EU lập hệ thống giám sát 6.000 ngân hàng Eurozone
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên
minh châu Âu (EU), diễn ra trong 2 ngày 18-19/10, đã kết thúc với những
động thái tỏ rõ quyết tâm của các nhà lãnh đạo EU sẽ hành động cương
quyết để giải quyết tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính,
khôi phục lòng tin và khuyến khích tăng trưởng cũng như việc làm.
Đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van
Rompuy tại buổi họp báo khi kết thúc hội nghị, đây là “một hội nghị có
hiệu quả.”
Trong 2 ngày làm việc, các nhà lãnh đạo đã rà soát lại quá
trình thực hiện Hiệp ước Tăng trưởng và Việc làm. Các nhà lãnh đạo đã
hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được cho tới nay, đồng thời nhất trí
rằng cần phải hành động nhanh chóng, cương quyết để đảm bảo hiệp ước này
được thực thi đầy đủ.
Ngoài việc đưa ra một báo cáo sơ bộ về
Liên minh Kinh tế và Tiền tệ, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi có sự phối hợp
để xúc tiến các đề xuất về Cơ chế Giám sát Chung (SSM) như một vấn đề
ưu tiên với mục tiêu đạt được sự nhất trí về khuôn khổ pháp lý cho cơ
chế mới vào ngày 1/1/2013 và đã tán thành một số động thái hướng tới mục
tiêu này. Việc nhất trí về kế hoạch trên sau hơn 10 giờ thảo luận là
một kết quả quan trọng của ngày họp đầu của hội nghị.
Theo kế hoạch trên, toàn bộ 6.000 ngân hàng của Eurozone từ đầu năm 2014 sẽ nằm dưới sự giám sát của một hệ thống giám sát chung của EU, do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) làm đại diện.
Các nhà
lãnh đạo châu Âu cũng đã đề cập tới những vấn đề liên quan đến ngân sách
chung và khuôn khổ chính sách kinh tế - những vấn đề sẽ được bàn thảo
kỹ hơn trong thời gian tới.
Họ thừa nhận rằng quá trình tiến tới một
liên minh về kinh tế và tiền tệ hợp nhất sâu sắc hơn cần được xây dựng
dựa trên cơ sở hiến pháp và pháp lý của EU, và sẽ vừa cởi mở và minh
bạch đối với các nước thành viên không tham gia khu vực đồng tiền chung
vừa thực sự tôn trọng sự thống nhất của khối thị trường chung này.
Các
nhà lãnh đạo khối này cũng đã thể hiện quyết tâm vạch ra được một lộ
trình cụ thể để đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso còn thông báo những đề xuất
cho một thỏa thuận về thuế giao dịch tài chính, đã được 11 nước quyết
định xúc tiến nhằm tạo ra một thể chế "tăng cường hợp tác", sẽ được đệ
trình ngay trong tuần tới.
Trong ngày họp thứ hai của hội
nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đi sâu thảo luận về mối quan hệ với
các đối tác chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ chiến lược
giữa EU-Trung Quốc tại thời điểm Trung Quốc đang chuẩn bị có sự chuyển
giao thế hệ lãnh đạo.
Ông Barroso cho rằng mối quan hệ cùng có lợi với
Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng với EU và cho sự thịnh vượng
của Trung Quốc mà còn cho cả phần còn lại của thế giới.
Người đứng đầu cơ quan hành pháp EU cũng cho biết ông sẽ cùng với Chủ
tịch Hội đồng châu Âu Van
Rompuy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu
(ASEM) lần thứ 9 tại Lào và thực hiện một loạt chuyến thăm ngắn tới các
nước Đông Nam Á và tại đây vấn đề thương mại sẽ là ưu tiên hàng đầu của
chương trình nghị sự nhằm tạo ra sức bật lớn hơn cho mối quan hệ giữa
hai châu lục này.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo
luận một loạt các vấn đề quốc tế và khu vực như: thông qua các biện pháp
trừng phạt Syria, chương trình hạt nhân của Iran và đưa ra cam kết trợ
giúp Mali trong việc tái kiểm soát phần lãnh thổ miền Bắc của nước này
hiện bị nhóm vũ trang chiếm đóng cách đây 6 tháng./.
Vietnam+
|