Phó TGĐ VietCapitalBank: Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt hơn 20%
Trao đổi cùng chúng tôi bên lề hội thảo "VietCapital Vietnam Access Day" – “Kết nối cơ hội đầu tư”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) cho biết, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 20%.
* Ông Tô Hải: Nên tăng room nước ngoài tại TCTD Việt Nam
Ông có thể cho biết về kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, đặc biệt là so với kế hoạch năm 2012?
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc VietCapitalBank
|
Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt việc áp trần lãi suất của mọi khoản vay về dưới 15%, phần nào làm giảm lợi nhuận của Bản Việt, ảnh hưởng tới việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng thời gian qua cũng điều chỉnh giảm tất cả các lãi suất cho vay và huy động theo quy định chung.
Những thu nhập chính của Bản Việt đến từ mảng nào, thưa ông?
Cũng như nhiều ngân hàng khác, thu nhập chính của Bản Việt vẫn đến từ hoạt động tín dụng.
Ngoài ra, từ hơn một năm nay, Bản Việt cũng đang đầu tư vào công nghệ thông tin và con người, và dần dần phát triển mảng dịch vụ nhằm tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng doanh thu.
Thế còn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho đến nay của Bản Việt?
Mặc dù nhiều ngân hàng gặp khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí là bị âm nhưng riêng với Bản Việt, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của chúng tôi đạt hơn 20% qua 9 tháng.
Trước đó, tại thời điểm cuối tháng 6/2012, ngân hàng đã đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 17%.
Một tỷ lệ rất cao trong bối cảnh chung của toàn ngành ngân hàng. Ông có thể chia sẻ thêm về nhóm khách hàng của Bản Việt?
Hiện nay, Bản Việt mở rộng sang nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với ưu tiên là các công ty trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, đặc biệt là các công ty có nhu cầu vay vốn rõ ràng, hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính lành mạnh.
Còn lĩnh vực cho vay chứng khoán và bất động sản, thưa ông?
Có thể thấy, đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực chứng khoán và bất động sản nói chung đều gặp nhiều khó khăn.
Riêng với Bản Việt, các khoản vay liên quan đến bất động sản không quá lo ngại và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng. Bản Việt không hạn chế tất cả các khoản vay về bất động sản, nếu khách hàng có nhu cầu thực sự, chứng minh thu nhập, chứng minh khả năng thanh toán và các tài sản thế chấp có thể định giá hợp lý theo quy định của Nhà nước thì Ngân hàng vẫn cho vay.
Hiện nay hầu như Bản Việt không khuyến khích cho vay trong lĩnh vực chứng khoán vì thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Bản Việt cũng đã khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Để đạt được kết quả trên, Bản Việt đã thực hiện chiến lược cạnh tranh gì?
Ngân hàng Bản Việt hiện có những cổ đông lớn nào?
Bản Việt có khoảng trên 2,000 cổ đông bao gồm tổ chức và cá nhân. Hiện Ngân hàng không hề nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác như STB và EIB.
Ngân hàng Bản Việt có hệ thống mạng lưới gồm 38 điểm giao dịch trải khắp các tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục phát triển mở rộng ra toàn quốc.
|
Với quy mô nhỏ, chiến lược hiện tại của Ngân hàng vẫn là củng cố tập trung cho nội lực thông qua việc đầu tư phát triển mạnh công nghệ thông tin. Đây là cơ sở để Ngân hàng đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Song song với việc phát triển công nghệ thông tin, Bản Việt còn tập trung đầu tư vào con người thông qua các chính sách nhân sự mới có tính cạnh tranh để thu hút nhân sự có trình độ, kinh nghiệm và mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của ngân hàng. Trong thời gian ngắn, đây là hai yếu tố chính Bản Việt tập trung đầu tư nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho Ngân hàng.
Với chiến lược trên, Bản Việt đã cho ra đời các sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa, Internet Banking và sắp tới là Mobile Banking. Dự kiến đến đầu năm 2013, Bản Việt sẽ phát hành thẻ ghi nợ quốc tế.
Mạng lưới khách hàng cá nhân cũng đang được Ngân hàng phát triển. Để phục vụ cho hoạt động này, Ngân hàng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, đồng thời di chuyển các địa chỉ cũ tới những vị trí chiến lược và thuận lợi hơn cho khách hàng.
Hiện Bản Việt có chương trình gì hỗ trợ việc tiếp cận vốn vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không thưa ông?
Ngân hàng vẫn đưa ra các gói cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, vừa rồi Bản Việt đã đưa ra gói cho vay 300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng. Tuy nhiên Ngân hàng vẫn luôn đảm bảo tiêu chí an toàn, với việc xác định rõ các đối tượng đáp ứng đầy đủ điều kiện cho vay mà Ngân hàng đưa ra.
Bên cạnh đó, tùy theo tình hình hoạt động và khả năng thanh toán của từng khách hàng, Bản Việt sẽ có những chính sách hỗ trợ riêng. Nếu doanh nghiệp có khả năng thanh toán, đảm bảo dòng tiền tốt và lịch sử nợ vay tốt, Bản Việt sẵn sàng đưa ra lãi suất cho vay ở mức ưu đãi và hấp dẫn. Đồng thời, tùy theo thời gian của khoản vay, Ngân hàng sẽ có những điều chỉnh lãi suất phù hợp.
Sắp tới, Ngân hàng Bản Việt có ý định tăng vốn hay tham gia tái cơ cấu ngân hàng nào không?
Hiện Bản Việt chưa có kế hoạch tăng vốn hay tham gia tái cấu trúc với bất kỳ ngân hàng nào mà vẫn tập trung phát triển nội lực là chính.
Và như tôi đã đề cập ở trên, Ngân hàng sẽ tập trung cho phát triển nhân lực, công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ và mở rộng mạng lưới.
Xin cám ơn ông!
Hội thảo “Vietnam Access Day” - “Kết nối cơ hội đầu tư” diễn ra trong hai ngày 23, 24/10/2012 do Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank), CTCK Bản Việt (VCSC) và Công ty Quản lý quỹ Bản Việt (VietCapital) phối hợp tổ chức tại TPHCM mang lại bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá chính xác môi trường đầu tư, kết nối vốn và các cơ hội đầu tư trên thị trường. Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 300 khách và diễn giả trong và ngoài nước cùng tham gia sự kiện.
|
Minh Hằng (Vietstock)
FFN
|