Thứ Năm, 04/10/2012 15:09

Đề nghị quốc hữu hóa ngân hàng mất sạch vốn do 'nợ khủng'

"Đồng ý là không thể để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Nhưng nếu tiếp tục công bố là không để ai mất tiền gửi ngân hàng thì không khác gì NHTM được nhà nước bảo kê. Nói nôm na, ngân hàng thương mại bắt nền kinh tế này làm con tin" - TS Trần Du Lịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn.

Phương án hợp lý để giải quyết, theo ông Trần Du Lịch, là phải quốc hữu hóa những ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, mà nợ xấu lên tới trên 10%, tức là đã mất hết vốn.

Phản ứng trước chỉ số giá cả (CPI) tháng 9 vừa được Tổng cục Thống kê công bố tuần trước, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thốt lên: "Không phải là lạm phát cao có dấu hiệu quay trở lại, mà thực sự là đã quay trở lại rồi". Chia sẻ quan điểm với ông Vũ Đình Ánh, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng bình luận: "CPI tháng 9 lên tới 2,2% cho thấy việc điều hành chính sách vẫn bị động theo diễn biến mà không chủ động điều hành bám theo lạm phát mục tiêu".

Ngay trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có một số ý kiến thẳng thắn cho rằng, trong các báo cáo của mình, Chính phủ vẫn nhận định nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao là do cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm... Tuy nhiên, trong vài năm qua cũng với các nguyên nhân này mà lạm phát có năm rất cao, nhưng có năm lại thấp (?).

Bất chấp việc người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - luôn luôn khẳng định "điều hành chính sách của Chính phủ sẽ không giật cục theo kiểu thấy lạm phát giảm thì lại kích cầu, rồi lại lạm phát cao...", tại một hội nghị vừa được Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức gần đây, nhiều nhà kinh tế đã đưa ra những ví dụ rất cụ thể cho thấy nỗi lo về sự "phập phù", thiếu nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô không phải là không có cơ sở.

Ghi nhận một số chủ trương điều hành năm 2012 là tốt, nhưng không được thực hiện rốt ráo, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội phát biểu: "Thật không thể hiểu nổi khi tranh luận mãi mà giá xăng dầu, giá điện vẫn không thống nhất được, không minh bạch được. Rồi việc phân loại ngân hàng thương mại theo nhóm kèm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có đề ra là thực hiện 6 tháng sẽ rút kinh nghiệm nhưng sau 6 tháng cũng chả thấy rút ra điều gì, mà ngân hàng nào xin bao nhiêu cho bấy nhiêu". Về nợ xấu, ông Ân nhận xét: "Tư duy xử lý là không nhất quán. Lúc bảo nhà nước có trách nhiệm xử lý nợ xấu, lúc bảo ngân hàng tự phải trả".

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn sử dụng hình tượng mạnh mẽ hơn nữa khi bàn về nợ xấu: "Đồng ý là không thể để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Nhưng nếu tiếp tục công bố là không để ai mất tiền gửi ngân hàng thì không khác gì ngân hàng thương mại được nhà nước bảo kê. Nói nôm na, ngân hàng thương mại bắt nền kinh tế này làm con tin".

Phương án hợp lý hơn, theo ông Trần Du Lịch, là phải quốc hữu hóa những ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, mà nợ xấu lên tới trên 10%, tức là đã mất hết vốn. Ông cũng đề nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% hiện nay xuống còn 20% và bù đắp khoản hụt thu bằng cách cắt giảm 10% chi thường xuyên trong năm 2013 so với năm 2012 (ngoại trừ tiền lương và chi an sinh xã hội). TS Lịch ví von, việc này giống như khi nồi cơm vơi thì cả nhà cần bớt ăn đi một chút chứ không thể bắt những đứa con đang yếu mệt phải làm việc vất vả hơn, đóng góp nhiều hơn.

Để giải quyết căn cơ kiểu chính sách ăn đong, nhiều chuyên gia có chung đề nghị không chỉ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho riêng năm 2013 mà nên xây dựng kế hoạch tổng thể cho cả ba năm tới. Song điều đáng nói là đâu phải các cơ quan hoạch định chính sách không nhận thức được điều này! Bảo vệ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm do Bộ mình chủ trì xây dựng trước các nhà lập pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng khẳng định, một trong những cải cách đột phá đáng kể nhất chính là việc sẽ phân giao vốn theo kế hoạch trung hạn (thay vì làm hàng năm như hiện nay), giúp cho chuyện phân bổ vốn minh bạch hơn, tránh được năm nào biết năm ấy cũng như cơ chế xin - cho. Cơ chế này sẽ khiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vẻ như "chẳng còn quyền hành gì", nhưng ngành vẫn quyết tâm làm, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả hiện nay.

Có lẽ vấn đề là ở chỗ, muốn lập được kế hoạch dài hơi như vậy một cách đúng đắn, để có thể thực hiện nhất quán mà không phải nay sửa, mai đổi thì phải dự báo được khá sát tình hình, đồng thời chuẩn bị được các phương án ứng phó với mọi tình huống.

Khổ thay, đây vẫn là gót chân Asin của Việt Nam!

 Bình An

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ: Mớ bòng bong cần gỡ sớm (04/10/2012)

>   Nợ xấu: từ nhận thức đến hành động (04/10/2012)

>   Lãi suất huy động vượt trần, vẫn do thanh khoản (04/10/2012)

>   Kiều hối không chỉ là tiền (04/10/2012)

>   Lần đầu tiên công bố chi tiết cân đối ngoại tệ (04/10/2012)

>   Sập bẫy vay vốn ngoại (04/10/2012)

>   Ngân hàng yếu kém nên “âm thầm” đóng cửa (04/10/2012)

>   Nhiều ngân hàng thương mại ưu đãi lãi suất cho vay (03/10/2012)

>   Tình hình tiền giả trong 8 tháng đầu năm 2012 (03/10/2012)

>   NHNN ban hành quy định về bảo lãnh ngân hàng (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật