Thị trường dịch vụ 3G tại Việt Nam: Dư địa cho nhà đầu tư Pháp
Nhiều công ty viễn thông Pháp, trong đó có Sisteer, Mtarget… đều khẳng định, thị trường viễn thông Việt Nam còn nhiều dư địa cho đầu tư, kinh doanh.
Trong bối cảnh một số nhà đầu tư nước ngoài không mấy thành công và ít nhiều mất đi nhiệt huyết khi đầu tư vào phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động ở Việt Nam, thì ngay tại thời điểm này, lại có nhiều hãng viễn thông Pháp khẳng định, thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam còn nhiều cơ hội để đầu tư.
Bằng chứng là, từ đầu năm đến nay, đã có trên 10 hãng viễn thông Pháp tham gia các chuyến công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thị trường viễn thông Việt Nam. Ông Marc Cagnard, Tham tán Thương mại, Giám đốc Cơ quan Thương mại Pháp tại Việt Nam (Ubifrance) cho biết, trong các chuyến khảo sát thị trường Việt Nam gần đây, các doanh nghiệp viễn thông Pháp đều cho rằng, đây là thời điểm tốt để tham gia đầu tư vào lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, một thị trường năng động, phát triển nhanh. “Các doanh nghiệp viễn thông Pháp đều nhìn thấy cơ hội lớn trong lĩnh vực phát triển dịch vụ cho 3G tại Việt Nam. Vì quy mô mạng 3G đang được phát triển rất nhanh tại Việt Nam, nhưng hiện các nhà mạng mới chỉ khai thác 20% hiệu suất”, ông Marc Cagnard nói.
Nhận định trên của ông Marc Cagnard được dựa trên thực tế phát triển mạng 3G của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), một trong 3 nhà mạng có thị phần dịch vụ 3G lớn nhất Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng thuê bao 3G đạt con số 170% trong năm 2011 và 37% từ đầu năm 2012 đến nay, nhưng hiệu suất sử dụng mạng 3G của Viettel cũng mới chỉ đạt 21%. Theo đại diện của Viettel, hiệu suất sử dụng mạng lưới dịch vụ 3G của Viettel vẫn còn tương đối thấp là do Viettel chưa có dịch vụ nào được coi là dịch vụ chủ lực, đặc biệt hấp dẫn, còn dịch vụ video call (dịch vụ thực hiện cuộc gọi có hình) một dịch vụ đặc trưng của công nghệ 3G lại chưa thành công do số người dùng ít.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Anil Karamsingh, Tổng giám đốc Sisteer khu vực Đông Nam Á lạc quan rằng, còn khá nhiều cơ hội khi đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông. “Còn nhiều vùng nông thôn của Việt Nam chưa tiếp cận và chưa tận dụng hết các tiện ích của dịch vụ 3G, thậm chí ngay cả các khu vực trung tâm như Hà Nội, TP.HCM vẫn còn nhiều dịch vụ trên nền công nghệ 3G chưa được khai thác triệt để”, ông Anil Karamsingh lý giải cho nhận định trên.
Do nhìn thấy còn nhiều cơ hội trong phát triển các dịch vụ 3G tại Việt Nam, nên Sisteer đang tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển với các nhà khai thác mạng di động ảo (tiếng Anh là Mobile Virtual Network Operator - MVNO). “Qua tìm hiểu được biết, các nhà khai thác mạng ảo được cấp phép tại Việt Nam chưa gặt hái được thành công, nhưng chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều cơ hội đầu tư ở phía trước. Chúng tôi sẽ tiếp xúc với hai nhà mạng MVNO của Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm mà Sisteer đã có tại thị trường châu Âu, châu Phi, Brazil, Indonesia và hy vọng trong năm nay, có thể phát triển kinh doanh tại Việt Nam”, ông Anil Karamsingh nói và cho biết, thách thức lớn nhất đối với các MVNO khi phát triển chính là phải tạo sự khác biệt về dịch vụ hơn là chỉ tập trung vào giá cả.
“Các MVNO phải chia nhỏ thị trường theo từng cộng đồng, đối tượng khách hàng chuyên biệt để cung cấp các dịch vụ theo đúng mong muốn của khách hàng”, ông Anil Karamsingh chia sẻ.
Ngoài Sisteer, đại diện các doanh nghiệp viễn thông khác của Pháp, như Broadpeak, Mtarget, Viaccess Orca… chuyên cung cấp các giải pháp dịch vụ nội dung trong lĩnh vực viễn thông cũng khẳng định có nhiều phân khúc, mảng thuộc lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam khá hấp dẫn và sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.
Đức Huy
Đầu tư
|