Thứ Năm, 04/10/2012 13:12

Nợ xấu: từ nhận thức đến hành động

Những ý kiến trong các cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ tháng 3 đến tháng 7-2012 đều cho rằng giải quyết nợ xấu là cần thiết, nhưng không đến mức phải “trầm trọng hóa”, thậm chí vẫn “trong tầm kiểm soát”. Một số ngân hàng lên tiếng có thể tự tháo gỡ nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro và lợi nhuận để lại.

Sang tháng 8-2012 thông báo báo chí về cuộc họp thường kỳ của Chính phủ viết: “Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực”. Một sự nhắc lại. Tuy nhiên, tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được Chính phủ chỉ đạo từ nay đến cuối năm phải xây dựng xong phương án xử lý nợ xấu và mua bán nợ, hoàn thành cơ sở pháp lý để giải quyết bằng được nợ xấu.

Vì sao phải đến bây giờ nợ xấu mới vào đích ngắm của những việc khẩn thiết cần làm ngay? Vì những khó khăn của nền kinh tế đang bị đẩy đến cao điểm. Năm nay, để tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,2%, thì mức tăng GDP quí 4 phải từ 6,5% trở lên. Làm thế nào để GDP “nhảy” lên mức đó khi tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp sa sút nghiêm trọng, khả năng hấp thụ vốn hầu như giẫm chân tại chỗ. NHNN cố gắng đẩy tín dụng, các ngân hàng thương mại ráng tìm cách cho vay, nhưng người vay chỉ muốn đảo nợ, chứ không sử dụng tiền vay để đầu tư sản xuất. Chưa bao giờ trong hàng chục năm qua, hết quí 3 mà tín dụng tăng trưởng chưa đầy 2,4% so với cuối năm trước như năm nay. Chính phủ mong muốn tăng trưởng tín dụng 8% cho cả năm. NHNN cho biết phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 6%. Những mục tiêu ấy ngày càng khó với tới.

Sự gia tăng đột biến của chỉ số CPI tháng 9 có thể khiến những toan tính của NHNN thay đổi. Tháng 7, NHNN còn tự tin cho rằng lạm phát tám tháng đầu năm không thể vượt quá 2-2,5% và cả năm lạm phát không thể nào vượt rào 9%. Thực tế lại luôn có lý lẽ riêng của nó. Bằng cú bứt phá tháng 9, lạm phát ba quí đã bất ngờ đánh dấu mốc 5,13%. Chưa có gì khẳng định ba tháng còn lại CPI sẽ không quá 4%, tức mức tối đa 9% dự kiến của NHNN có khả năng phá sản.

Nếu điều nói trên xảy ra, trần lãi suất huy động ngắn hạn không thể đứng ở mức hiện hành. Nó sẽ phải dịch chuyển để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Khả năng giữ nguyên lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không còn nữa. Chưa kể một khi lãi suất tiền gửi cao, kênh tiết kiệm hấp dẫn, người ta sẽ mất dần động lực đầu tư vốn làm ăn, mua sắm tiêu dùng (trừ hàng thiết yếu). Thay vào đó, họ cứ gửi tiền ngân hàng, vừa an toàn, vừa nhàn nhã.

Đến nay vốn huy động của ngân hàng tiếp tục tăng. Ngân hàng không vì vốn đầu vào tăng mà giảm lãi suất huy động. Họ vừa phải giữ khách hàng để không mất thị phần, vừa phải lo thanh khoản, đồng thời phải có nguồn dự trữ chi trả cho dân bù đắp vào số vốn đã bị đọng lại trong nợ xấu. Thêm từng ấy yếu tố níu chân lãi suất.

Cái vòng luẩn quẩn nợ xấu - lãi suất cao - doanh nghiệp ngắc ngoải - kinh tế trì trệ tưởng đã một lần bị chọc thủng khi CPI âm và ở quanh mức thấp nhiều tháng, nay quay trở lại với sự đe dọa của lạm phát. Dù muốn hay không các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xem lại việc nới lỏng đầu tư công và tiền tệ những tháng qua mặc dầu sự nới lỏng chỉ có mức độ.

Một trong những nguyên nhân làm CPI tháng 9 tăng tốc được nhận định do sự điều hành không hợp lý của một số bộ, ngành về thời điểm áp dụng giá cả dịch vụ y tế; về giá những mặt hàng liên quan đến giáo dục, năm học mới; về sự tăng giá bán lẻ xăng dầu, gas... Chưa thấy ý kiến nào nói đến yếu tố tiềm ẩn của lạm phát từ hiệu quả đầu tư giảm sút. Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 30-9-2012 đưa ra những số liệu đáng suy ngẫm. Chín tháng đầu năm nay tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 34,5% so với mức 38,3% của chín tháng đầu năm ngoái, tương tự tăng trưởng GDP là 4,78% so với 5,63%, hệ số ICOR (hiệu quả đầu tư) là 7,2 lần so với 6,8 lần.

Để xóa hẳn cái vòng luẩn quẩn, chặn đứng tiềm ẩn lạm phát bằng cách cải thiện hiệu quả đầu tư, phải bắt tay ngay vào xử lý nợ xấu. Tảng đá nợ xấu phải được nhấc ra khỏi đường, thì các phương tiện giao thông mới chạy được. Nợ xấu đã được nói đến nhiều từ khắp mọi diễn đàn, nhưng giải pháp tháo gỡ mãi vẫn chưa thấy đâu. Công ty mua bán nợ vẫn nằm trên giấy, thậm chí trên giấy cũng không rõ vốn bao nhiêu, từ nguồn nào, hoạt động do ai quản lý. Chẳng trách trả lời chất vấn của Quốc hội rằng tỷ lệ nợ xấu đến giữa năm sau giảm về bao nhiêu, Thống đốc NHNN đã không thể đưa ra con số cụ thể mà phải vòng vèo. Lần này Chính phủ giao NHNN đến cuối năm phải đề ra được khung pháp lý giải quyết nợ xấu. Liệu đây đã phải thời hạn cuối cùng?

Thành Nam

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Lãi suất huy động vượt trần, vẫn do thanh khoản (04/10/2012)

>   Kiều hối không chỉ là tiền (04/10/2012)

>   Lần đầu tiên công bố chi tiết cân đối ngoại tệ (04/10/2012)

>   Sập bẫy vay vốn ngoại (04/10/2012)

>   Ngân hàng yếu kém nên “âm thầm” đóng cửa (04/10/2012)

>   Nhiều ngân hàng thương mại ưu đãi lãi suất cho vay (03/10/2012)

>   Tình hình tiền giả trong 8 tháng đầu năm 2012 (03/10/2012)

>   NHNN ban hành quy định về bảo lãnh ngân hàng (03/10/2012)

>   Định vị DATC trong giải quyết nợ xấu ngân hàng (03/10/2012)

>   Ngân hàng gửi nhau hàng trăm nghìn tỷ đồng (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật