Thứ Bảy, 06/10/2012 08:12

Giải tán hai tập đoàn: Ồn ào chuyện hợp - tan

Bằng quyết định mới nhất, Chính phủ đã “trả về nguyên trạng” 11 tổng công ty 90 vốn đã được “gom” vào trong hai tập đoàn xây dựng trong vòng gần 3 năm qua.

Lịch sử phát triển của nền kinh tế Việt Nam có lẽ sẽ ghi nhận đây là một trong những hành động điều chỉnh đáng kể trong điều hành kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình hợp và tan của hai tập đoàn Sông Đà và HUD cũng có rất nhiều chuyện đáng nhớ và đáng nói.

Trường hợp Lilama

Trong Bộ xây dựng, Tổng công ty xây dựng Sông Đà thuộc hàng "hoành tráng" nhất. Kế thừa truyền thống và có đội ngũ lãnh đạo và nhân viên hùng hậu, lại gần như độc chiếm lĩnh vực xây dựng thủy điện, tổng công ty này luôn trong Top dẫn đầu ngành xây dựng.

Kết thúc năm 2005, thời điểm ý tưởng về các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời, Sông Đà đạt tổng giá trị sản xuất kinh doanh 7.375 tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện 260 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho gần 30.000 người với thu nhập bình quân trên 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Nhưng ngành xây dựng còn đó những doanh nghiệp lớn khác có những thé mạnh và tạo lập những vị thế riêng như trường hợp của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama).

Cùng thời điểm cuối năm 2005, giá trị sản xuất kinh doanh của Lilama đạt 6.121,6 tỉ đồng, nộp ngân sách 78,7 tỉ đồng, có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 129 triệu USD và thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên cũng đã đạt gần 1,7 triệu đồng/người/tháng.

Khi ý tưởng về việc hình thành các tập đoàn kinh tế được đưa ra, đã diễn ra một cuộc đua ngầm. Bề ngoài, các tổng công ty cũng liên tục công bố tham vọng "lên tập đoàn" của mình, từ mức ý tưởng đến các chiến lược rất cụ thể.

Tháng 2/2009, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2009 của Lilama, Đề án thành lập Tập đoàn Công nghiệp nặng Việt Nam trên cơ sở lấy Lilama làm nòng cốt đã chính thức được công bố.

Thời điểm đó, ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Lilama, người đã hai lần nhận danh hiệu Anh hùng lao động, nói chiến lược phát triển trong thời gian tới của Lilama sẽ là "xem xét thu hẹp việc đầu tư ra những lĩnh vực khác mà tập trung chuyên nghiệp hóa khả năng làm tổng thầu EPC, vai trò mà Lilama đã hoàn thành xuất sắc tại những dự án trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2; Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1; Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất".

Và ngay chính thời điểm có những tranh luận về đưa Lilama về làm thành viên Tập đoàn Sông Đà, không chỉ từ phía Lilama mà ngay nhiều chuyên gia có khí, công nghiệp cũng tỏ ra chưa thuận. Họ cho rằng, Lilama có thế mạnh riêng và sẽ bất lợi khi hợp nhất và một tập đoàn xây dựng chung.

Vào đầu năm 2010, Lilama nhận quyết định "nhập" về Tập đoàn Sông Đà nhưng vẫn còn có nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự gượng ép.

Ông Phạm Hùng, người từng được xem là "linh hồn" của Lilama, chỉ nhận chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn mới. Một thời gian dài, với vai trò Phó chủ tịch, không thấy ông xuất hiện hay có phát biểu nào "đáng kể" nữa. Tháng 10/2011, ông nhận quyết định "nghỉ hưu theo chế độ".

Không như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, ngành xây dựng có đặc thù riêng, trong đó yếu tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong lịch sử phát triển của những tổng công ty như Sông Đà hay Lilama, có những cá nhân đã trở thành biểu tượng và khi bị ghép chung trong một tấm áo mới, rất khó để họ duy trì được động lực để tiếp tục phát triển. Dưới tấm áo tập đoàn, dù không nói ra, lãnh đạo của nhiều tổng công ty trước đây rõ ràng không hài lòng và thoải mái làm việc.

