Lãi suất huy động vượt trần, vẫn do thanh khoản
Tình trạng vượt trần lãi suất huy động đối với khách hàng dân cư lại tái diễn, dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực tế đang cho thấy thanh khoản không bền vững ở một số ngân hàng nhỏ.
Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, thị trường tiền tệ ngân hàng xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo cần được quan tâm sát sao. Lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng vượt trần quy định từ đầu tháng 9. Đó là chỉ báo cho thấy một số ngân hàng có thể có khó khăn về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại. Doanh số giao dịch liên ngân hàng tháng 9 giảm khoảng 60%.
Thực tế, từ đầu tháng 9, lãi suất huy động ngắn hạn trên thị trường dân cư bắt đầu “nổi sóng” nhưng một tuần trở lại đây, lãi suất huy động dài hạn cũng đã “nổi loạn”. Nhân viên giao dịch một NHTM cho biết, chị vừa đón món tiền gửi 5 tỷ đồng của khách hàng “chạy” về từ một ngân hàng khác với lãi suất 13%/năm, kỳ hạn 13 tháng và rút gốc linh hoạt.
Báo cáo về hoạt động của các TCTD từ ngày 17 - 21/9 của NHNN cũng cho thấy, tổng giá trị giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 83.377 tỷ đồng, bình quân khoảng 16.675 tỷ đồng/ngày, chủ yếu là giao dịch kỳ hạn ngắn. Giá trị giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng VND đạt 59.032 tỷ đồng, tương đương 71% tổng giá trị giao dịch. Trong khi đó, trong tuần từ 10 - 14/9, tổng giá trị giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 89.474 tỷ đồng, bình quân khoảng 17.895 tỷ đồng/ngày. Doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng VND đạt khoảng 69.693 tỷ đồng, tương đương 78% tổng doanh số giao dịch. Lãi suất liên ngân hàng khá ổn định, với mức lãi suất vay qua đêm 3%/năm; kỳ hạn 1 tuần là 3,5%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 5,5%/năm; 3 tháng là 7%/năm, 6 -12 tháng là 8%/năm.
Tình hình giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đang chững lại, được Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một NHTM nhìn nhận là do Thông tư 21/2012 của NHNN siết chặt hơn điều kiện đi vay trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì thế, để giải quyết bài toán thanh khoản, một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm hút tiền gửi trong khối dân cư. Điều này thể hiện thanh khoản không bền vững của một số ngân hàng nhỏ.
Cũng theo vị phó tổng giám đốc này, thanh khoản của một số ngân hàng cũng chịu tác động nhất định của sự biến động trên thị trường vàng thời gian qua. Đầu tuần này, giá vàng tiến sát mốc 48 triệu đồng/lượng, ở mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2,9 triệu đồng/lượng. Trong quý III, vàng đã tăng giá tới 5,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng biến động mạnh thời gian qua ngoài nguyên nhân là do giá vàng thế giới tăng cao, còn được lý giải là do hiệu ứng chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN. Dù NHNN đã công bố sẽ chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các NHTM từ ngày 25/11/2012, nhưng đến nay, thị trường vẫn chưa có thông tin về chính sách xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau đó ra sao.
“Người dân dù không xếp hàng để mua vàng nhưng vẫn có một lượng không nhỏ rút tiền tiết kiệm chuyển sang mua vàng tích trữ do lo ngại bất ổn của hệ thống ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Bên cạnh đó, không ít ngân hàng cũng “khát” tiền đồng để mua vàng nhằm cân bằng trạng thái khi người dân rút vàng mang về cất ở nhà”, một quan chức cao cấp của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ.
Theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, các dấu hiệu trên đây diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, nếu không được khắc phục sớm rất dễ tạo hiệu ứng cộng hưởng gây tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng lớn tới việc kiểm soát thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm.
Báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị, NHNN cần sớm nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25/11/2012 khi các NHTM chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng và sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế liên quan đến vàng, bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế… Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường tiền tệ liên ngân hàng để thị trường tiền tệ liên ngân hàng đóng vai trò là nơi điều tiết tiền tệ; giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng khó khăn tạm thời và NHNN với tư cách là “người cho vay cuối cùng”, chỉ can thiệp hỗ trợ khi thị trường không điều tiết được.
Những giải pháp ngắn hạn này cùng với giải pháp mang tính cơ bản hơn là giải quyết nợ xấu ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng sẽ tạo nền tảng để khắc phục một cách cơ bản những bất cập hiện nay trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất.
Nhuệ Mẫn
đầu tư chứng khoán
|