IMF cảnh báo các ngân hàng Nhật Bản
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng cố gắng của các ngân hàng Nhật Bản nhằm nắm giữ nhiều hơn trái phiếu chính phủ sẽ gây thiệt hại cho chính các tổ chức tín dụng này một khi lãi suất tăng vì sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của cả hệ thống.
Theo đánh giá của IMF, tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng có thể từ mức 25% hiện nay lên đến một phần ba tổng tài sản ngân hàng trong vòng năm năm tới. Phát biểu tại hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo, đại diện của IMF cho rằng tình trạng này có thể làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin của dân chúng vào nền tài chính Nhật Bản khi mà tổng nợ của Chính phủ Nhật đã cao gấp đôi tổng sản phẩm nội địa, tức là cũng gần giống như tình trạng châu Âu.
Hiện nay, trái phiếu chính phủ còn an toàn nhưng vì các ngân hàng sở hữu quá nhiều loại giấy có giá này nên điều quan trọng là làm sao giữ chúng được an toàn. Sau nhiều năm tăng trưởng chậm và giảm phát nhẹ, Nhật Bản đã hạn chế hoạt động cho vay và các ngân hàng buộc phải chuyển tiền gửi của khách hàng vào trái phiếu vốn được xem là an toàn và dễ tạo thanh khoản nhất.
Chính vì thế mà nợ của Chính phủ Nhật hiện nay chiếm 25% tài sản của cả hệ thống ngân hàng, cao gấp năm lần so với các nước phát triển khác. Mức độ sở hữu này có thể làm yếu đi sự ổn định tài chính nếu lãi suất tăng. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn đối với các ngân hàng nhỏ tại các địa phương vì hệ thống tín dụng này chỉ có khả năng tạo lợi nhuận thấp.
Thủ tướng Noda đang cố gắng phục hồi độ tin cậy cho ngành tài chính. Trong năm nay, Chính phủ Nhật sẽ thông qua một đạo luật cho phép tăng gấp đôi thuế doanh thu tùy thuộc vào một số điều kiện liên quan đến tăng trưởng và lạm phát trước năm 2015. Tuy nhiên, IMF nhắc nhở rằng cố gắng đó cần phải được bổ sung bằng những cải cách về chi tiêu cho an sinh - xã hội. Cũng theo IMF, trong trung hạn, sự tăng thuế như vậy vẫn chưa đủ, mà còn cần nhiều biện pháp khác nữa
Thiên Bảo
doanh nhân sài gòn
|