khá mong manh” (26/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật