Xuất khẩu 2013: Áp lực cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
“Kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi về tốc độ tăng trưởng, nhưng rất chậm. Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013 và hơn thế nữa, hoạt động xuất khẩu còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn từ quốc tế” đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế tại Hội thảo “Nghị quyết 13/NQ-CP, cơ hội tháo gỡ nút thắt xuất khẩu 2012 và triển vọng 2013" diễn ra ngày 28/9, tại Hà Nội.
Xuất khẩu chạy nước rút... "toát mồ hôi"
Về hoạt động xuất khẩu, các ngành chủ lực đều đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, ngành dệt may đang phải cân nhắc hạ chỉ tiêu xuất khẩu cả năm đề ra khoảng 19 – 19,5 tỷ USD, nhưng đến hết tháng Tám tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt 9,72 tỷ USD và nếu tiếp tục duy trì mức xuất khẩu này, cả năm cũng chỉ có thể xấp xỉ 16 tỷ USD.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang bị ảnh hưởng do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng. Hơn thế nữa, các nước cung cấp hàng dệt may lớn trên thế giới cũng đang đối phó với khó khăn trong nước nên đã chủ động hạ giá hàng xuất khẩu từ 5-7% để nâng cao tính cạnh tranh.
Đại diện của Vitas cũng dự báo, xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ trong quý 3 tiếp tục giảm thêm 5% so với quý trước đó đồng thời tình trạng doanh nghiệp nhỏ thiếu đơn hàng phải thu hẹp hoặc tạm ngưng sản xuất vẫn gia tăng.
Trong lĩnh vực thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), những khó khăn lại bắt nguồn từ khối châu Âu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 giảm 7,9% so với cùng kỳ, quý 2 giảm sâu hơn 15,5% đồng thời dự kiến sự giảm sút còn kéo dài đến hết năm.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng quan ngại về tình trạng nhiều “đại gia” xuất khẩu hiện có mức lỗ và nợ vay kỷ lục. Như, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam có mức lỗ 6 tháng đầu năm là 757 tỷ đồng, vay nợ ngất ngưởng mức 5.048 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí có mức lỗ của công ty mẹ lên tới 293 tỷ đồng hay Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An cũng điêu đứng với mức lỗ gần 125 tỷ đồng trong 6 tháng. Các Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội, Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long… rơi vào diện cảnh báo với tổng số nợ vượt quá tổng tài sản của doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2012 đạt gần 147 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% và nhập khẩu 73,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng này đang dựa chủ yếu vào khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) với hơn 60% kim ngạch; trong đó, xuất khẩu là 45,6 tỷ USD, nhập khẩu là 38,6 tỷ USD.
Ông Phong cho hay, thực tế cho thấy hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng chậm dần. Tháng Tám, xuất khẩu giảm 8,5% so với tháng trước đó, kéo mức của cả 8 tháng giảm 1,9%. Về nhập khẩu mặc dù trong tháng Tám tăng 4,5% so với tháng Bảy, song mức nhập khẩu trong cả 8 tháng vẫn giảm 8,5% đạt, giúp cho nhập siêu 8 tháng dừng lại ở mức thấp 150 triệu USD, song để có con số này lại do tình hình suy giảm sản xuất của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Nâng cao dự báo, chủ động thích nghi
Tham gia Hội thảo, các chuyên gia có chung cái nhìn về triển vọng kinh tế ở cuối năm 2012 và 2013 còn rất khó khăn và vẫn chưa tạo được niềm tin cho thị trường về triển vọng một nền kinh tế ổn định.
Theo đó, các loại thị trường (bất động sản, bán lẻ, chứng khoán...) trong nền kinh tế đều chưa thế khởi sắc, bởi đầu tư không có động lực tăng trưởng do sức mua vẫn giữ mức tăng chậm; trong đó thị trường bất động sản cũng chưa thể bắt đầu hồi phục cũng như thị trường chứng khoán chưa thể lấy lại được niềm tin.
Ngoài ra, triển vọng kinh thế giới cũng còn khá u ám, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự váo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,9%. Khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2013 và sẽ có phần sáng sủa hơn từ nửa cuối 2013, nhưng với một số nước lại dường như xấu đi rõ rệt nếu không kịp thời tiến hành những giải pháp và phương án chủ động ứng phó hữu hiệu với nguy cơ này.
Do đó, ông Phong cho rằng sang năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động dịch chuyển dòng vốn quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp, các hoạt động mua bán và sáp nhập quốc tế cũng như các hoạt động đàm phán song phương trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương.
Nhằm tháo nút thắt cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền sản xuất trong nước nói chung, ông Nguyễn Xuân Sơn-Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục thuế cho biết: Các biện pháp hỗ trợ từ Bộ Tài chính sẽ hướng vào tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ…đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả.
Thêm vào đó, Bộ sẽ thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ rào cản đầu tư bất hợp lý… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư vào các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài.
“Về hoạt động cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh và đầu tư, ngành sẽ chú trọng về lĩnh vực thuế và hải quan, cụ thể sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường khai thuế điện tử, triển khai nộp thế qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và phấn đấu giảm 10% - 15% chi phí tuân thủ cho người nộp thuế,” ông Sơn nói.
Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cùng không thuận lợi như vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động thích nghi và nếu muốn “cất cánh bay cùng đại bàng” thì phải nâng cao năng lực dự báo trước những biến động trong tương lai./.
Linh Chi
Vietnam+
|