Thứ Năm, 04/10/2012 08:32

TTCK Việt Nam: Quy mô nhỏ không hút được quỹ lớn

Trưởng đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, quy mô TTCK Việt Nam quá nhỏ để thu hút một quỹ đầu tư có tầm cỡ vào Việt Nam.

Khó khăn của kinh tế vĩ mô cùng những vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến không ít NĐT nước ngoài cảm thấy e ngại khi tiếp cận TTCK Việt Nam lúc này. Ngay cả khi đã vượt qua được những trở ngại trên, thì quy mô quá nhỏ của thị trường cũng không đủ hấp dẫn để thu hút các quỹ lớn.

Làm sao “tiêu hết” 100 triệu USD ở TTCK Việt Nam?

Trưởng đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, quy mô TTCK Việt Nam quá nhỏ để thu hút một quỹ đầu tư có tầm cỡ vào Việt Nam. “Một quỹ nước ngoài dù khiêm tốn, cũng có quy mô vốn đầu tư ban đầu từ 50 triệu USD trở lên. Ở Việt Nam, nếu đầu tư trên TTCK, thì giải ngân đến bao giờ mới hết số tiền này?”, vị này nhận xét.

100 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. So với tổng giá trị vốn hóa trên HOSE là gần 628.000 tỷ đồng, thì đây là con số quá nhỏ. Tuy nhiên, nhìn vào khối lượng cổ phiếu lưu hành thực tế, thanh khoản các cổ phiếu... thì lời nhận xét này quả thực không phải không có lý.

Đứng đầu top cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường là GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP. Dù vốn hóa lên tới xấp xỉ 74.000 tỷ đồng với 1.895 triệu cổ phiếu niêm yết, nhưng trên thực tế, 96,72% vốn của GAS thuộc sở hữu nhà nước. Tức là, chỉ có 3,28% số cổ phiếu lưu hành được giao dịch tự do. Mỗi ngày, cổ phiếu GAS khớp lệnh chỉ xấp xỉ 100.000 – 200.000 cổ phiếu. Trong 1 tháng qua, vào phiên cao điểm nhất (ngày 14/9), GAS cũng chỉ khớp được 824.280 cổ phiếu, tương đương giá trị 34,4 tỷ đồng. Nếu phân bổ 5% quy mô giá trị tài sản ròng một quỹ 2.000 tỷ đồng vào GAS, thì việc mua này sẽ phải mất tới... 3 ngày mua toàn thị trường ở phiên cao điểm, 20 ngày mua toàn thị trường ở những hôm thị trường giao dịch èo uột.

Một số cổ phiếu khác có giá trị vốn hóa lớn như: MSN, VIC, BVH, HPG... cũng chủ yếu có khối lượng giao dịch không lớn. Đối với các mã chứng khoán có quy mô vốn hóa nhỏ, tình trạng thanh khoản càng kém hơn.

Trong khi đó, tiêu chuẩn lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư của các quỹ lớn lại khá khắt khe. Ở nhiều trường hợp, cổ phiếu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về tổng giá trị vốn hóa, thanh khoản của cổ phiếu bên cạnh các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, tỷ lệ sinh lời, ngành nghề, quản trị...

Nhiều quỹ nhận xét, tìm được DN đáp ứng được hết các yêu cầu trên quả là rất khó, bởi đa phần các DN đều có quy mô nhỏ, quản trị theo kiểu gia đình. Các DN quy mô lớn lại chủ yếu tập trung vào một số nhóm ngành nghề nhất định: xây dựng, bất động sản, ngân hàng. Vì thế, TTCK niêm yết hiện nay được nhận xét là chủ yếu phù hợp cho các quỹ có quy mô vốn nhỏ, chứ chưa phải lúc để thu hút các gương mặt lớn trên thị trường tài chính quốc tế.

Lối ra nào cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc, làm thế nào để các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài chú ý nhiều hơn đến TTCK Việt Nam, lãnh đạo một quỹ đầu tư tại Việt Nam nửa đùa nửa thật: Lúc này thì chịu!

Có 4 lý do chính được vị này đưa ra để giải thích cho quan điểm của NĐT nước ngoài, đặc biệt là các quỹ chưa muốn vào TTCK Việt Nam. Một là, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề, chưa thể hiện rõ xu hướng bền vững. Hai là, TTCK nhiều nước hiện còn rẻ hơn cả TTCK Việt Nam. Ba là, hàng hóa ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn, cả về quy mô lẫn chất lượng DN. Cuối cùng là chưa có chính sách thực sự hấp dẫn về thuế và các thủ tục hành chính. Vì thế, nếu nhìn thấy cơ hội vào Việt Nam, NĐT nước ngoài rất có thể sẽ lựa chọn kênh đầu tư khác, thay vì mở quỹ.

Trong khi đó, vị này cũng gợi ra một điểm đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến hoạt động quản lý quỹ của Việt Nam, đó là việc thời gian tới, khá nhiều quỹ đầu tư sẽ đến hạn thanh lý. Tuy nhiên, không ít quỹ tạm thời chưa nhìn thấy cửa thoái vốn. Nếu các quỹ thế hệ đầu không mang lại âm hưởng tích cực, thì đương nhiên, các NĐT đến sau sẽ trở nên e ngại hơn. Để giải được bài toán huy động quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần một chính sách tổng thể từ tạo hàng hóa tốt, đến cơ chế chính sách và cả việc bình ổn nền kinh tế vĩ mô..., chứ không phải câu chuyện của riêng UBCK hay ngành quản lý quỹ.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   04/10: Bản tin 20 giờ qua (04/10/2012)

>   Hai Quỹ VEH, VPH của S.A.M sẽ tiếp tục hoạt động (03/10/2012)

>   PPI: Chủ tịch HĐQT bị UBCKNN phạt 40 triệu đồng (03/10/2012)

>   CK Mê Kông vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK (03/10/2012)

>   MCL bị phạt 70 triệu đồng vì "quên" nghĩa vụ công bố thông tin (03/10/2012)

>   Có thể hồi phục nhẹ nhưng đà giảm giá khó đảo ngược (05/10/2012)

>   MBS tiếp tục lên hạng trong top 10 thị phần môi giới tại HOSE (03/10/2012)

>   STT: Bị kiểm soát và bị hạn chế thời gian giao dịch (03/10/2012)

>   GBS: Tiếp tục bị đình chỉ giao dịch tại HNX và UPCoM đến 17/10 (03/10/2012)

>   Cổ phiếu ngành khí đốt: Đồng loạt trượt giá (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật