Tính hai mặt của tự do hóa tài chính
Nhờ tự do hóa tài chính, nhiều nước đang phát triển đã thu hút được lượng vốn đầu tư rất lớn và tiếp nhận nền tảng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, dòng vốn vào tăng mạnh cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý tài chính trong việc duy trì ổn định giá trị bản tệ và ngăn chặn nguy cơ đào thoát của dòng vốn đầu tư.
Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa tài chính là xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Nhờ tự do hóa tài chính, nhiều nước đang phát triển đã thu hút được lượng vốn đầu tư rất lớn và tiếp nhận nền tảng công nghệ hiện đại từ các nước công nghiệp phát triển để mở rộng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, dòng vốn vào tăng mạnh cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý tài chính trong việc duy trì ổn định giá trị bản tệ và ngăn chặn nguy cơ đào thoát của dòng vốn đầu tư.
Đối với các nước phát triển, tự do hóa tài chính đã khuyến khích dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhưng cũng gây khó khăn khi luồng vốn đầu tư đảo chiều quay về. Đây là thực tế đã xảy ra tại Mỹ từ đầu những năm 1980, khi chính quyền của Tổng thống Reagan bắt đầu thực hiện tái cơ cấu và sắp xếp lại nền kinh tế theo hướng tăng cường tự do hóa thương mại và tài chính, xóa bỏ kiểm soát các dòng vốn quốc tế. Biện pháp này đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư ra nước ngoài, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế và duy trì vị thế của USD trên thế giới. Tuy nhiên, sự điều chỉnh cơ cấu này cũng là yếu tố gây ra tình trạng thâm hụt kép triền miên và ngày càng trầm trọng tại Mỹ do sự ngập tràn hàng hóa giá rẻ từ các nước đang phát triển, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và thị trường lao động Mỹ. Chưa hết, các nước đang phát triển còn sử dụng nguồn USD thu được để mua trái phiếu chính phủ Mỹ, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương liên bang, đầu tiên là các nước châu Âu và các nước xuất khẩu dầu mỏ, tiếp đến là Nhật Bản, Mêhicô và nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc từ sau năm 1999, khi quốc gia này chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hậu quả là, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã vượt 1 nghìn tỷ USD trong bốn năm liên tiếp kể từ năm 2008; nợ nước ngoài lập kỷ lục 5.430 tỉ USD vào tháng 8, tăng 1,5% so tháng 7/2012. Trong đó, hai quốc gia chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản với lượng trái phiếu đang nắm giữ lần lượt là 1.150 tỉ USD và 1.120 tỉ USD.
Thâm hụt tài chính của Mỹ còn do các biện pháp giảm thuế đầu tư và kinh doanh cũng như chi phí chiến tranh Trung Đông kể từ năm 2001, với tổng mức giảm thuế khoảng 3.400 tỉ USD. Chi phí chiến tranh tăng thêm 2.100 tỉ USD, mà đều được tài trợ bằng thâm hụt ngân sách.
Việc đẩy mạnh đầu tư từ các nước phát triển sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã giúp các doanh nghiệp tăng thu lợi nhuận nhờ chi phí lương thấp, nhưng không khuyến khích đầu tư cải tiến công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, làn sóng mở rộng đầu tư sang các nước chậm phát triển với môi trường pháp lý chưa hoàn thiện đã buộc các doanh nghiệp phải “lách luật” và điều này làm phát sinh tiêu cực. Xu hướng này đã từng bước làm thui chột động lực tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của chính các nước phát triển, triệt tiêu chính sách tiền tệ và tỉ giá do mỗi biện pháp nới lỏng tiền tệ tại các nước phát triển đều gây ra hiệu ứng lan chuyền tại các nước còn lại trên thế giới nhằm hỗ trợ xuất khẩu vốn rất mong manh, các nỗ lực cân bằng kinh tế và thương mại toàn cầu vì thế đều thất bại. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng phải theo sau các doanh nghiệp và cũng phải trải qua nhiều sóng gió trong quá trình hoạt động tại các nước đang phát triển để qua mặt các nhà điều hành, một yếu tố dẫn đến sự hình thành và phát triển các hoạt động tài chính bất hợp pháp, một trong những nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng tài chính vừa qua và cho tới nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả, cải cách tài chính quốc tế tiếp tục là thách thức ở phía trước.
Có thể thấy rõ mặt trái này tại châu Âu hiện nay với tình trạng nợ nần, thất nghiệp ngày càng tăng, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự suy kiệt dần của năng lực cạnh tranh, các biện pháp cải cách cơ cấu theo hướng thắt chặt chi tiêu chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng. Nhiều nước châu Âu tiếp tục trượt dốc và tăng trưởng thụt lùi, tình trạng suy thoái có thể kéo dài cho tới năm 2020.
Sau khủng hoảng kinh tế 2008, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đã thấy rõ mặt trái của tự do hóa tài chính và đang thay đổi chính sách đầu tư theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ trở lại đất nước, qua đó phục hồi vai trò của nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và tạo việc làm với mức lương cạnh tranh so với tại các nước có nền tảng công nghệ thấp hơn. Mặc dù đây là quá trình lâu dài, nhưng những kết quả ban đầu đã phát đi tín hiệu tích cực về sự phục hồi các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế thứ nhất thế giới này.
Có thể thấy, xu hướng tự do hóa tài chính bắt đầu được các nước xem xét lại. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi chiến lược chứ không chỉ dừng lại ở các biện pháp tái cơ cấu đơn thuần, nhất là về tài chính và đầu tư phát triển sản xuất trong bối cảnh các luồng tài chính bị kiểm soát chặt chẽ hơn, qua đó sẽ nhanh chóng tránh được những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Văn Thanh
ngân hàng nhà nước
|