Thứ Hai, 29/10/2012 16:24

Ông chủ Deutsche Bank và những bí ẩn chưa giải mã? (Kỳ 2)

Nhiều giả thiết được đưa ra. Song cho đến ngày nay vụ ám sát người đứng đầu Deutsche Bank vẫn chưa được giải mã và vẫn được coi là một trong những vụ ám sát mang tính chính trị được thiết kế tinh vi nhất trong lịch sử của nhân loại.

* Kỳ 1: Vụ nổ kinh hoàng ở Frankfurt

Kỳ 2: Bí ẩn chưa giải mã?

Trên cương vị Chủ tịch Deutsche Bank, Herrhausen đã quan tâm tích cực tới các vấn đề tài chính của các nước thế giới thứ ba. Ông đã đứng ra vận động để giảm nợ cho các nước này. Hành động của ông đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế và đồng thời cũng gây ra sự phản đối mãnh liệt trong thế giới tài chính Anh - Mỹ. Herrhausen được lựa chọn là mục tiêu tấn công không chỉ vì ông là người đứng đầu Deutsche Bank danh tiếng và uy quyền, mà còn vì ông đã tốt nghiệp trường Feldafing, một trường đặc biệt của Đức Quốc xã. Trong trường hợp này, “Wolfgang Beer” hoàn toàn có lý khi cho rằng có sự kết nối chặt chẽ giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa tư bản ở Tây Đức vào thời điểm đó.

Trụ sở Deutsche Bank. (Ảnh: ST)

Mặc dù nhóm “Wolfgang Beer” đã nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng cảnh sát không thể có bằng chứng chứng minh nhóm này có liên quan trực tiếp. Cuộc điều tra kéo dài đến năm 1991 nhưng đã không có được mấy tiến triển. Sau đó các nhóm thám tử tư đã vào cuộc và tìm ra được một nhân vật được cho là có liên can đến việc tổ chức vụ ám sát. Người đó tên là Siegfried Nonne, một nhà hoạt động cánh tả có tiếng ở Frankfurt.

Theo các thám tử tư, trong suốt quãng thời gian cho đến trước năm 1986, Siegfried Nonne luôn cố gắng tìm mọi cách để xâm nhập vào hàng ngũ nhân viên của Deutsche Bank và đã thuê một căn hộ gần khu vực xảy ra vụ nổ trong một thời gian dài trước đó. Ngoài ra, các thám tử tư cũng tìm ra được hai vị khách thường xuyên đến nhà Nonne là Christoph Seidler và Klump Andrea. Thông tin này được xem là rất quý giá đối với cảnh sát, và vụ án lại được xới lên. Lệnh khám xét căn hộ của Nonne ngay lập tức được ban ra. Ở đó, cảnh sát đã tìm thấy dấu vết của chất nổ. Sau đó các công tố viên lập tức cấp giấy phép cho việc bắt tạm giam Klump và Seidler để điều tra. Tuy nhiên, Klump và Seidler vẫn bặt vô âm tín.

Vụ án lại bắt đầu đi vào ngõ cụt. Cảnh sát biết được rằng Nonne là một người nghiện ma túy, đang rất cần tiền, và bên cạnh đó ông ta đã đăng ký điều trị tại một bệnh viện tâm thần. Ngoài ra, các lời khai của Nonne không thống nhất với nhau, ông ta nói bị cảnh sát bức cung. Cứ được một thời gian, Nonne lại bác bỏ những lời khai trước đó, làm các nhà điều tra càng ngày càng khó xử. Đồng thời, các dấu vết của chất nổ được tìm thấy trong căn hộ của Nonne, không hoàn toàn giống với loại chất nổ đã được tìm thấy tại hiện trường. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần được mời đến để kiểm tra Nonne đều bày tỏ sự phản đối quan điểm về sức khỏe tâm thần của ông ta, có nghĩa là Nonne không gặp vấn đề gì về tâm thần. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng ông cần điều trị y tế cuối cùng vẫn thắng. Hiển nhiên, điều này làm suy yếu hoàn toàn độ tin cậy của bất kỳ chứng cứ mà các nhà điều tra thu thập được.

Năm 1996, khi gần như không còn hy vọng tìm thấy những kẻ giết người, cảnh sát cuối cùng đã bắt Christoph Seidler. Mặc dù ông ta xác nhận là một thành viên của RAF, nhưng tại thời điểm xảy ra vụ ám sát Seidler đang ở Lebanon. Và Christoph Seidler lại được thả ra. Andrea Klump bị bắt vào năm 1999, nhưng đã phủ nhận tư cách thành viên của RAF và khai rằng bà ta ủng hộ Mặt trận nhân dân Giải phóng Palestine. Cảnh sát không tìm ra được bằng chứng phạm tội của Klump và phải trả tự do cho bà. Tuy nhiên, năm 2004 Klump nhận bản án 12 năm tù vì tham gia vào một trong những cuộc tấn công khủng bố ở Tây Ban Nha.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong nửa cuối của thế kỷ XX tổ chức RAF bị cáo buộc đã thực hiện không ít vụ ám sát các nhân vật chính trị cấp cao. Trong số các nạn nhân của tổ chức này gồm: doanh nhân, chính trị gia Detlev Karsten Rohwedder, nhà vật lý, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Siemens Karl Heinz Bekurts và nhà ngoại giao cấp cao Gerold von Braunmyul. Các nhà điều tra và nhiều nhà báo đưa ra tất cả các phiên bản mới của vụ việc. Nhiều giả thiết mới được đưa ra. Song cho đến ngày nay vụ ám sát người đứng đầu Deutsche Bank vẫn chưa được giải mã và vẫn được coi là một trong những vụ ám sát mang tính chính trị được thiết kế tinh vi nhất trong lịch sử của nhân loại.

Khôi Nguyên

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ông chủ Deutsche Bank và những bí ẩn chưa giải mã? (Kỳ 1) (26/10/2012)

>   Đức đứng trước nguy cơ suy thoái (29/10/2012)

>   Thêm một ngân hàng Anh bị điều tra vì vụ "Libor" (28/10/2012)

>   "Canada nên trở thành mô hình kinh tế của thế giới" (28/10/2012)

>   Moody's cảnh báo hạ xếp hạng 6 ngân hàng Canada (28/10/2012)

>   Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lập kỷ lục 25% (28/10/2012)

>   Quốc hội Indonesia thông qua ngân sách năm 2013 (27/10/2012)

>   Mỹ: GDP và lòng tin của người tiêu dùng tăng mạnh (27/10/2012)

>   Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi (27/10/2012)

>   IMF chỉ trích các ngân hàng chậm cải cách cơ cấu (26/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật