Thứ Sáu, 05/10/2012 14:37

Ngân hàng vẫn “khát” vốn dài hạn

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, Phó tổng giám đốc một NHTMCP ở phía Nam cho rằng, để tạo nguồn vốn dài hạn trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng phải chăm sóc tốt khách hàng để “biến” nguồn ngắn hạn thành nguồn dài hạn.

Tranh thủ hút vốn

Gần đây một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài. Một số ngân hàng có mức lãi suất huy động 13%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là ACB, GP Bank, BacABank… Trong khi đó, theo số liệu từ cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, tính đến 31/8 tổng số dư tiền gửi ở các TCTD tăng 11,23%, tính đến 20/9 tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với 31/12/2011. Tín dụng không tăng nhiều, tại sao các NHTM lại “tích cực” huy động vốn, lại là vốn dài hạn? Phải chăng ngân hàng thiếu thanh khoản.

Theo Phó tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội, nếu nói ngân hàng thiếu thanh khoản mới nâng lãi suất lên cao là không đúng. Bởi mỗi ngân hàng sẽ có phân tích, giải pháp khi đưa ra chiến lược kinh doanh. Việc nâng lãi suất huy động cũng không đại trà. NHNN cho phép các NHTM được thỏa thuận lãi suất đối với kỳ hạn trên 12 tháng, nên việc tăng lãi suất huy động của một số NHTM đối với kỳ hạn dài không trái với quy định. Một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cũng cho biết, có thể do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2%, đẩy kỳ vọng lạm phát tăng cao nên một số NHTM tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cuối năm thường tăng cao, nhu cầu tiền mặt cũng lớn nên các NHTM tăng lãi suất huy động nhằm đón đầu, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.

Thực tế lâu nay trong nguồn vốn của ngân hàng, vốn huy động kỳ hạn ngắn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Bà Đầu Thị Lan – Phương Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) – một khách hàng của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, khi có nguồn vốn nhàn rỗi gửi ngân hàng bà thường chọn gửi kỳ hạn 3 tháng, bởi gia đình bà kinh doanh nên không có “tiền chết” để gửi ngân hàng dài hạn. Bên cạnh đó, do giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, có thể lãi suất không ổn định nên tâm lý người gửi tiền vẫn thích kỳ hạn ngắn. Đặc biệt, khoảng 1 tháng nay, giá vàng tăng liên tiếp khiến nhiều người lưỡng lự giữa gửi tiết kiệm hay mua vàng. Cán bộ một phòng giao dịch của VietinBank ở quận Tây Hồ tiết lộ, chỉ có các cụ nghỉ hưu mới gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, lĩnh lãi hàng tháng hoặc hàng quý. Người dân gửi tiết kiệm đa số gửi kỳ hạn ngắn, mà ngân hàng thì muốn tăng nguồn vốn trung và dài hạn để cân đối nguồn, ổn định thanh khoản. Vì thế, giải pháp hút vốn của nhiều NHTM là tăng lãi suất huy động. Khoảng cách giữa lãi suất ngắn hạn và trung dài hạn càng xa, thì sức hấp dẫn sẽ càng lớn.

Một lý do nữa là, mặc dù tín dụng không tăng nhiều, nhưng huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhiều DN chỉ muốn vay trung và dài hạn, khiến ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài.

Nên sớm thiết lập đường cong lãi suất

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, Phó tổng giám đốc một NHTMCP ở phía Nam cho rằng, để tạo nguồn vốn dài hạn trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng phải chăm sóc tốt khách hàng để “biến” nguồn ngắn hạn thành nguồn dài hạn. Vị này giải thích, hiện nay khách hàng gửi tiết kiệm chủ yếu chọn kỳ hạn 3 tháng, hay 6 tháng, nếu ngân hàng chăm sóc khách hàng tốt, khi đáo hạn khách hàng lại gửi tiếp. Nếu khách hàng gửi kỳ hạn trên với 4 lần liên tiếp, nguồn vốn của ngân hàng sẽ ổn định hơn.

Cấu phần nguồn vốn hiện nay của các NHTM gồm: vốn chủ sở hữu; vốn huy động dân cư, tổ chức; vốn vay của các TCTD khác, vốn nhận ủy thác. Vốn chủ sở hữu được coi là vốn cố định. Nguồn vốn nhận ủy thác cũng có thời hạn khá dài. Bên cạnh đó một số NHTM cũng huy động được và có những khoản vay 10 năm từ các tổ chức, ngân hàng khác, đặc biệt là tổ chức nước ngoài. Song tất cả những nguồn vốn này không lớn. Hơn thế, khi nhận các nguồn vốn ủy thác, ngân hàng sẽ phải nhận thêm các điều kiện, yêu cầu khá chặt chẽ; thậm chí không ít nguồn vốn ủy thác lại chỉ có thể giải ngân cho những đối tượng nhất định. Chính vì vậy, nguồn vốn huy động từ các tổ chức, dân cư vẫn là chủ yếu.

Theo Phó Tổng giám đốc một NHTMCP lớn phía Nam, để huy động được nguồn vốn trung dài hạn cần ít nhất 2 điều kiện. Một là, phải tạo dựng được đường cong lãi suất; đặc biệt là không có hiện tượng cạnh tranh huy động vô lối. “Ngân hàng tôi không muốn “tăng giá”, nhưng do ngân hàng bạn tăng nên chúng tôi phải tăng theo nhằm giữ chân khách hàng”, ông nói. Trong khi khách hàng gửi tiền lại rất nhạy cảm với giá cả, lãi suất. Nhiều người đã dùng “đòn tâm lý”, “dương Đông, kích Tây” để gây áp lực cho ngân hàng khi thỏa thuận lãi suất. Bên cạnh đó, trên thị trường tài chính hiện nay có một lượng tiền không nhỏ bị “găm” vào nhà đất, nên nguồn vốn không dồi dào, khiến các ngân hàng phải lo sớm nguồn vốn cho cuối năm.

Hai là, phải rất kiên quyết trong việc rút tiền trước hạn của khách hàng. Mặc dù trong bối cảnh hiện nay thì đây là bài toán khó. Bởi nếu xử lý nghiêm, có thể khách hàng sẽ “good bye” luôn. Còn nếu không thì... để đạt được mục tiêu này thì phải có quá trình, với các giải pháp, quy định đồng bộ từ phía NHNN và sự tuân thủ từ phía NHTM mới thay đổi được. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô phải ổn định, khi kiểm soát được lạm phát, đường cong lãi suất được thiết lập (gửi kỳ hạn càng ngắn, lãi suất càng thấp; và ngược lại) thì người gửi tiền mới chọn kỳ hạn dài, dẫn đến nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng ổn định.

Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng của các NHTM ổn định, lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng tăng nhẹ. Một số ngân hàng như NHTMCP Dầu khí Toàn cầu, Bắc Á, Việt Nam Thương tín, Phương Tây, Kỹ thương… có lãi suất huy động cao nhất là 12,5-13%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn phổ biến ở mức 1- 2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8 - 9%/năm, từ 12 tháng trở lên 11-13%/năm.

Đức Nghiêm

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng (05/10/2012)

>   Nhà băng thi nhau nâng cấp ATM (05/10/2012)

>   Kích tín dụng phải chờ cầu nội địa (05/10/2012)

>   Khó khăn của ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay vốn (05/10/2012)

>   Dò đoán xu hướng lãi suất (05/10/2012)

>   Dò đoán xu hướng lãi suất (05/10/2012)

>   Lãi suất tiền gửi trên 12 tháng tăng nhẹ (04/10/2012)

>   Đề nghị quốc hữu hóa ngân hàng mất sạch vốn do 'nợ khủng' (04/10/2012)

>   Chính sách tiền tệ: Mớ bòng bong cần gỡ sớm (04/10/2012)

>   Nợ xấu: từ nhận thức đến hành động (04/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật