Thứ Hai, 08/10/2012 16:15

Muốn vay phải minh bạch “sức khỏe”

9 tháng 2012, bên cạnh nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng âm, một số NHTM tăng trưởng khá tốt và xin nâng thêm hạn mức tín dụng. Phải chăng các NHTM này đang có “chiêu” trong cho vay? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiện Long (ảnh), Phó tổng giám đốc HDBank, về vấn đề này.

- Thưa ông, bước vào quý IV-2012, nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp (DN) đã tăng nhiều nên HDBank đón đầu xin tăng tín dụng?

Ông PHẠM THIỆN LONG: - Thực tế đến nay rất ít DN vay vốn mới, bởi đầu ra của sản phẩm rất khó khăn. Các thị trường lớn trên thế giới chưa có nhiều khả quan, hàng tồn kho có giảm nhưng không đáng kể, nhất là nguyên vật liệu xây dựng.

Dù Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư công để giải tỏa hàng tồn kho, nhưng đến nay xi măng, sắt thép… vẫn ứ đọng. Ngay cả những DN xuất khẩu nông sản vốn có lợi thế nhưng cũng đang trong thế khó. Vì vậy, dù các NHTM công bố các gói tín dụng ưu đãi nhưng chỉ số ít DN vay để sản xuất cầm chừng, để tồn tại.

- Ông nghĩ sao khi nhiều DN cho rằng các NHTM hiện nay như “tiệm cầm đồ”, chỉ cho vay khi có bất động sản, nhà cửa thế chấp thay vì thế chấp bằng dòng tiền, nguồn thu hình thành từ tương lai?

- Chúng ta phải chấp nhận thực tế để giải quyết khó khăn cho cả DN và NH. Không phải NHTM không muốn chia sẻ với DN. NHTM sẵn sàng ít lời hoặc không lời để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Nhưng về điều kiện tín dụng, NHTM không thể hạ chuẩn cho vay. Bởi hiện tại các NHTM đang bị nợ xấu, một phần cũng do DN.

Vì thế NH ưu tiên chọn bất động sản có thanh khoản tốt, tài sản tốt, sau đó mới chọn loại hình khác. DN cho rằng tại sao không cho thế chấp hàng hóa, nhưng hàng hóa loại nào, thế chấp ở kho nào và hàng hóa đó có bị tranh chấp hay không?

Thực tế có tình trạng hàng hóa để kho DN không bán được, NH có nhận cũng không dễ xử lý. NH cũng muốn hỗ trợ khơi thông dòng tiền, nhận tài sản bảo đảm là những khoản phải thu đã hình thành, nhưng khi thị trường khó khăn, đối tác, người mua của DN không trả thì làm sao NH đòi được.

Thế chấp nguồn thu hình thành trong tương lai cũng không dễ, NH đổ tiền vào mà chủ đầu tư bỏ dự án dở dang, NH cũng không thể thu hồi nợ được.

- Nhiều DN tỏ ra bất bình khi họ đang khó khăn nhưng nhiều NHTM lời hàng ngàn tỷ đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thực tế con số lợi nhuận chưa thể hiện vấn đề gì. Một NHTM vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng mà lời vài trăm tỷ đồng/năm được coi là lỗ. Bởi chỉ cần mang 5.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm cũng lãi nhiều hơn. Chưa kể, nhiều NH đang gánh những khoản nợ quá hạn, nếu trích đủ nhiều khi bị âm vào vốn.

Bên cạnh đó, NH phải bảo vệ tiền gửi của dân, nên khi cho vay ra phải bảo đảm thu hồi được và chỉ lấy một phần lời đủ trang trải chi phí. Thực tế hiện nay các NHTM chỉ lời 2-3% trên chi phí đầu vào nên không thể mạo hiểm. Bản thân DN là người phát triển dự án, nhưng đôi khi không thực sự tự tin với dự án của mình.

Nếu DN có thể đem những tài sản cá nhân cũng như mượn người thân để thế chấp và có sự tin tưởng vào dự án đầu tư, quyết tâm đảm bảo đầu ra, NHTM sẵn sàng cho vay.

- Vậy theo ông, ngoài tài sản thế chấp là bất động sản, DN cần làm gì để được NHTM tin tưởng cho vay?

- DN mất tiền thì mất vốn, nhưng với NH nếu lỡ cấp tín dụng có vấn đề gì dễ bị quy trách nhiệm về hình sự, vì tiền không phải của NH mà của người dân. NHTM hiện nay vừa xử lý nợ quá hạn, vừa phải cấp tín dụng mới cho DN để làm lại rồi mới thu hồi được nợ.

Thực tế không dễ cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ cho DN. Bởi rất nhiều DN thích vay một nơi nhưng tiền chuyển nơi khác để sử dụng, không muốn NH quản lý dòng tiền của mình. Nhưng nếu không biết tiền đi đâu, làm gì và quay về như thế nào, các NHTM không thể an tâm tài trợ vốn dựa trên dòng tiền, trên những khoản phải thu.

Trong khi đó, các DN có thể sử dụng dịch vụ quản lý tiền mặt của NH, giúp cho việc quản lý các khoản phải thu làm sao nhanh hơn kỳ hạn, trả nợ chậm hơn kỳ hạn và giúp vốn của DN trên toàn hệ thống gom lại để trả, NH không bị nợ quá hạn. Vì thế, ở đây cần sự chia sẻ và hợp tác giữa 2 bên DN và NH.

Trong đó DN nên thẳng thắn, minh bạch với NHTM về “sức khỏe” thực sự của mình, tránh tình trạng nhiều DN lỗ nhưng luôn nói mình lời, khiến NH nghĩ DN lời nên tính thêm lãi suất, thêm phí chứ không giảm, hóa ra DN tự mình làm khổ mình.

- Liệu sự thẳng thắn của DN có được NHTM chia sẻ?

- Bên cạnh sự thẳng thắn, minh bạch “sức khỏe”, DN nên mạnh dạn đề nghị NH cùng tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, NH cho vay 1 năm, DN có thể đề nghị cơ cấu cho vay 5 năm để phù hợp với dòng tiền của mình, tránh tình trạng DN lo áp lực chi phí đi vay để đảo nợ.

Ngoài ra, lãi suất NH điều chỉnh 3 tháng/lần, có những hợp đồng hạn mức 6 tháng điều chỉnh 1 lần hoặc cố định điều chỉnh 1 năm. Hiện nay lãi suất 15%/năm nhưng thực tế có những DN không được điều chỉnh ngay do lãi suất cố định trong gần 1 năm. Trường hợp này DN có thể chủ động làm việc với NH để điều chỉnh lãi suất, đồng thời có thể cam kết chuyển thanh toán, dòng tiền về NH như sử dụng trọn gói dịch vụ.

Các NHTM sẽ dễ chấp nhận, bởi họ chỉ lo lợi nhuận tổng thể từ mối quan hệ khách hàng mang lại chứ không tính từng món riêng lẻ.

Với DN có tài sản đã gán hết cho NH, có thể đàm phán để NHTM tham gia chuyển đổi một phần nợ đó thành vốn góp, hay tạm thời gán tài sản cho NH theo hợp đồng repo, 2-3 năm sau có thể lấy lại khi làm ăn được. Bên cạnh đó, NHTM sẵn sàng hợp tác với DN để cùng giải quyết bài toán nợ quá hạn.

- Xin cảm ơn ông.

Mai Thảo (thực hiện)

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Cấm gửi tiền lẫn nhau, ngân hàng tìm cách lách (08/10/2012)

>   HDBank đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (08/10/2012)

>   Bi hài chuyện ngân hàng đi đòi nợ (08/10/2012)

>   Thống đốc tuyên chiến với lợi ích nhóm ngân hàng (08/10/2012)

>   Ngân hàng nào có tỷ lệ lãi suất tiền gửi cao nhất? (07/10/2012)

>   Nợ xấu: Càng để lâu, càng nhiều di chứng (07/10/2012)

>   SHB gia hạn 150 tỷ đồng trái phiếu cho SHS (06/10/2012)

>   "Chơi" ngoại tệ như chơi dao! (05/10/2012)

>   Ngân hàng vẫn “khát” vốn dài hạn (05/10/2012)

>   Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật