Thứ Hai, 08/10/2012 17:15

Nợ xấu ngân hàng từ các khoản tín dụng “thoáng”

Nợ xấu đang là thực trạng đáng lo ngại cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Trên danh nghĩa, nợ xấu ngân hàng là nợ đã quá hạn hơn 90 ngày và ngân hàng bắt đầu trích lập dần rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế thì gần như mọi người đều công nhận rằng chỉ có nợ xấu còn được “giấu”, chưa thể hiện cũng như trích lập dự phòng, chứ hiếm có trường hợp nợ còn có thể thu hồi nhưng lại hạch toán là nợ xấu như quy định.

Định nghĩa lại nợ xấu

Nếu để tỷ trọng nợ xấu lớn trên báo cáo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng. Theo đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn khiến cho hiệu quả kinh doanh thấp. Khi hiệu quả kinh doanh thấp, cũng có nghĩa uy tín ngân hàng đã giảm sút dẫn đến hạn chế khả năng huy động tiền gửi. Còn cổ phiếu ngân hàng bị giá thấp sẽ khó phát hành tăng vốn.

Vì thế, “bất dắc dĩ” thì ngân hàng mới hạch toán nợ xấu. Đây thường là những khoản nợ ngân hàng của đơn vị bị công khai bể nợ, thậm chí Luật pháp đã bước vào tiến hành tố tụng.

Nhìn vào các khoản nợ xấu, đây là những đơn vị lỗ rất lớn, thậm chí ngưng trệ kinh doanh, không luân chuyển vốn. Những tài sản còn lại của đơn vị “bế tắc trong việc chuyển hóa thành tiền”, không có nguồn tiền nộp vào ngân hàng trả nợ. Điển hình như nợ xấu ngân hàng hơn 1,300 tỷ của Bianfishco (BAF), có đến 1,000 tỷ hoặc hơn là lỗ (theo nhận định của Giám đốc Công ty Mua bán nợ DATC), tài sản còn lại nhiều trăm tỷ nhưng không thể chuyển hóa ra tiền để trả nợ nông dân bán cá.

Có thể khái niệm nợ xấu ngân hàng là những khoản nợ mà cân đối vốn đối ứng có tỷ trọng đa phần là lỗ, thiểu số còn lại thì bế tắc trong việc chuyển hóa thành tiền.

Điều kiện hình thành nợ xấu

Vì sao nợ xấu “nở rộ” vào thời điểm hiện nay và vì sao có sự cách biệt lớn giữa nợ xấu nhiều hay ít giữa các ngân hàng? Nợ xấu chỉ được hình thành khi phải hội đủ hai điều kiện: (1) Vốn tín dụng ngân hàng đưa ra làm ăn phi hiệu quả, “bốc hơi” dần nên không quay lại trả nợ ngân hàng, và (2) Những tài sản thế chấp không đảm bảo an toàn về giá trị để có thể bù đắp rủi ro kinh doanh của đơn vị vay vốn.

Điều kiện đầu tiên sẽ giải đáp câu hỏi về “nở rộ” nợ xấu ngân hàng hiện nay. Sau gần hai năm thắt chặt tiền tệ với mô hình mặt bằng lãi suất cao, hạn chế phát hành vốn vào lưu thông, sản xuất kinh doanh đình đốn dẫn đến đơn vị kinh doanh vay vốn ngân hàng không tạo được lợi nhuận trả lãi vay. Đồng thời, họ phải dùng chính vốn vay trả lãi, vốn vay “bốc hơi” dần, ngày càng “thu nhỏ lại”, dẫn đến không có khả năng trả nợ và hình thành nợ xấu.

Có thể thấy, bất động sản là trường hợp điển hình nhất. Vào thời điểm trước đóng băng (2010), nếu ai vay 100 tỷ đồng thì hai năm qua phải trả lãi khoảng 50%, tức 50 tỷ đồng. Như vậy, người vay đã nợ lên đến 150 tỷ trong khi giá bất động sản của thời hoàng kim 100 tỷ đồng nay chỉ còn khoảng 70 tỷ đồng. Người vay đã lỗ đến 80 tỷ đồng, chiếm đa số vốn vay. Trước kia, lãi suất vay vốn vẫn cao nhưng tốc độ tăng giá sản phẩm cao tương ứng nên nợ vay ngân hàng có thể quay lại trả đủ khi bán sản phẩm, nợ xấu không nở rộ như hiện nay.

Nếu điều kiện đầu tiên là khách quan thì điều kiện thứ hai lại là chủ quan của bộ máy tín dụng từng ngân hàng - Đó là đã không thế chấp an toàn. Dễ nhận thấy, cùng là tín dụng nặng lãi ngoài xã hội nhưng mọi “chủ hụi” gần như bể nợ trong khi các tiệm “cầm đồ” không sao cả.

Sự khác nhau ở chỗ thế chấp an toàn. Khi vay vốn ngân hàng đưa vào kinh doanh, nếu “thắng to cỡ mấy”, đơn vị tự hưởng và cũng chỉ có nghĩa vụ “trả lãi vay ngân hàng đúng cam kết trong hợp đồng”. Vì thế, khi thua lỗ trong kinh doanh, đơn vị phải tự chịu trách nhiệm, ngân hàng phải bảo toàn vốn cho vay vì đây là sự ủy thác của người gửi tiền khi chấp nhận lãi suất cố định, không mạo hiểm đầu tư.

Vì thế, thế chấp an toàn là đòi hỏi cần thiết đối với nghiệp vụ tín dụng ngân hàng. Ở ngân hàng có chủ trương xem tín dụng là “cầm đồ cao cấp” sẽ ít gặp nợ xấu. Ở ngân hàng đặt trọng chức năng “hỗ trợ đơn vị phát triển sản xuất kinh doanh” mà chỉ quan tâm sơ sài đến thế chấp sẽ tạo cơ hội cho điều kiện thứ hai hình thành (không thế chấp an toàn), dẫn đến hình thành nợ xấu.

Nợ xấu nở rộ như thế nào

Nợ xấu chỉ có thể hình thành khi thế chấp “thoáng”, không an toàn ở những dạng sau:

Tín chấp, là mô hình ngân hàng sở hữu Nhà nước cho vay doanh nghiệp Nhà nước. Được một vài ngân hàng cổ phần vận dụng khi cho vay doanh nghiệp Nhà Nước và để lại nợ xấu như Vinashin, Vinalines …

Cho vay nhận thế chấp bằng chính “dự án”. Nhiều người đều biết chi phí thực tế khi triển khai dự án thấp hơn vài chục phần trăm so giá trị dự án theo thiết kế. Số chênh lệch này được người đi vay “phù phép” thành vốn tự có. Như thế, bằng nguồn vốn tự có thấp, đơn vị có thể vay vốn lớn nhờ vào ngân hàng đồng ý “nhận thế chấp chính dự án”.

Đây là cội nguồn nợ xấu lớn nhất hiện nay khi kinh tế đình đốn, dự án không hiệu quả, giá trị dự án khó thể thu hồi được nợ vay do khó khăn trong chuyển nhượng và có chuyển nhượng cũng lỗ lớn, nợ vay tổn thất.

Cho vay nhận thế chấp bằng “kho hàng”, khi khui kho thì không còn để thu hồi. Tỷ lệ thu hồi ở kho thủy sản đông lạnh tại Cần Thơ là 0%, ở kho café tại Daklak là dưới 1% (thế chấp 1,000 tấn nhưng khui kho chỉ còn 3.5 tấn). Cho vay nhận thế chấp bằng hóa đơn mua hàng (như thép của Công ty Thái Sơn, Hải Phòng) cũng có thể gặp rủi ro tương tự.

Cho vay nhận thế chấp bằng cổ phiếu chưa niêm yết. Ai cũng nhìn thấy rủi ro nợ xấu này khi cổ phiếu chuyển xuống giá bèo, bán không ai mua, thậm chí công ty phá sản.

Cho vay nhận thế chấp bằng máy móc thiết bị. Rủi ro nợ xấu ở chỗ máy móc có thể lạc hậu, không có hiệu quả khi vận hành và như thế, giá trị chuyển từ cao (giá máy) xuống thấp (giá phế liệu).

Cho vay nhận thế chấp những mảnh đất có diện tích lớn (để định giá cao) ở vùng hẻo lánh, không hề có thanh khoản và khó định giá. Rủi ro sẽ đến khi thanh lý không người mua với giá thu nợ. v.v…

Một thực tế cũng đáng suy nghĩ là một vài ngân hàng huy động rất lớn nhưng cho vay thế chấp khá kỹ nên nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn thấp. Trong khi đó nhiều ngân hàng huy động vốn không lớn nhưng lại cho vay rất thoáng về thế chấp, dẫn đến nợ xấu lớn, khó khăn thanh khoản và tổn thương hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh việc tìm hướng xử lý nợ xấu ngân hàng hiện nay, những bài học về con đường dẫn đến nợ xấu cũng cần được quan tâm nhằm hạn chế việc phát sinh thêm nợ xấu mới trong hệ thống ngân hàng.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Muốn vay phải minh bạch “sức khỏe” (08/10/2012)

>   Cấm gửi tiền lẫn nhau, ngân hàng tìm cách lách (08/10/2012)

>   HDBank đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (08/10/2012)

>   Bi hài chuyện ngân hàng đi đòi nợ (08/10/2012)

>   Thống đốc tuyên chiến với lợi ích nhóm ngân hàng (08/10/2012)

>   Ngân hàng nào có tỷ lệ lãi suất tiền gửi cao nhất? (07/10/2012)

>   Nợ xấu: Càng để lâu, càng nhiều di chứng (07/10/2012)

>   SHB gia hạn 150 tỷ đồng trái phiếu cho SHS (06/10/2012)

>   "Chơi" ngoại tệ như chơi dao! (05/10/2012)

>   Ngân hàng vẫn “khát” vốn dài hạn (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật