TPHCM: Doanh nghiệp tăng tốc về đích
Bất chấp tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp khó khăn, các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM vẫn nỗ lực phấn đấu bằng nhiều giải pháp tích cực, hứa hẹn một mùa bội thu trong năm “rồng vàng”.
Sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn.
|
Chạy đua nước rút
Tình cảnh nhà đất ảm đạm, tiêu thụ đồ gỗ sụt giảm suốt thời gian dài vẫn không ngăn được bước tăng trưởng ngoạn mục của Công ty cổ phần Savimex (SVC). Dự kiến, doanh thu cả năm 2012 của Savimex ước đạt 625 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với 2011. Tổng Giám đốc Savimex Bùi Ngọc Quới cho biết, thị trường đồ gỗ Nhật Bản đang rút dần khỏi Trung Quốc do bất ổn chính trị và chuyển xu hướng qua thị trường Việt Nam đang là cơ hội cho các DN sản xuất đồ gỗ trong nước.
“Nhờ nắm bắt được xu hướng và cơ hội này nên đến giờ này Savimex đã ký kết đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm và những tháng đầu năm 2013. Có khả năng năm mới, các dây chuyền sản xuất đồ gỗ của Savimex sẽ quá tải do còn nhiều đơn hàng tiếp tục đàm phán để ký kết” - ông Quới phấn khởi cho biết.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Liksin Lê Đăng Quang cho biết, bước vào quý 4, tình hình sản xuất kinh doanh đã khởi sắc rõ nét so với 9 tháng đầu năm. Để tăng cường sản xuất nhằm giao hàng đúng hẹn, đồng thời đạt sớm kế hoạch đề ra, công ty đã huy động toàn bộ công suất các nhà máy. Ngoài ra, công ty còn đưa ra giải pháp, chương trình “thi đua nước rút” trong toàn Đảng bộ và tổng công ty và được các đơn vị đăng ký thi đua rất sôi nổi và hào hứng, từ đó giúp tăng hiệu quả, năng suất lao động. Dự ước doanh thu thực hiện cả năm 2012 của Liksin đạt 1.000 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ.
“Hiện chúng tôi đã ký kết đủ đơn hàng để sản xuất từ nay đến cuối năm và chuẩn bị đơn hàng cho những tháng đầu năm 2013, do vậy giờ này chủ yếu tập trung đẩy mạnh khâu sản xuất”, ông Quang nói. Liksin là đơn vị chuyên sản xuất các loại bao bì. Khi đơn hàng dồn dập vào cuối năm để phục vụ cho các ngành như thực phẩm… cho thấy các DN ở các lĩnh vực khác cũng đang khôi phục sản xuất khá tốt sau thời gian đình đốn. Còn người tiêu dùng cũng sẵn sàng móc hầu bao để chi tiêu vào cuối năm.
Với giải pháp, chương trình thúc đẩy bán hàng qua hội chợ, hệ thống thương mại đi sát với khách hàng, cộng thêm giảm chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh đã giúp Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) hoàn thành 75% kế hoạch trong 9 tháng đầu năm. Và dự kiến kế hoạch cả năm 2012, CNS đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2011; đóng thuế nhà nước đạt 3.500 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc CNS Nguyễn Văn Thọ vui mừng cho biết, để đạt được con số ấn tượng này, công ty đã linh hoạt trong kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời tận dụng tốt nguồn tiền trong dân thông qua kênh phân phối hàng hóa đã giúp chủ động được nguồn vốn, từ đó việc sản xuất kinh doanh gia tăng hiệu quả rõ rệt.
Tận dụng tốt chính sách
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, sau khi Nghị quyết 13 của Chính phủ về lùi, giãn, giảm thuế đã có hơn 6.000 DN sản xuất trở lại. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, các bộ ngành, DN trong những lúc khó khăn nhất cũng đã tự tìm cách cứu lấy mình bằng cách này hay cách khác. Điều đó cho thấy các chính sách, những nỗ lực của DN sản xuất kinh doanh đã có chuyển biến, khó khăn cũng đang dần qua đi.
Tiên phong trong việc hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công thương vừa chủ trì, phối hợp giải quyết hàng tồn kho trong các DN của các tập đoàn, tổng công ty. Mặt khác, Bộ Công thương đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty để xây dựng thỏa ước giúp các đơn vị này dùng hàng hóa, tiêu thụ hàng cho nhau. Dự kiến, trong tháng này việc tổ chức ký thỏa ước sử dụng hàng hóa giữa các tập đoàn, tổng công ty được triển khai. Đối với các địa phương, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Sở Công thương ở phía Bắc, vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, sắp tới là khu vực Tây Nguyên, nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn chung cho các DN.
Th.S Nguyễn Đức Minh Hải, giảng viên kinh tế Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, sau thời gian các ngân hàng thay đổi chính sách, kéo giảm lãi suất, cộng thêm hàng loạt chính sách hỗ trợ của nhà nước được ban hành đã “ngấm” và tác động kịp thời giúp DN tự tin, vực dậy sản xuất kinh doanh. “Với tình hình diễn biến theo chiều hướng như hiện nay, cộng thêm Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: hạ mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại nợ, ưu đãi thuế... sẽ giúp các DN yên tâm ổn định sản xuất kinh doanh và đạt mức tăng trưởng trở lại”, Th.S Hải nhận xét.
Lạc Phong
sggp
|