Thực tế, không phải không có chuyện, cùng về dưới mái nhà chung tập đoàn, nhưng mối quan tâm của các lãnh đạo tập đoàn đối với các tổng công ty, công ty thành viên là khác nhau. Từ phía các tổng công ty, công ty trực thuộc, tấm áo tập đoàn cũng không mang nhiều lơi ích và chưa tạo ra được phối hợp như mong muốn và nếu không nói sự gộp chung các tổng công ty thành tập đoàn còn gây ra phiền toái trong quản lý, điều hành và kinh doanh.

Về lại với "bộ chủ quản"

Trả lời trên báo điện tử chính phủ, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nói "việc thí điểm có thể thành công, có thể không thành công và nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh".

Ông Muôn nói vậy, nhưng hàng vạn cán bộ và nhân viên của hai tập đoàn xây dựng hẳn có nhiều tâm tư khác. Một khối lượng công việc đồ sộ, chủ yếu về mặt hành chính, đã được tiến hành với rất nhiều chi phí thời gian và tiền bạc, để hình thành nên hai tập đoàn. Nay, chi phí tương tự cũng có thể phải chi, hoặc từ ngân sách của chính phủ, hoặc chính các tổng công ty sẽ phải tự gánh lấy.

Nhưng, quan trọng hơn hết vẫn không phải là chuyện mô hình nào. Điều đáng nói vẫn là, sau khi được "trở về nguyên trạng" các tổng công ty xây dựng sẽ hoạt động như thế nào.

Đang có những lo ngại về việc, về lại mô hình tổng công ty, nhưng về bản chất thì vẫn thuộc Bộ Xây dựng, và do đó, tính chất "chủ quản" sẽ vẫn đậm nét. Một quyết định đầu tư, thay vì để tập đoàn xin phép Thủ tướng, từ nay các tổng công ty sẽ trình lên xin... Bộ trưởng Bộ xây dựng.

Mong mỏi của rất nhiều chuyên gia kinh tế lâu nay về việc tách rời chức năng quản lý nhà nước và "chủ quản doanh nghiệp", một lần nữa, có nguy cơ tiếp tục trở nên xa xỉ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bản báo cáo kinh tế mới nhất của Ủy ban kinh tế Quốc hội mà chúng tôi từng trích dẫn, phần khuyến nghị nhấn mạnh rằng đây là thời điểm cần làm rõ vai trò và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, theo đó quản lý nhà nước là thuộc chức năng công quyền, còn quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc chức năng kinh doanh, là thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

Nếu không làm được như vậy, câu chuyện quản lý các doanh nghiệp nhà nước sẽ còn tiếp tục làm đau đầu các cấp lãnh đạo, trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang ghi nhận những lợi ích đan xen giữa các nhóm lợi ích khác nhau.

Mấy ngày qua, nhiều tờ báo đưa tin rằng việc Chính phủ quyết định giải tán hai tập đoàn xây dựng là dựa trên đề xuất của Bộ xây dựng. Trên thực tế, theo văn bản bộ này gửi tới Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 19/9 vừa qua, bộ này chỉ "đề nghị không đưa Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam vào danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty cần thiết do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện một số quyền của chủ sở hữu; đồng thời phân công cho Bộ quản lý ngành trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các Tập đoàn, Tổng công ty này". Tới đây, câu chuyện về với bộ chủ quản sẽ rõ hơn?.

Yến Thanh

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Cả nước sẽ xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo trong quý 4 (05/10/2012)

>   Kim ngạch thương mại Việt-Hàn đạt hơn 18 tỷ USD (05/10/2012)

>   Công trình điện của PVN và EVN giải ngân chậm (05/10/2012)

>   Nhà máy thủy điện của EVN sai sót hàng chục tỷ đồng (05/10/2012)

>   Vinashin tiếp tục gặp khó khăn (05/10/2012)

>   Mở rộng Khu kinh tế Dung Quất lên gấp 4 lần (05/10/2012)

>   Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ (05/10/2012)

>   Doanh nghiệp nhà nước: Ai lãng phí, ai tiết kiệm? (05/10/2012)

>   DPM dự báo thị trường Urê cuối năm: Cung vượt xa cầu (05/10/2012)

>   Mất ghế người đại diện nếu làm thất thoát vốn (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật