Đầu tư của Việt kiều: Khó vì thủ tục hành chính
Nhiều kiều bào ở Mỹ, ở các nước tại châu Âu... gần đây về Việt Nam để đầu tư và làm ăn, nhưng họ vẫn còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính.
Trao đổi với
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
bên lề hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai diễn ra ngày 27-9 tại TPHCM, ông Ken Thai, hiện đang thực hiện hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và New Zealand cho biết Chính phủ kêu gọi doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn. Tuy nhiên, khi về Việt Nam làm ăn thì ông gặp khó khăn nhiều về thủ tục hành chính. Ông cũng cho biết muốn đầu tư xây dựng một siêu thị tại Việt Nam nhưng gặp khó khăn về thủ tục.
Là Việt kiều Pháp đã về và đầu tư tại Việt Nam trong 20 năm, bà Anoa Dussol Perran, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Anhoa Residence ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận xét rằng cách đây 10 năm có vẻ như việc làm ăn tại Việt Nam dễ hơn bây giờ. Bà cho biết, bây giờ, thực tế bà gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng không phải ở cấp quản lý các cơ quan ban ngành, mà ở các cấp dưới thực thi.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã cải cách nhiều thủ tục cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư cũng như việc cư trú đi lại. “Nhưng, rất tiếc là mỗi địa phương lại có một cách nhìn nhận đánh giá khác nhau, nên bà con (Việt kiều - pv) than phiền gặp khó khăn ở địa phương”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện một số doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về dự hội nghị cũng mang về nhiều dự án với mong muốn đầu tư tại Việt Nam, do đó nhất thiết phải giải quyết các khó khăn về thủ tục ở các địa phương để thu hút đầu tư này.
Đến nay có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 103 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó có hơn 400.000 người là doanh nhân, các chuyên gia trí thức.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, để thu hút nguồn lực này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, và phải thực thi các chính sách một cách nhất quán hay có lộ trình áp dụng nhằm tránh thay đổi bất thường, và phải minh bạch.
Theo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, đã có 51/63 tỉnh thành ở Việt Nam có các dự án đầu tư của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 3.500 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đăng ký và đóng góp trên 8 tỉ đô la Mỹ, phần lớn từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Hà Lan, Séc,…
Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài là cổ đông chính trong một số ngân hàng tại Việt Nam, như Techcombank, VPBank,… Trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều dự án du lịch, trung tâm thương mại, nhà hàng bất động sản do doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, chẳng hạn như Melinh plaza, Furama, Eden Resort Dalat, Cáp treo Bà Nà, và nhiều dự án khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
T.Thu
TBKTSG Online
|