Vinacomin thoái vốn bất thành tại SHB - Vinacomin
Phiên đấu giá bán cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin (SVIC) dự định tổ chức vào ngày 3/10/2012 đã không thể diễn ra.
Lý do khiến phiên đấu giá không thể diễn ra theo kế hoạch là do không đủ số nhà đầu tư tham gia đấu giá theo quy định. Cụ thể, đến hết thời hạn nộp phiếu tham dự đấu giá (16 giờ ngày 1/10/2012), chỉ có 1 nhà đầu tư tổ chức bỏ phiếu tham dự đấu giá. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân là bà Bùi Thị Minh Thu (Mã số: SVIC186A2100002) lại có đơn đề nghị hủy tham dự đấu giá mua cổ phần, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương ứng với số lượng cổ phần đã đăng ký mua và không thực hiện bỏ phiếu đấu giá theo quy định.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – đơn vị tổ chức phiên đấu giá cho biết, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức theo quy định tại Điều 13, Quy chế Đấu giá bán cổ phần của Viancomin tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-SGDHN ngày 5/9/2012 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo kế hoạch bán đấu giá cổ phần của Vinacomin tại SVIC, Vinacomin dự kiến bán 5,94 triệu cổ phiếu, với mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin (SVIC) được thành lập vào cuối năm 2008, có cổ đông sáng lập là Vinacomin, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần An Sinh, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Itasco và Công ty cổ phần Hoa Sơn.
SVIC hiện có 14 công ty trực thuộc, kinh doanh chính ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Vốn điều lệ của Công ty là 300 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của SVIC cho thấy, phần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty này nửa đầu năm nay đã đạt con số dương hơn 7,7 tỷ đồng, so với mức âm hơn 1,6 tỷ đồng của năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận kế toán của Công ty trong năm nay đạt khá cao so với năm trước, với kết quả nửa đầu năm đạt hơn 33,8 tỷ đồng, so với hơn 22,4 tỷ đồng của năm 2011.
Về phía Vinacomin, theo lộ trình, trong năm 2012, Tập đoàn dự kiến sẽ thoái xong vốn ở các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV. Đến năm 2013 - 2014, Vinacomin sẽ thoái vốn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực còn lại.
Đánh giá về động thái lần đầu bán cổ phần ra công chúng không thành công hôm 3/10 vừa qua, ông Trần Đình Trọng, Phụ trách Phòng Phân tích và Đầu tư thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán An Thành (ATSC) nhận xét, với một đợt đấu giá không thực hiện được, chưa thể nói rằng, cổ phiếu đó bị “ế”, bởi có rất nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau chi phối trong một đợt đấu giá cổ phần. Hơn nữa, nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá thực chất chỉ dự định đấu giá 1.000 cổ phần, một tỷ lệ rất nhỏ trong số 5,94 triệu cổ phần Vinacomin dự định đưa ra đấu giá. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức đã đặt mua tới 5,939 triệu cổ phần, nên việc thay thế nhà đầu tư cá nhân trong đợt đấu giá tổ chức lại sẽ không phải là điều quá khó khăn.
Theo một số ý kiến, việc các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cán cân cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng này, nếu có, cũng chỉ tác động về mặt tâm lý, vì phần lớn đối tác tham gia tiếp quản phần vốn rút ra này là các tổ chức lớn.
Chí Tín
đầu tư
|