Thứ Ba, 30/10/2012 13:20

Iceland trảm ngân hàng, bắt chủ nhà băng

Khi cả thế giới đưa tay giải cứu ngân hàng, thì Iceland quyết định chọn cách bắt giữ chủ nhà băng. Giờ đây, nền kinh tế quốc gia Bắc Âu đang phục hồi nhanh hơn toàn bộ EU cũng như Mỹ.

Trảm ngân hàng

Giữa tình hình căng thẳng năm 2010, chính phủ liên minh ở Iceland đã tiến hành cuộc điều tra xác định ai phải trách nhiệm pháp lý cho cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời bắt giữ một số chủ ngân hàng và các nhà điều hành cấp cao có liên quan chặt chẽ tới nhiều hoạt động rủi ro cao. Thậm chí, Interpol còn phát lệnh truy nã quốc tế đối với Sigurdur Einarsson, cựu chủ tịch một ngân hàng.

Nhiều người Iceland rất tán thành quyết định táo bạo của chính phủ khi mở rộng điều tra hình sự trong lĩnh vực tài chính. Nhiều thành viên của tầng lớp “đẳng cấp” ngân hàng cũ bị xác định là nghi phạm, một số bắt đầu bị đem ra xét xử, một số bị kết án...

 

Ngân hàng Trung ương Iceland cho hay, cùng với sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, các rủi ro trong công nghiệp tài chính cũng giảm dần. Trong năm 2008, kinh tế Iceland gần như bên bờ vực thẳm khi ba chủ cho vay lớn sụp đổ với khoản nợ 85 tỉ USD. Iceland đã không giải cứu các ngân hàng. Thất bại từ hệ thống ngân hàng buộc Iceland phải vay 4,6 tỉ USD từ IMF.

Trong năm đầu tiên sau đó, kinh tế giảm sút nhưng bắt đầu dần hồi phục. Iceland đã hoàn tất chương trình kinh tế 33 tháng trong tháng 8 năm trước. Tháng 3 năm nay, Iceland bắt đầu hoàn nợ vay của IMF trước hạn. Chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng hình thức kiểm soát vốn, có thể kéo dài đến năm sau.

Quay về truyền thống

Chương trình phục hồi của Iceland đã được Paul Krugman - người giành giải Nobel Kinh tế, cũng như IMF ca ngợi bất chấp quốc gia Bắc Âu thực thi các chính sách “phi chính thống”. Chính phủ nước này đã chuyển sự tập trung kinh tế từ ngân hàng - lĩnh vực được cho là nguyên nhân gây ra thảm hoạ kinh tế - sang theo đuổi những ngành nghề truyền thống như đánh bắt cá và du lịch.

Thủ tướng Johanna Sigurdardottir dự đoán trong năm tới, thâm hụt ngân sách có thể hầu như không còn. IMF trong tháng 4 cho hay, kinh tế Iceland sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay (nhiều người còn dự đoán là ở mức 2,8%). Trong khi đó, con số mà IMF dành cho khu vực đồng euro là -0,3%.

“Mọi thứ đã quay trở lại”, Adalheidur Hedinsdottir, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê Kaffitar, nói. Bà có kế hoạch mở thêm cửa hàng mới và bắt tay vào kinh doanh bánh ngọt. “Khi chúng tôi nói với ngân hàng về công ty mới, họ hỏi tôi có cần mượn tiền. Trong khoảng thời gian dài, chúng tôi chưa từng nghe thấy điều này”.

Các nhà phân tích tập trung vào kỳ tích “thoát hiểm” của Iceland như sự kết hợp giữa các quyết định bất ngờ và cả điều may mắn. Họ cũng cảnh báo các bài học lội ngược dòng của Iceland không dễ dàng áp dụng với các nền kinh tế lớn hơn, phức tạp hơn của châu Âu.

Nhưng trong toàn bộ cuộc khủng hoảng, quốc gia này làm rất nhiều điều khác biệt so với các đối tác châu Âu. Iceland để ba ngân hàng lớn nhất sụp đổ, thay vì chìa tay cứu vớt. Họ khiến những chủ cho vay nước ngoài chịu trách nhiệm nhận phần lỗ chứ không phải người đóng thuế. Tiền giải cứu ngân hàng, Iceland dành để tập trung các nguồn lực phục vụ chính sách phúc lợi, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp; chính phủ đảm bảo người gửi tiền trong nước được nhận tiền trở lại, giảm nợ cho các chủ sở hữu nhà đất gặp khó khăn cũng như doanh nghiệp đối mặt với phá sản.

Thorolfur Matthiasson, giáo sư kinh tế tại Đại học Iceland đánh giá: “Giảm nợ đối với những trường hợp này có thể mang lại lợi ích cho các tổ chức tài chính và trợ giúp nền kinh tế, làm giảm tỉ lệ thất nghiệp”.

Dĩ nhiên, Iceland có một số lợi thế khi bước vào cuộc khủng hoảng: đó là nợ chính phủ tương đối ít, một mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ và sự linh hoạt của đồng bản tệ. Các quan chức chính phủ - những người tuy đứng ở đỉnh cao cuộc khủng hoảng - đã hạn chế vay nợ từ các nước.

Iceland của thời hiện tại khác hẳn lúc vật lộn giữa bão tài chính 2008. Cạnh Harpa - đại sảnh xây dựng bằng kính và thép, một trung tâm hội nghị vút cao giữa Thủ đô Reykjavik, là một công trường xây dựng khổng lồ mà người chủ lao động được hỏi đã trả lời rằng, thay vì sa thải công nhân, đôi khi họ gặp khó khăn khi tìm thuê người làm.

Thái An (tổng hợp)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Kinh tế Nhật trước nguy cơ tê liệt (30/10/2012)

>   Các ngân hàng Trung Quốc chuyển khỏi London (29/10/2012)

>   Ông chủ Deutsche Bank và những bí ẩn chưa giải mã? (Kỳ 2) (29/10/2012)

>   Ông chủ Deutsche Bank và những bí ẩn chưa giải mã? (Kỳ 1) (26/10/2012)

>   Đức đứng trước nguy cơ suy thoái (29/10/2012)

>   Thêm một ngân hàng Anh bị điều tra vì vụ "Libor" (28/10/2012)

>   "Canada nên trở thành mô hình kinh tế của thế giới" (28/10/2012)

>   Moody's cảnh báo hạ xếp hạng 6 ngân hàng Canada (28/10/2012)

>   Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lập kỷ lục 25% (28/10/2012)

>   Quốc hội Indonesia thông qua ngân sách năm 2013 (27/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật