Thứ Hai, 08/10/2012 16:17

Khi EVN thừa... điện!

Đây chính là thời điểm để EVN điều chỉnh, giảm độ "nóng" của tăng trưởng điện, để cải thiện, giải quyết nhiều vấn đề mà ngành này đang gặp phải.

 

Một câu chuyện đáng chú ý tuần qua là trong một báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết do nước về nhiều, thủy điện thuận lợi nên hệ thống điện quốc gia đang "dư thừa năng lực phát so với nhu cầu phụ tải hiện nay".

Điều này không thể gọi là "thành tích" của EVN dù trong nhiều năm qua, rất hiếm khi, nhu cầu điện được đáp ứng đầy đủ, thậm chí dư thừa công suất phát điện. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm này, nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh kể cả khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực dân cư. Sản xuất tiếp tục đình đốn, hàng hóa tồn kho, nhiều doanh nghiệp phá sản, thu hẹp qui mô sản xuất thì đương nhiên, nhu cầu sử dụng điện sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, ở miền Bắc, thời tiết đã mát mẻ, lại thêm đời sống kinh tế khó khăn, người dân cũng tự tiết giảm điện trong sinh hoạt. Đương nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ giảm.

Có một điều rõ ràng là EVN đã không dự báo được về tình hình suy giảm kinh tế. Các bản quy hoạch điện VI và qui hoạch điện VII, vẫn xác định tăng trưởng phụ tải điện ở mức cao, theo các phương án tăng trưởng kinh tế mức cao. Đi cùng với nó là các kế hoạch phát triển nguồn điện, đầu tư để tương ứng với các mức tăng trưởng đó. Nhưng không có nghĩ là cứ kinh tế suy giảm, sản xuất đình trệ là EVN dễ dàng điều chỉnh, giảm đầu tư, giảm số dự án, giảm qui mô các công trình nguồn điện đã và đang xây dựng. Do đó, một khi kinh tế lâm vào khó khăn, tăng trưởng không được như dự kiến, tiêu thụ điện giảm nhanh thì dẫn đến hệ quả là dư thừa công suất phát điện.

Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là một yếu tố tiêu cực và có thể khẳng định ngay là một sự lãng phí. EVN hoàn toàn có thể có những điều chỉnh cần thiết để đưa hoạt động đầu tư, sản xuất điện năng vào một qui mô hợp lý.

Theo như chính sự khẳng định của EVN, trong nhiều năm liên tục vận hành, hệ thống phát điện luôn trong tình trạng quá tải; nhiều nhà máy điện, nhiều tổ máy phát điện không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời. Thì đây, chính là thời điểm có thể đưa các tổ máy, nhà máy đó nghỉ, ra ngoài hệ thống đang phát điện để duy tu, bảo dưỡng, để chúng tiếp tục trở lại, vận hành tốt.

Thứ hai, EVN có thể đàm phán, giảm bớt việc mua điện từ Trung Quốc (cao hơn cả giá mua trong nước), để giảm bớt kinh phí, thiệt hại do chênh lệch mua bán điện từ nước ngoài. Và việc này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm sự lệ thuộc vào năng lượng điện từ nước này.

Thứ ba, nếu như tình hình sản xuất, kinh doanh còn kéo dài, việc huy động sản lượng điện từ các nguồn phát thủy điện tiếp tục được thuận lợi như thời gian qua, EVN hoàn toàn chủ động được việc điều chỉnh lại hệ thống nguồn điện, các dự án đang chuẩn bị đầu tư hiện nay theo Tổng sơ đồ phát triển điện VII. Đó là việc rà soát, loại bỏ ngay các công trình, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Trong đó là các dự án thủy điện nhỏ, có thể đang đặt ở những vị trí không tốt: ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền Trung; các dự án điện chạy than ở một số vùng đô thị chưa đảm bảo môi trường...

Một điểm quan trọng khác là: tăng trưởng kinh tế năm nay và những năm tới nhiều khả năng không đạt kế hoạch 5 năm 2011-2016 như Quốc hội, Chính phủ đặt ra, thì EVN cần phải tính toán lại, điều chỉnh lại qui mô, tổng mức đầu tư theo Tổng sơ đồ phát triển điện VII để giảm số tiền phải đi vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, cân bằng hơn về tài chính. Đặc biệt, có thể cân đối lại để lùi kế hoạch đầu tư, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận-những dự án đòi hỏi trình độ rất cao về quản lý, về công nghệ mà nếu khả năng kiểm soát, quản lý không tốt, công nghệ được lựa chọn không phù hợp sẽ có những nguy cơ lớn về đe dọa làm mất an toàn, gây thảm họa về môi trường...

Các con số do chính EVN cung cấp cho báo chí trong tuần đã có thể đưa đến khẳng định, mức tăng trưởng điện năng hiện nay vẫn là khá cao, và việc sử dụng điện kém hiệu quả rất nhiều so với các nước trong khu vực và cần phải có những hướng điều chỉnh cần thiết để phù hợp với mức độ tăng trưởng kinh tế, tránh sự lãng phí đầu tư, lãng phí nguồn điện. Cụ thể, theo EVN, trong quý I, GDP tăng 4% thì điện đã tăng 10,2%. Quý II, GDP tăng 4,66% thì điện tăng tới 14%, quý III, tăng trưởng GDP đạt 5,35%, điện tăng 10,37%. Trong cả 9 tháng, GDP tăng 4,73% nhưng điện tăng tới 11,56%...

Cho dù nói rằng, "điện phải đi trước một bước", tăng trưởng điện năng vẫn phải cao hơn tăng trưởng kinh tế một chút, để có nguồn điện dự phòng cho khả năng, tăng trưởng kinh tế phục hồi, thậm chí tăng cao trở lại. Nhưng để tăng trưởng điện năng cao gấp 2-3 lần tăng trưởng GDP hiện nay, theo các chuyên gia về năng lượng, chuyên gia kinh tế, đó thực sự là mức tăng trưởng không còn phù hợp.

Do đó, có thể nói, đây chính là thời điểm để EVN điều chỉnh, giảm độ "nóng" của tăng trưởng điện, để cải thiện, giải quyết nhiều vấn đề mà ngành này đang gặp phải: thiếu vốn đầu tư, mất cân bằng tài chính; qui hoạch điện còn lộn xộn, nhất là hệ thống thủy điện; sự lệ thuộc vào nguồn điện mua của nước ngoài...

Trung Ngôn

tuần việt nam

Các tin tức khác

>   Khó khăn, Vinacomin xin miễn nhiều loại thuế (08/10/2012)

>   Doanh nghiệp đối diện 'hố tử thần' (08/10/2012)

>   “Không cần thiết đánh giá sâu về động đất kích thích” (08/10/2012)

>   Bôxít Tân Rai trước ngày chạy thử (08/10/2012)

>   Xây dựng Cát Bi thành cảng hàng không quốc tế (08/10/2012)

>   Thảm cảnh nợ lương: DN cùng đường, 'cắt cơm' nhân viên (08/10/2012)

>   Cá tra rớt giá và khó tiêu thụ (06/10/2012)

>   Gỡ nút thắt nợ xấu cho DNNN (06/10/2012)

>   Giải tán hai tập đoàn: Ồn ào chuyện hợp - tan (06/10/2012)

>   Cả nước sẽ xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo trong quý 4 (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật