Thứ Năm, 18/10/2012 20:00

Nợ công nhấn chìm “giấc mơ Mỹ”

Với mức nợ công hiện đã lên tới 16 nghìn tỷ USD và sẽ tăng lên 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015, tương đương 100% GDP như dự đoán của Bộ Tài chính Mỹ. Bất cứ ai tỉnh dậy trong Nhà Trắng sau khi nhậm chức đều phải đối đầu với thực tế tồi tệ về các khoản nợ của Mỹ.

 

Các khoản nợ trên còn chưa bao gồm 5 nghìn tỷ USD mà Chính phủ hỗ trợ cho Freddie Mac và Fannie Mae và hơn 65 nghìn tỷ USD chi cho các chương trình y tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, còn có khoản nợ khoảng 3 nghìn tỷ USD của các chính quyền địa phương.

Bill Gross, Chủ tịch Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO từng chua chát nhận xét: “Những gì một quốc gia hay một con sóc tốt nên làm là góp nhặt các loại hạt để dùng cho mùa đông. Mỹ không những không tiết kiệm mà còn dùng tất cả những gì còn sót lại từ…mùa đông năm ngoái”.

Mọi sự đảo lộn

Năm 2001, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng dự báo với mức thặng dư trung bình hàng năm vào khoảng 850 tỷ USD trong khoảng từ 2009-2012, Washington sẽ trả được tất cả các khoản nợ. Tuy nhiên, điều này đã không bao giờ xảy ra, Chính phủ Mỹ liên tục rơi vào tình trạng chi tiêu “quá tay” với mức thâm hụt hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Nguyên nhân khiến tình trạng tài chính công của Mỹ suy giảm đáng kể trong những năm gần đây bao gồm: doanh thu thuế sụt giảm do tình trạng suy thoái kinh tế, chi tiêu quân sự cũng như phi quân sự không ngừng tăng lên, chi phí đi vay cao hơn và các gói kích thích kinh tế liên tục từ năm 2009.

Mặc dù mối lo ngại về tính bền vững của nợ công Mỹ ngày càng tăng cao nhưng giới đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục thu mua mạnh trái phiếu Chính phủ Mỹ khi đây vẫn được coi là một tài sản an toàn trong bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu leo thang.

Đi tìm giải pháp

Trước tình trạng nợ gia tăng nhanh chóng, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke từng cảnh báo nước Mỹ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ. Ông nói: “Có thể thị trường trái phiếu sẽ trở nên hỗn loạn khi tính bền vững nợ bị đe dọa bởi mức thâm hụt ngân sách lên tới hơn 1 nghìn tỷ mỗi năm và hiện tại, chính chúng tôi cũng phải đối mặt với nguy cơ lãi suất tăng cao”.

Trừ khi mức nợ cơ sở và thâm hụt ngân sách được xử lý, nếu không khả năng Mỹ tự tài trợ cho mình sẽ ngày càng xấu hơn. Bộ Tài chính Mỹ đang phải phát hành một lượng lớn trái phiếu gần như liên tục thông qua các cuộc đấu giá diễn ra hàng tuần với lượng phát hành từ 50-70 tỷ USD mỗi đợt – một con số “khó có thể tưởng tượng nổi” nếu cách đây vài năm.

Giải pháp cấp bách hiện tại để giảm mức thâm hụt ngân sách là thông qua việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc kết hợp cả hai phương án trên. Tuy nhiên, nhìn từ mọi góc độ thì nhiệm vụ là hết sức nặng nề. Nguồn thu ngân sách của Chính phủ phải tăng từ 20-30% trong khi chi tiêu cũng phải được cắt giảm ở mức tương đương.

Thực tế, có 45% số hộ gia đình tại Mỹ không phải đóng thuế và có 3% số người thu nhập cao đóng góp tới 52% tổng số các loại thuế. Do đó, một cuộc “đại phẫu” về chính sách thuế là cần thiết. Tuy nhiên, cải cách chính sách thuế sẽ là một phương án không khả thi khi các chính trị gia đang ra sức lấy lòng cử tri.

Hơn nữa, các khoản chi tiêu cho quốc phòng, y tế và an sinh xã hội cũng như thanh toán lãi suất trái phiếu là rất khó kiểm soát và cũng là yếu tố chính trị nhạy cảm. Do đó, rất khó để cắt giảm.

“Vực thẳm tài khóa”: Thuốc đắng dã tật?

Các nhà kinh tế Mỹ liên tục cảnh báo về nguy cơ “vực thẳm tài khóa” (tăng thuế, giảm chi tiêu) nhưng trớ trêu thay, đó có thể là cách duy nhất để Mỹ cải thiện tình hình tài chính công bê bết hiện nay.

Sau khi nợ Mỹ chạm trần hồi năm 2011, các chính trị gia thống nhất việc tăng thuế sẽ tự động được kích hoạt và chi tiêu sẽ bị cắt giảm 5% GDP - ngoại trừ việc cắt giảm này có thể kéo Mỹ sa lầy vào một đợt suy thoái kéo dài. Ngoài ra, điều này giúp Mỹ cắt giảm được 6.1 nghìn tỷ USD thâm hụt trong vòng 10 năm.

Năm 2009, các sinh viên Đại học Quốc phòng Mỹ đã thiết kế một trò chơi về các kịch bản có thể xảy ra khi đưa nợ Mỹ vào tầm kiểm soát. Những người tham gia trò chơi đã cố gắng cắt giảm thâm hụt thông qua việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, kết quả là nền kinh tế nhanh chóng rơi vào tình trạng “hôn mê sâu” trong khi thâm hụt ngân sách cũng như nợ công vẫn tiếp tục leo thang. Đây chính là bài học được rút ra từ những gì diễn ra tại Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia.

Từ đó, các chuyên gia nhận định “Người sử dụng phương pháp này sẽ không bao giờ tái đắc cử và đó là chính sách lợi bất cập hại”.

Chính phủ Mỹ đã tìm cách tránh đối phó với các khoản nợ công. Tuy nhiên, như lời nhà văn người Anh Aldous Huxley từng nhận xét “Những dữ kiện không ngưng tồn tại chỉ vì chúng bị bỏ quên”.

Hương Giang (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Kinh tế Mỹ lại xuất hiện những dấu hiệu tích cực (18/10/2012)

>   Hy Lạp và chủ nợ đạt đồng thuận cải cách cơ bản (18/10/2012)

>   Bằng chứng mới về sự đi xuống của kinh tế châu Á (18/10/2012)

>   Biện pháp trừng phạt của EU tác động đến châu Âu (18/10/2012)

>   Virus nợ công châu Âu lan tới nước Anh (17/10/2012)

>   Moody's vẫn bi quan về Tây Ban Nha (17/10/2012)

>   Nợ nước ngoài Mỹ phá kỷ lục mới trên 5.4 ngàn tỷ USD (17/10/2012)

>   Thế giới đối mặt với tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao (17/10/2012)

>   IMF cập nhật triển vọng kinh tế các châu lục (17/10/2012)

>   Nhật chuẩn bị gói kích thích kinh tế 1.000 tỉ yên (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật