Doanh nghiệp đối diện 'hố tử thần'
Trải qua những năm “lên bờ xuống ruộng” cùng với những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, các DN Việt Nam đã gần như kiệt sức. Thế nhưng, chặng đường phía trước vẫn đầy cam go khi phải đối mặt với nợ xấu, hàng tồn kho, nhu cầu thị trường suy giảm... đó như là những “hố tử thần” đang chờ đợi các DN.
Thiếu vốn: Khô hạn mạch sống
Chiếc hố thứ nhất là chính dòng "mạch sống" của bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào - cơn khát vốn. Từ đầu năm 2011, hàng loạt doanh nghiệp đã kêu cứu trước lãi suất vay lên đến 20%. "Kẹt vốn", kế hoạch kinh doanh trở nên đóng băng, guồng máy sản xuất bắt đầu trì trệ.
Chênh lệch giữa huy động và cho vay của ngân hàng Việt Nam lên đến 6%, đã đẩy lãi suất vay lên cao ngất ngưởng. Điều đáng nói là sự chênh lệch này có phần không nhỏ từ những chi phí không hiệu quả của các ngân hàng.
Với 180.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư phát triển cả năm 2012, và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp ước tính tổng cộng 36.000 tỷ đồng, Chính phủ đã nỗ lực hết sức nhằm "hạ nhiệt" lãi suất vay cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng bước vào một chiến dịch hạ nhiệt lãi suất, đẩy mạnh cung vốn ra DN. Có vốn nhưng việc tiếp cận đâu có dễ vì vướng lực cản từ nợ xấu. Vì nếu doanh nghiệp bị liệt vào "danh sách đen" có nguy cơ nợ xấu thì khó có ngân hàng nào can đảm duyệt kế hoạch cho vay vốn.
Nhưng quan trọng hơn là chính từ phía các ngân hàng, với nỗi ám ảnh khoản nợ xấu đang lớn dần, khiến mỗi ngân hàng phải tập trung xử lý và thận trọng hơn trong việc cho vay. Chính vì thế, mới có chuyện vốn bơm ra nhiều nhưng DN vẫn không tiếp cận được.
Dường như cả hai bên đều đang có những khoảng cách rất khó vượt qua. Đó được ví như là sự cản trở của "hố tử thần" khiến không ai dám bước qua. Vốn vẫn có, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng DN lại không có tiền để đầu tư, nguồn lực đang đọng lại trong sự nuối tiếc và mong chờ.
Chiếc hố tử thần thứ hai đến từ những chính sách thắt lưng buộc bụng giữa năm 2011 của Chính phủ để kìm chế lạm phát. Chính sách thắt chặt để chống lạm phát đã khiến cho nền kinh tế như "bị hãm phanh" và điều tất yếu đã xảy ra. Khi tín dụng thắt chặt, lạm phát giảm thì cũng là lúc nhiều ngành kinh tế rơi vào đình trệ, khó khăn.
Biểu hiện dễ thấy nhất chính là tồn kho tăng cao. Từ BĐS cho đến sản xuất tiêu dùng... đâu cũng chứng kiến thảm cảnh ế ẩm hàng hóa. Hàng tồn kho chất cao, DN không sản xuất mà nằm im chờ đợi. Hàng tỷ USD tiền vốn, công sức đóng cứng trong các nhà kho, các nhà máy phủ bụi và khu đô thị bỏ hoang...
Bao nhiêu nguồn lực đã dồn vào sản xuất nay đóng băng, khiến DN kiệt sức. Nhưng quan trọng hơn, khi tồn kho chất cao, máy móc không vận hành, công nhân không có lương... tinh thần kinh doanh cũng theo đó mà suy giảm. Đây có lẽ là tác động sâu xa nhất mà chiếc hố thứ hai đã gây ra.
Cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng chính là chiếc hố tử thần cuối cùng. Trong bối cảnh "bài ca tăng giá" của xăng, điện, nước mà lương thì vẫn ì ạch, đa phần người dân Việt đều phải chọn cách cắt giảm chi tiêu. Dù hàng loạt những chính sách kích thích sức mua như giảm giá, vay ưu đãi, khuyến mãi nhưng bức tranh tổng cầu của người tiêu dùng vẫn mang màu ảm đạm.
Kéo theo đó, hàng tồn kho bắt đầu "ứ dồn", tiêu biểu như ngành công nghiệp chế biến tăng 21% so với cùng kỳ. Theo bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, chi phí bảo quản đang trở thành gánh nặng trước sức ép lợi nhuận của doanh nghiệp.
Không chỉ thị trường nội địa bị thu hẹp, thị trường quốc tế cũng chứng kiến sự mất điểm của doanh nghiệp Việt. Bối cảnh khủng hoảng chung của thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt và tư duy ngắn hạn của một số bộ phận khiến không ít doanh nghiệp đánh mất niềm tin trong mắt người tiêu dùng.
Khó khăn bên ngoài bủa vây doanh nghiệp chưa dứt thì chính bên trong doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ mới, đó là cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đáp ứng thì không ít nhân viên đã "rũ áo ra đi". Thời điểm đen tối này cũng là lúc nhiều công ty "đục nước béo cò" thôn tính những doanh nghiệp yếu ớt. Và thực tế này về lâu dài sẽ lại tạo ra một "hố tử thần" khác đe dọa sự phát triển bền vững của DN
Lãnh đạo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải cảnh báo rằng không ít doanh nghiệp sẽ "chết đắng" do năng lực quản lý và nhân lực yếu kém.
Có thể nói đây là một cuộc đào thải nghiệt ngã nhất của kinh tế nước nhà. "Lửa thử vàng", khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Tín hiệu khả quan từ tổng cầu hiện nay là niềm hy vọng cho các doanh nghiệp tìm thế vực dậy. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 7-7,5%, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng 6,9%. Việc còn lại là các doanh nghiệp đã có thể tận dụng được những cơ hội trong tay để thoát hiểm và lấy lại tốc độ trên đường phát triển của mình.
Thiên Thuận - Vân Anh
Diễn đàn kinh tế việt nam
|