Giải phóng hàng tồn: Bằng thỏa ước... hàng đổi hàng
Cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là đối với những sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp khác.
Đóng tàu, điện tử cứu... công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, 9 tháng đầu năm 2012, ngành công thương vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao. Giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của DN còn hạn chế... Tất cả những điều trên đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.
Điều này được minh chứng bởi lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 1/9/2012, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó những ngành có tồn kho cao tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất xi măng, sắt, thép, gang... tăng trên 40%. Sản xuất thức ăn gia súc và thuỷ sản, may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%.
Cũng theo Bộ Công Thương, tăng trưởng thấp nhất trong cơ cấu ngành và thấp hơn so với mức tăng chung của toàn ngành là ngành khai thác mỏ chỉ tăng 4%. Trong đó, riêng ngành khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 13,4% còn lại các ngành khác đều giảm. Thậm chí có những ngành giảm sâu như: khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,8%.
Ngành công nghiệp chế biến cũng có mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành (9,7%), tăng 4,8% và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2011 (cùng kỳ năm 2011 tăng 10,7%). Sản xuất giảm, tập trung chủ yếu ở các nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, vôi, thạch cao, sắt, gang thép, sơn... giảm trong khoảng từ 5-15%. Nhóm sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, máy mô tơ, máy phát, biến thế, dây điện và cáp điện, xe có động cơ, mô tô, xe máy... cũng giảm từ 1-15%. Nhóm sản xuất vải dệt thoi, hàng may sẵn, giày, dép, giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa cũng giảm từ 1-13%.
“Sản xuất công nghiệp 9 tháng chỉ được bù đắp bởi một số ngành như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng trưởng 248%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 57% sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 44%, sản xuất linh kiện điện tử tăng 22%, sản xuất phân bón, hoá dược, thuốc và dược liệu tăng trên 15%, sản xuất đường, sữa tăng trên 14%...”, ông Hải nhìn nhận.
Phải sử dụng sản phẩm của nhau
Nhanh chóng giúp DN tháo gỡ khó khăn, nhất là giải phóng hàng tồn kho là việc cấp bách nhưng không dễ giải quyết khi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm. Nhìn lại quá trình hỗ trợ này, ngày 17/8/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa có gì đáng nói khi chỉ số tồn kho không mấy chuyển động.
Trước thực trạng này ông Nguyễn Thanh Hòa - Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, cần đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường, vận động các cơ sở sản xuất và các tầng lớp nhân dân tăng cường sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm góp phần tăng tiêu thụ các sản phẩm như vật liệu xây dựng, thiết bị điện…
Đặc biệt, cần khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là đối với những sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào của các DN khác. Cung cấp thông tin rộng rãi cho các phương tiện thông tin đại chúng để đăng tải, giới thiệu về các công trình, dự án, nhu cầu về hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm góp phần thực hiện thiết thực và hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Song song với đó, các DN cần chú trọng đến tổ chức sản xuất. Trước mắt, để tự tháo gỡ khó khăn, các DN sản xuất cần kiểm soát chặt chẽ việc tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí. Khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tìm biện pháp thích hợp cân đối nguồn vốn phục vụ hoạt động của DN thông qua kế hoạch hàng năm để huy động hợp lý các nguồn vốn, không để mất cân đối giữa kế hoạch kinh doanh và huy động nguồn vốn phục vụ kinh doanh. Các DN xem xét thay đổi phương thức huy động theo hướng đa dạng hoá việc huy động các nguồn vốn. Chính sách đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm nhằm đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, tránh dàn trải, lãnh phí nguồn lực, tăng chi phí đầu tư.
Bộ Công Thương đã làm việc với các DN trong các tập đoàn, tổng công ty để xây dựng thoả ước sử dụng sản phẩm của nhau.
Dự kiến trong tháng 10 này, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị ký thoả thuận sử dụng hàng hoá, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty.
Ông Nguyễn Thanh Hoà – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương)
|
Dương Công Chiến
thời báo ngân hàng
|