Thứ Ba, 30/10/2012 14:03

Công nhân khốn khổ vì chủ nợ lương

Hàng tháng nhận đồng lương công nhân còm cõi, nhiều người đã phải chật vật với cuộc sống, nhưng nay đến lương cũng nhiều tháng không được nhận vì doanh nghiệp làm ăn bết bát khiến nhiều rơi vào cảnh bế tắc.

Bị nợ lương vẫn phải đi làm

 
 Bảng thông báo tuyển dụng tại KCN Bắc Thăng Long lèo tèo vài tờ thông cáo của doanh nghiệp

Khi được hỏi về tình trạng cuộc sống trước khi bị công ty nợ lương, chị Nguyễn Thu Hà, đang làm việc tại một công ty tư vấn xây dựng điện có trụ sở tại Thanh Xuân (Hà Nội) cám cảnh: “Thấy báo chí đưa tin nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động 3- 4 tháng đã thấm gì. Tôi bây giờ mới vừa được nhận lương của năm 2010. Chạy vạy lo cuộc sống suốt gần 3 năm nay đã kiệt sức rồi”. Theo chị Hà, may mà vừa được nhận mấy tháng lương của năm 2010, nếu không cũng không biết nương vào cái gì để sống nữa. “Tiền tiết kiệm đã ăn hết từ lâu. Mọi chỗ có thể vay được đều đã vay rồi, bố mẹ vừa nghèo, lại ở xa, chẳng còn biết bấu víu vào đâu để sống”, chị Hà chua xót. Để lo đủ bữa ăn hàng ngày, hai vợ chồng anh chị đã phải xoay đủ thứ nghề để làm thêm, anh thì tối tranh thủ chạy xe ôm, chị mau chanh về muối, bỏ mối cho một số quán cà phê.

Anh Trần Hoài Lâm, công nhân một xí nghiệp chuyên sản xuất bê tông đúc sẵn trên đường Phạm Văn Đồng cho hay, ba tháng nay anh cũng chưa nhận được đồng lương nào. “Mỗi tháng cộng tất cả các khoản được hơn 3 triệu đồng đã phải ăn uống tằn tiện lắm vì tiền thuê nhà đã mất gần 1 triệu. Nói nghe cay đắng, nhưng thật sự, nhiều lúc thèm một bữa cơm gia đình thịnh soạn, no nê”, anh Lâm nói. Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn với anh giờ cũng đã là một thứ xa xỉ bởi được trả lương đầy đủ còn khốn khổ, nên giờ bị nợ lương, rảnh lúc nào là phải lo xoay sở mọi cách để kiếm sống. Mấy tháng nay, do không có lương anh Lâm đã phải chuyển chỗ trọ từ khu Mai Dịch về tận Xuân Phương, huyện Từ Liêm “vì bớt thêm được 300.000/tháng tiền nhà, do khu này xa, lại chủ yếu cho sinh viên thuê nên rẻ hơn”.

“Thực sự là tôi chán lắm rồi, lương đã đến hai tháng nay tôi vẫn chưa được trả. Vẫn biết là doanh nghiệp đang khó khăn, nhưng cứ thế này mãi cũng không được. Hôm qua, hai vợ chồng tôi ngồi cộng lại các khoản tiền gia đình còn, chỉ tính toán các khoản chi tiêu tối thiểu nhưng chắc chỉ trụ thêm được 1 tháng nữa”, chị Chu Thanh Bình, công nhân của một công ty xây dựng tư nhân trên đường Lê Đức Thọ (quận Cầu Giấy) cho hay. “Dù là lương chết đói nhưng được nhận chí ít còn có tiền mà tiêu chứ hít không khí đi làm thế này chịu không thấu”. Với tình trạng hầu hết các công trình xây dựng đều “đắp chiếu” hoặc thi công cầm chừng như hiện nay, có muốn sang doanh nghiệp khác kiếm việc với chị Bình cũng là điều hoàn toàn không dễ dàng, bởi đây là tình trạng chung của đa số các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Hơn nữa, vấn đề nan giải đối với những công nhân bị nợ lương là có muốn bỏ việc cũng không dễ bởi đã bỏ đi rồi thì khó có thể quay lại mà đòi được những tháng lương bị nợ. “Không những thế, không chỉ bị nợ lương mà tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của chúng tôi mấy năm nay doanh nghiệp cũng không có tiền đóng. Nếu bỏ việc nghĩa là mất tất vì quay lại mà đòi chẳng dễ dàng gì, thực tế là giờ có đòi họ cũng không có; tiền trợ cấp thất nghiệp cũng không nên đi cũng dở mà ở lại cũng không xong”, chị Hà lo lắng.

