“Điểm tựa cho doanh nghiệp vẫn khá mong manh”
“Lúc phát biểu trước Quốc hội, tôi không nghĩ là một năm sau nền kinh tế nói chung và tình hình doanh nghiệp nói riêng sẽ như hiện nay”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín nói với VnEconomy, bên lề kỳ họp Quốc hội thứ 4.
Ông Tín, người hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, cũng nói rằng ông cảm thấy điểm tựa để doanh nghiệp có thể qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay vẫn khá “mong manh”.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín.
|
Công ty của ông thì vẫn vững vàng vượt “bão” chứ, thưa Tổng giám đốc Mai Hữu Tín?
Cúng khó khăn lắm chứ bạn, chỉ có điều không quá trầm trọng thôi. Vì chúng tôi không đầu tư quá nhiều, ngay cả thời điểm hoạt động tốt nhất cũng không tham, sức đến đâu làm đến đó. Có thể chúng tôi cũng may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác là còn tài sản, lúc cần có thể bán bớt để duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động.
Lúc này, tôi biết có chủ doanh nghiệp còn không có cả tiền trả tiền học cho con, phải nhờ bạn bè đóng giùm.
Ở báo cáo trình bày tại phiên khai mạc của Quốc hội vừa qua, Chính phủ cũng nói khá nhiều đến khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình chung không mấy sáng sủa của nền kinh tế. Cảm nhận của một đại biểu - doanh nhân về những đánh giá này thế nào, ông có thể chia sẻ?
Theo đánh giá cá nhân tôi thì bản báo cáo vẫn hơi lạc quan, thực tế doanh nghiệp chưa bao giờ khó như hiện nay, mà đó là tình hình chung của hầu hết doanh nghiệp chứ không phải chỉ của một nhóm nhỏ nào. Nếu tình hình tiếp tục thế này tôi cho rằng cuối năm nay con số doanh nghiệp công bố phá sản, giải thể sẽ tăng lên nhanh.
Bên cạnh đó, việc giải quyết nợ xấu quá chậm, mà càng để càng xấu thêm. Các doanh nghiệp nhà nước, ngoài hai tập đoàn có quyết định giao về cho bộ chủ quản thì số còn lại vẫn đang tự làm phương án tái cơ cấu, giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả hoạt động cho khối này chưa rõ ràng.
Mong là với những khó khăn thật sự như vậy, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua giai đoạn này. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín
|
Về đầu tư công thì nợ của nhà nước đang làm cho nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Nhiều địa phương đã triển khai nhiều dự án dù không bố trí được vốn. Hậu quả doanh nghiệp phải gánh như thế nào thì thực tế đã cho thấy rồi. Nhiều doanh nghiệp “chết” là do địa phương không có tiền trả cho công trình họ đã ứng vốn ra để làm. Lỗi ở đây đương nhiên không phải của doanh nghiệp rồi.
Tiếp theo là lương bổng của công chức, làm sao để họ sống được, tập trung giải quyết công việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân, toàn những việc lớn nhưng khó giải quyết...
Tôi đọc báo cáo của Chính phủ mà vẫn cảm thấy lo lắng là vì vậy.
Tại kỳ họp cuối năm 2011 ông đã nói với VnEconomy là từ năm 1988, khi bắt đầu làm kinh doanh, chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như lúc ấy. Còn trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp đó, ông đã đưa ra nhận định đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, thì có thể phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Một năm nay Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp, vậy bức tranh hiện nay so với hình dung của ông sáng hơn hay tối hơn?
Lúc phát biểu trước Quốc hội, tôi không nghĩ là một năm sau nền kinh tế nói chung và tình hình doanh nghiệp nói riêng sẽ như hiện nay.
Bên cạnh nợ xấu tăng chóng mặt thì sức cầu của thị trường thấp đến mức ngạc nhiên. Mà “đau” là trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn thì các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lại khác, vì họ vay được vốn với chi phí thấp hơn, kinh nghiệm làm ăn và quản lý của họ tốt hơn.
Một năm trước tôi nghĩ khoảng 50% doanh nghiệp sẽ lâm vào khốn khó là nhiều lắm rồi chứ không hình dung được là đến 80% như mức hiện nay. 20% còn lại tôi nghĩ là may mắn hơn chứ còn hầu như anh nào cũng có vấn đề hết.
70% doanh nghiệp lớn báo cáo lỗ rồi, còn doanh nghiệp nhỏ thì khỏi bàn, đó là thực tế mà tôi không hình dung nổi. Mong là với những khó khăn thật sự như vậy, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua giai đoạn này.
Ông vừa nói đến “nỗi đau” của doanh nghiệp trong nước khi đặt cạnh khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng cũng có chuyên gia kinh tế đặt vấn đề là cũng trong bối cảnh này nhưng tại sao khối doanh nghiệp FDI lại phát triển bình thường, kể cả cạnh tranh thị trường nội địa hay xuất khẩu thì họ đều tốt hơn?
Đúng là cùng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng doanh nghiệp FDI có khả năng vay vốn từ ngân hàng ở nước họ, nên khi khó khăn họ vẫn có khoảng đệm.
Ví dụ doanh nghiệp trong nước lãi 5% trên doanh thu thì họ có thể lên 7 - 8% vì họ quản lý tốt hơn, vốn rẻ hơn. Bây giờ do chi phí tăng doanh nghiệp Việt có thể đã lỗ thì họ vẫn còn lãi 2 - 3%. Họ sống khỏe, chiếm thị phần, và thực tế là đang bỏ tiền mua rất nhiều doanh nghiệp trong nước.
Đây là thời điểm thuận lợi cho họ. Họ không đứng ngoài cuộc chơi tại Việt Nam nhưng rõ ràng họ có lợi thế vì kinh tế vĩ mô ở nước họ tốt hơn của mình, cái đó không nói khác đi được.
Nói và làm cho doanh nghiệp hiểu là Chính phủ đang hết sức chia sẻ khó khăn, cái đó cũng là động lực chứ, dù chỉ là lời động viên thì tác dụng cũng rất lớn, tôi tin là thế. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín |
Vậy thì sự hỗ trợ doanh nghiệp nào theo ông là sẽ có hiệu quả, khi ngân sách đang ở trong tình trạng không bố trí được cả nguồn để tăng lương theo lộ trình?
Không phải lúc nào tiền cũng là giải pháp duy nhất, mà còn cần có cả sự thông cảm, chia sẻ với doanh nghiệp, nhiều khi chỉ cần là lời động viên đúng lúc từ các vị có trách nhiệm cao nhất cũng đáng quý lắm rồi...
Về các giải pháp khác thì giảm thuế là cách đang bàn, cái đó đâu có phải bỏ tiền ra ngay lập tức đâu. Nói và làm cho doanh nghiệp hiểu là Chính phủ đang hết sức chia sẻ khó khăn, cái đó cũng là động lực chứ, dù chỉ là lời động viên thì tác dụng cũng rất lớn, tôi tin là thế.
Bạn vừa nói đến khó khăn của ngân sách, mấy ngày nay tôi cũng đang xem kỹ. Chủ yếu vẫn là chi thường xuyên, còn chưa bố trí nguồn lực nào để cải tổ nền kinh tế nên đại biểu cũng chưa có đủ thông tin để đề xuất giải pháp.
Kỳ họp trước, khi trao đổi với VnEconomy, ông đã nhận định rằng “chỉ có ngân hàng là ngành sướng nhất”, nhưng cũng lo ngại về vòng luẩn quẩn khi giải quyết nợ xấu. Và bây giờ, nợ xấu dưới góc nhìn của ông đang tác động đến nền kinh tế và các doanh nghiệp như thế nào?
Tôi không đủ thông tin để đánh giá chính xác về điều này, nhưng chắc chắn là chính ngân hàng cũng đang rất khó khăn để xử lý đống nợ xấu đang có. Vài ông nho nhỏ chắc khó qua khỏi, dù có lợi thế được khống chế trần lãi suất đầu vào thì trên thực tế họ vẫn cạnh tranh bằng cách nâng lên cao hơn, “đấu” lẫn nhau để huy động tiền của dân. Còn thu tiền vào có hiệu quả không thì như đã nói là tôi không đủ thông tin để đánh giá.
Có ý kiến của cử tri cho rằng để nền kinh tế lâm vào tình cảnh hiện nay không thể không nói đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, ông thấy có đúng không ạ?
Chắc chắn thế. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất mà để tình hình như vậy và mọi người khó khăn như vậy thì đương nhiên là có trách nhiệm rồi.
Nguyên Thảo
TBKTVN
|