Dệt may VN: Xuất khẩu dẫn đầu, nhưng chưa hết lo
Dù bị tác động không nhỏ của khủng hoảng kinh tế, nhưng dệt may Việt
Nam vẫn tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong mục
tiêu phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng cán cân thương
mại trong mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng
dệt may của Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu cả
nước, tính chung chín tháng toàn ngành đạt 11,25 tỷ USD (chưa tính xuất
khẩu nguyên phụ liệu), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, từ
nay đến cuối năm, tình hình thị trường thế giới chưa có dấu hiệu phục
hồi, bởi vậy để đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD ngành dệt may vẫn phải
đối mặt với nhiều khó khăn và cần nỗ lực của toàn ngành.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tình hình xuất khẩu sang
thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam có
chuyển biến tích cực với kim ngạch tháng Chín tăng 13-14% so với cùng kỳ.
Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu
dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng
trưởng 20%. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu sang một số thị trường như Argentina, Chile, Angola, Panama, Australia... cũng đạt được mức tăng
trưởng đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sản phẩm dệt may
của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại và dự
báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sang EU năm 2012 sẽ
giảm 4% so với năm 2011. Mục tiêu của dệt may Việt Nam trong năm nay sẽ
xuất khẩu 2,7 tỷ USD vào thị trường EU.
Hiện nay, các doanh
nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó
khăn trong việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng để phát triển sản
xuất. Không có đơn hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ
việc để đi tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn, làm các doanh nghiệp
thêm khó khăn về nguồn nhân lực.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn tại Hải
Phòng, cho biết: hiện nay số lượng đơn hàng của công ty nhận được đã
tăng hơn so với các tháng đầu năm, nhưng lại đối mặt với tình trạng
thiếu vốn, thiếu lao động. Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp
cần phải có giải pháp để thích ứng đó là đơn hàng ngắn, yêu cầu kỹ thuật
cao hơn nhưng giá cả lại giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp trở tay
không kịp.
Ngoài các khó khăn chung của các doanh nghiệp
công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước khó khăn,
tranh chấp về mua bán bông giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh
nghiệp Mỹ thuộc Hiệp hội Bông quốc tế. Hơn nữa về ân hạn nộp thuế 275
ngày, theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc bỏ ân hạn thuế 275 ngày sẽ
làm giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng từ 8% (trường hợp bảo lãnh ngân
hàng) đến 16% (trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu), các doanh nghiệp
nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng đã khó lại càng khó thêm.
Hiệp hội dệt may Việt Nam đang đề nghị tiếp tục thực hiện ân hạn thuế
275 ngày để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết như mọi năm tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành sẽ
tăng lên vào cuối năm, nhưng năm nay thì khác hẳn, tình hình xuất sản
xuất kinh doanh chững lại, do tình hình kinh tế của thế giới chưa có dấu
hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu dùng thắt chặt…Tuy nhiên, mục tiêu đạt kim
ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD của ngành năm 2012 khả năng sẽ đạt được, nhưng
tăng trưởng không nhiều khoảng 10%.
Hiện nay, ngoài việc chuẩn bị gấp
rút hoàn thành những đơn hàng cho quý IV/2012, các doanh nghiệp còn
có sự chuẩn bị cho quý I, II năm sau, một số đơn vị đã có đơn hàng cho
những tháng đầu năm 2013.
Như vậy, để chuẩn bị cho kế hoạch năm tiếp
theo các doanh nghiệp nên nhìn vào thị trường chính của mình để có kế
hoạch cho phù hợp, đồng thời muốn phát triển được phải mở rộng thêm thị
trường, thay đổi cách thức làm ăn và thay đổi mạnh hơn nữa. Có như vậy
ngành dệt may mới có thể vượt qua thời kỳ khó khăn như hiện nay.
Một số chuyên gia trong ngành cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục là một
trong những thị trường đầy tiềm năng. Đặc biệt sẽ có một số lợi thế từ
những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán
và tiến tới gia nhập, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt
Nam, bên cạnh năng lực cạnh tranh sẵn có về giá và chất lượng./.
Hằng Trần
Vietnam+
|