Đánh giá tác động của thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A
“Không cần thiết đánh giá sâu về động đất kích thích”
Tích nước hồ thuỷ điện có nguy cơ xảy ra động đất kích thích, nhưng viện Môi trường và tài nguyên (đại học Quốc gia TPHCM), đơn vị do tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) thuê đánh giá tác động môi trường thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, cho biết: không cần thiết phải nghiên cứu đánh giá sâu về vấn đề này.
Theo bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, trong thời gian hoạt động, với dung tích hồ chứa 31,17 triệu m
3
, việc tích nước hồ chứa thuỷ điện có thể gây ra động đất kích thích, trong giai đoạn đầu thường làm cho các mạch nước thấm vào đới đứt gãy. Nếu việc tích nước này gặp đúng vào dịp đới đứt gãy hoạt động, sẽ làm phá vỡ áp suất trong đất đá kích thích động đất xảy ra. Khi động đất xảy ra có thể gây hư hỏng chủ yếu đối với đập ngăn nước (đối với đập đất là nứt nẻ bề mặt hoặc trượt mái; với bêtông trọng lực là gãy trụ đỡ cầu giao thông hoặc trụ van cung; với đập là gãy vòm; với cầu máng là gãy trụ hoặc máng dẫn…).
Tuy nhiên, theo phản biện của các chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, phần đánh giá về động đất và động đất kích thích của hai công trình chưa được nghiên cứu, mà chỉ dựa trên tổng kết của thế giới về điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích. Điều này là không đúng. Bài học thuỷ điện Sông Tranh 2 cho thấy, động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án. Trong khi, ngay trong bản ĐTM của viện Môi trường và tài nguyên đã chỉ rõ: “Cấu trúc địa chất vùng hồ chứa chịu ảnh hưởng của các đứt gãy cấp IV và V, bên cạnh đó công trình nằm gần (khoảng 5km) đứt gãy sinh chấn Củ Chi – Tuy Hoà. Với các số liệu hiện có, trong giai đoạn này công trình nằm trong vùng phát sinh động đất ở cường độ chấn động cấp 7/12...”
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Phước, viện trưởng viện Môi trường và tài nguyên, cho biết đánh giá tác động môi trường là đánh giá tác động các vấn đề rác thải, nước thải,... gây ảnh hưởng môi trường như thế nào, chứ không làm đánh giá, nghiên cứu động đất nội tại và động đất kích thích; đây là nhiệm vụ của bên xây dựng, thiết kế dự án. Việc ĐTM đề cập đến nguy cơ động đất kích thích vì về mặt nguyên tắc, thì cần phải có nội dung này cho các vấn đề sự cố dự phòng. Cũng theo ông Phước, không cần phải nghiên cứu, đánh giá động đất kích thích nữa, bởi vì, với lưu vực Đồng Nai, hàng loạt thuỷ điện đã làm hoàn toàn không xảy ra động đất kích thích (!).
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, GS.TSKH Lê Huy Bá, viện trưởng viện Khoa học môi trường, đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cho rằng, nói đánh giá dư chấn, động đất không phải công việc của đánh giá tác động môi trường là không đúng, bởi vì đây cũng là diễn biến môi trường liên quan, nằm trong phạm vi lãnh thổ dự án. “Khi đã xác định có nguy cơ xảy ra động đất kích thích khi làm thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, thì rất cần có một nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về vấn đề này, chứ không thể nói chung chung như vậy”, ông Bá nói.
Trên 11.130ha hạ du bị ngập nếu vỡ hai đập
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả chạy mô hình cho thấy, tổng diện tích ngập nếu xảy ra vỡ một đập thuỷ điện Đồng Nai 6A ở hạ du là 7.571,77ha, phạm vi ngập xảy ra chủ yếu ở các xã: Đăng Hà, Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; xã Đức Phổ, Gia Viễn, Mỹ Lâm, Nam Ninh, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và xã Dăk Lua, Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, xã có diện tích ngập nhiều nhất là xã Dăk Lua, huyện Tân Phú lên đến 1.480,45ha và thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên: 1.063,71ha. Khi sự cố vỡ hai đập xảy ra sẽ làm tăng diện tích ngập vùng hạ du lên đến 11.130ha.
|
Lê Quỳnh
Sài Gòn Tiếp thị
|