Dè dặt… dòng tiền
Điểm nhấn nổi bật nhất trong thời gian này đó là những thông tin về việc tăng giá vàng đã khiến một số NĐT chuyển dòng tiền từ chứng khoán sang vàng.
Tăng điểm nhưng đuối
Áp lực tăng đầu phiên của các mã chứng khoán không tạo nên sự tích cực ngắn hạn cho thị trường trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều bất ổn. Đa số các mã tăng giá mạnh trong phiên đều tỏ ra đuối sức vào cuối phiên để đóng cửa chỉ trên mốc tham chiếu một vài line, mặc dù áp lực cung giá cao chưa phải là quá lớn. Chính vì vậy, đây chỉ là sự hồi phục kỹ thuật sau quá trình giảm điểm liên tiếp trước đó, chưa bao hàm sức mạnh để đảo chiều xu thế.
Những diễn biến của thị trường dường như phán ánh rõ điều này khi phiên giao dịch ngày 4/10/2012, trên sàn HoSE, VN-Index đóng cửa 384,51 điểm, giảm 0,22%, khối lượng giao dịch đạt 25,98 triệu cổ phiếu (CP), giá trị 362,3 tỷ đồng. Toàn thị trường có 68 mã tăng, 133 mã giảm, 72 mã tham chiếu. Trên sàn HNX, HNX-Index đóng cửa 54,17 điểm, thanh khoản của thị trường tiếp tục giảm mạnh, tổng cộng có 14,41 triệu CP được chuyển nhượng, GTGD tương ứng đạt 110,17 tỷ đồng (giảm 30,93% về KLGD và giảm 23,41% về GTGD so với phiên trước). Giao dịch của nhóm 10 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường đạt 3,38 triệu đơn vị, chiếm 23,48% KLGD toàn thị trường.
Như vậy, VN-Index tiếp tục trong giai đoạn đi ngang quanh ngưỡng hỗ trợ 380 điểm, HNX-Index sau khi phá đáy đầu năm đang đi ngang ở khu vực 54 điểm. Nhìn chung cung - cầu tương đối cân bằng. Điều này cho thấy NĐT tỏ ra thận trọng với thị trường trong bối cảnh vĩ mô chưa có cải thiện tích cực. Biểu hiện này nhìn rõ hơn từ thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Đa số các mã tăng điểm đều tỏ ra đuối sức vào cuối phiên, như DHM, ITA, KFS… Điều này được thể hiện ở chỗ giữa phiên đóng cửa ở mức giá trần nhưng cuối phiên lực bán ra lớn đã khiến giá CP giảm xuống dưới mức giá trần và dư bán trần. Giải thích đuối sức của những mã này, các chuyên gia cho rằng: “đây là vấn đề tâm lý NĐT”. “Trong bối cảnh thông tin vĩ mô chưa có gì cải thiện nhưng cũng không xấu hơn thì giao dịch giữa bên bán và bên mua trở nên khá cân bằng và mang tính chất chờ đợi nhiều hơn là sôi động và thanh khoản của thị trường trong ngày đã minh chứng điều này”, một chuyên gia phân tích cho hay.
Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, các khu vực kháng cự đang ở rất gần, trên sàn HoSE là các mốc 390 và 405 điểm, trên sàn HNX là 55 và 58 điểm. Việc thị trường tăng điểm ngay sát các mốc kháng cự khiến dòng tiền đẩy vào khá dè dặt và làm đà tăng giá thiếu thuyết phục, bởi nếu không chinh phục nổi các điểm kháng cự trên, thị trường hoàn toàn có thể quay đầu giảm điểm sâu hơn.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong thời gian này đó là những thông tin về việc tăng giá vàng đã khiến một số NĐT chuyển dòng tiền từ chứng khoán sang vàng. Liệu thời gian tới, việc NĐT chuyển tiền từ chứng khoán sang vàng có thể thành làn sóng hay không là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, nếu vàng tiếp tục tăng lên, điều đó rất có thể sẽ xảy ra.
Các NĐT cho rằng, xu hướng từ nay đến cuối 2012 sẽ khó có “con sóng” nào mà chủ yếu “dập dình” đi ngang trong một biên độ nhỏ. Điều này làm khó cho NĐT. “Kỳ vọng sóng là hơi hiếm hoi, thị trường vàng vẫn tăng, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng cũng không tiến triển”, NĐT Nguyễn Ngọc Minh nhận định.
Dù đã có 10 NHTM được NHNN đồng ý nới room tăng trưởng tín dụng và điều này sẽ giúp cải thiện lợi nhuận cuối năm, tuy nhiên một số NĐT tỏ ra dè dặt bởi việc tín dụng có tăng trưởng được hay không chỉ tùy thuộc vào ý chí ngân hàng mà còn phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trong bối cảnh hiện nay, khi hàng tồn kho rất nhiều và thu nhập của người dân đang giảm sút thì các DN hầu như không có xu hướng mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhu cầu vay vốn mới của DN cũng rất hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, lợi nhuận của các ngân hàng cuối năm vẫn rất khó khăn. Điều này khiến CP ngân hàng khó có đột biến. Trong khi CP ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong bộ chỉ số nên thị trường sẽ khó có cơ hội tăng điểm.
Trần Hương
thời báo ngân hàng
|