Có lương cũng chẳng sướng hơn

Tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, hàng chục nghìn công nhân ở đây có vẻ may mắn hơn khi ngày mùng 10 hàng tháng tiền lương vẫn được trả đều đặn vào tài khoản. Tuy nhiên, cuộc sống và công việc của họ hiện cũng đang trong tình trạng bấp bênh, khốn khổ chẳng kém.

Sáng 17/10, bảng thông báo tuyển dụng trước cổng khu công nghiệp lèo tèo mấy tờ thông cáo tuyển dụng của 4-5 công ty, trong đó chiếm một phần không nhỏ là các chức danh quản lý và lao động có tay nghề cao. Chỉ có vài chục chỉ tiêu cho lao động phổ thông như như: Công ty Nissei Electric; Công ty TNHH Denso Việt Nam; Công ty JTEC Hà Nội; Công ty TNHH KYB Việt Nam với các mức lương, thưởng và hỗ trợ khoảng từ 3,2 – 3,7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, chị Thái Thu Thủy, quê Phú Thọ, thuê nhà tại thôn Sáp Mai, xã Võng La, ngay cạnh khu công nghiệp, từng làm công nhân cho Cannon Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác tại đây cho biết, không phải dễ để đạt được mức lương tối đa như các doanh nghiệp đưa ra tại thông cáo. Muốn đạt, phải làm thêm giờ, doanh nghiệp cũng đưa ra rất nhiều quy định khắt khe về kỷ luật và năng suất cao, chỉ phạm lỗi nhỏ là có thể bị trừ ngay lập tức, nên để đạt được thì gần như phải vắt sức ra làm và không được phép phạm lỗi.

Mấy tháng gần đây, do sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp hầu như không tuyển dụng lao động mới. “Hồi đầu năm, dù cũng không tuyển nhiều bằng các năm trước nhưng không bao giờ bảng thông báo tuyển dụng này lại trống trơn như bây giờ”, chị Thủy cho biết. Chỉ riêng công ty Cannon Việt Nam, mỗi tháng ít nhất cũng tuyển tới vài trăm công nhân. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp thời gian này phải thu gọn sản xuất nên đã tiến hành cắt giảm công nhân. Tuy nhiên, để tránh phải bồi thường hợp đồng hoặc chi trả trợ cấp, họ thường cho lao động nghỉ việc bằng cách bắt lỗi người lao động theo kiểu “vạch lá tìm sâu”. Những ai hết hạn hợp đồng, nếu cần giữ lại, doanh nghiệp cũng chỉ ký hợp đồng thời vụ 3 tháng để họ có thể dễ dàng sa thải khi cần. “Việc thì ít, người lại nhiều nên người có việc cũng bị ép. Thu nhập còm cõi tầm 3 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ sống lay lắt hai bữa cơm qua ngày, cũng không biết mất việc lúc nào, chẳng sung sướng hơn người thất nghiệp là mấy”, chị Thủy chia sẻ.

“Công nhân đã thuê nhà ở xã này cả chục năm nay, cũng có tệ nạn nhưng chỉ là rượu chè bê tha, đánh nhau. Nhưng gần đây liên tục xảy ra trộm cắp vặt, lúc con gà, khi vài bộ quần áo…, bắt được vài vụ rồi, toàn là công nhân cả. Cũng vì chúng nó khổ quá, lương thì thấp mà cái gì cũng ngày một đắt đỏ. Nghèo nên sinh ra hèn mà”, ông Phan Hồng Sơn, một chủ nhà trọ tại thôn Sáp Mai nhận xét.

Phan Long

đầu tư

Các tin tức khác

>   Có lợi ích nhóm trong điều hành xăng dầu (30/10/2012)

>   PVN chỉ định thầu sai quy định (30/10/2012)

>   Tài trợ 140 triệu USD đầu tư và khai thác dầu khí (30/10/2012)

>   80% nhà máy thủy sản bên bờ phá sản (30/10/2012)

>   EVN lần lữa đền bù cho dân sông Tranh (30/10/2012)

>   Áp dụng biện pháp khẩn cấp với “thương hiệu xi măng nghìn tỷ“? (30/10/2012)

>   Xuất khẩu than tiếp tục giảm (30/10/2012)

>   Ngành cá tra cần vốn (29/10/2012)

>   "Chưa thực hiện điều chỉnh giá điện trong tháng 11" (29/10/2012)

>   Toyota nhiều gian nan để trở lại ngôi số 1 thế giới (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật