Singapore vẫn “nhất thế giới” về môi trường kinh doanh
Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2013 (Ease of Doing Business) mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp Singapore ở vị trí đầu bảng. Đây là năm thứ bảy liên tiếp đảo quốc sư tử đứng thứ nhất thế giới về môi trường kinh doanh.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong top 5 của xếp hạng này còn có Hồng Kông đứng ở vị trí số 2, tiếp theo là New Zealand, Mỹ, Đan Mạch, Nauy và Anh. Tất cả các vị trí này đều không có sự thay đổi so với báo cáo năm ngoái.
Năm nay là năm thứ 10 WB thực hiện báo cáo thường niên xếp hạng các quốc gia về mức độ thông thoáng của môi trường kinh doanh, dựa trên các tiêu chí như thời gian để thành lập một doanh nghiệp mới, mức độ rườm rà của các thủ tục xin hoàn thuế hay xuất nhập khẩu hàng hóa…
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 99 trong tổng số 185 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong báo cáo năm nay, tụt 1 bậc so với báo cáo năm ngoái. Trong báo cáo năm ngoái, Việt Nam tụt 8 bậc so với báo cáo công bố năm 2010.
Những nước Đông Nam Á có thứ hạng cao hơn Việt Nam là Malaysia (vị trí 12), Thái Lan (18), và Brunei (79). Trong khi đó, một số nước trong khu vực khác đứng ở vị trí khá thấp so với Việt Nam, như Indonesia (128), Campuchia (133), Philippines (138), Lào (163), Timor Leste (196).
Trung Quốc đứng ở vị trí 91 của xếp hạng. Nước “đội sổ” của danh sách là Cộng hòa Trung Phi.
Trong bản báo cáo công bố vào ngày hôm qua 22/10, WB đã đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia phát triển nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. “Khoảng cách về quy định pháp lý đối với hoạt động kinh doanh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đang dần thu hẹp nhờ sự cải thiện ở những quốc gia và vùng lãnh thổ bị đánh giá là yếu kém nhất. Trong số 50 quốc gia có sự cải thiện mạnh nhất từ năm 2005 đến nay, thì 1/3 là ở khu vực tiểu Sahara của châu Phi”, WB cho biết.
Ba Lan là nước được ghi nhận có nhiều cải thiện nhất về môi trường kinh doanh trong xếp hạng năm nay. Nước này đứng ở vị trí thứ 55. Những quốc gia khác có sự cải thiện đáng kể là Sri Lanka, Ukraine, Uzbekistan, Burundi và Costa Rica.
Xếp hạng của WB không giống với chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Báo cáo của WEF dựa trên những yếu tố đánh giá hoàn toàn khác như kinh tế vĩ mô và tài chính công.
Theo xếp hạng của WEF công bố hồi tháng trước thì Thụy Sỹ là nước có năng lực cạnh tranh số 1 thế giới, trong khi Việt Nam xếp 75/142 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Còn trong báo cáo của WB, Thụy Sỹ đứng ở vị trí thứ 28.
Hy Lạp, quốc gia tâm bão của khủng hoảng nợ công châu Âu nhảy lên vị trí thứ 78 trong báo cáo của WB năm nay, từ vị trí thứ 100 vào năm ngoái. Italy cũng thăng hạng lên 73 từ vị trí 87.
Theo lý giải của chuyên gia WB thì Hy Lạp và Italy đều đã hiểu được là họ cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất và môi trường kinh doanh thì mới giải quyết được những khó khăn kinh tế và nợ nần hiện nay.
An Huy
tbktvn
|