Thị trường mía đường: "Mật to" chạy theo mật mía
Liên tiếp những thông tin nóng liên quan đến thị trường mía đường được tung ra, từ việc thâu tóm các công ty mía đường trên sàn chứng khoán, đến việc Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng nhảy vào thị trường này với một số tiền đầu tư lớn. Ở đâu có lợi nhuận, ở đó có các nhà đầu tư lớn, nên chắc chắn thị trường mía đường đang tạo ra vị ngọt không cưỡng lại được đối với dòng tiền đầu tư.
Hấp lực của 1,3 triệu tấn đường
Ở một thị trường mía đường đang tăng trưởng mạnh mẽ có lợi nhuận gộp trên 30% như hiện nay, kiểm soát một tỷ trọng lớn của tổng sản lượng 1,3 triệu tấn sẽ đem lại lợi thế không nhỏ cho một nhóm tổ chức trong việc kiểm soát giá cả và cung cầu trên thị trường.
“Có thể thất bại một trận đánh, nhưng sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh”. Động thái “buông ngân hàng, bắt mía đường” của gia đình ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sacombank có thể liên hệ phần nào với câu nói trên.
Cụ thể sau khi thoái bớt vốn, chấp nhận giảm mức độ ảnh hưởng tại Ngân hàng Sacombank, cuối năm 2011 đầu năm 2012, thông qua nhóm các công ty nắm cổ phần chi phối như Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, gia đình ông Đặng Văn Thành gia tăng sự ảnh hưởng ở một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn như: Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS).
Báo cáo phân tích ngành mía đường của Công ty chứng khoán Hà Thành cho biết, hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 40 doanh nghiệp mía đường. Loại trừ một số liên doanh, Đường Lam Sơn (LSS), Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Quảng Ngãi, Đường Cần Thơ thuộc nhóm tên tuổi có thị phần lớn nhất.
Với 40 công ty mía đường hiện, tại có 7 công ty đã niêm yết. Trong số này, loại trừ LSS mới chỉ cử đại diện tham gia HĐQT, hoạt động SBT, BHS, NHS đã bị kiểm soát khi nhóm công ty gia đình ông Thành nắm cổ phần chi phối.
Không dừng lại ở đây, thông qua NHS, nhóm công ty Thành Thành Công và Đặng Huỳnh cũng đang nắm giữ lần lượt 41,1% và 11% tỷ lệ cổ phần Công ty CP Mía đường 333 và Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai.
Một năm trước đây, vợ ông Thành là bà Huỳnh Bích Ngọc tiết lộ đã sở hữu cổ phần của Đường La Ngà và Đường Phan Rang. Con số sở hữu của gia tộc họ Đặng với các công ty mía đường còn lại không được công bố, nhưng chỉ riêng với những thông tin công khai trên không hề cường điệu khi ví von gia đình ông Đặng Văn Thành đang gây ảnh hưởng lên toàn bộ ngành đường nội địa!
Thực chất mía đường không phải là lĩnh vực kinh doanh xa lạ với gia tộc họ Đặng. Cách đây 20 năm, trước khi chuyển hướng chọn nghiệp ngân hàng, ông Thành từng kinh doanh rỉ mật. Công ty CP Thành Thành Công nơi bà Ngọc làm Chủ tịch HĐQT cũng có bề dày lịch sử 33 năm gắn liền với các thăng trầm của ngành đường.
Có mạng lưới phân phối sâu rộng, hệ thống vận tải, kho bãi riêng, hiện tại, Thành Thành Công cùng với Công ty TNHH Thực phẩm Công nghệ Minh Tâm và Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn là một trong ba “đại gia” hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm đường.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành này đã đạt được con số khá ấn tượng: gần 30%. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ này ở Bourbon Tây Ninh (SBT) là 30%, Mía đường Lam Sơn (LSS) là 29,4% hay Mía đường Kon Tum (KTS) là 29,9%. Chỉ mỗi Đường Biên Hòa (BHS) là đạt 7,8% trong năm qua.
|
Bình luận về tham vọng của Thành Thành Công lấn sân từ hoạt động thương mại sang lĩnh vực sản xuất, bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc, chuyên viên phân tích ngành mía đường của Công ty Chứng khoán Sacombank, cho biết:
“Tỷ lệ giao dịch ký quỹ của hoạt động thương mại và phân phối sản phẩm đường khá thấp, chưa kể đến khả năng đối mặt với các rủi ro thua lỗ do cạnh tranh với hàng nhập lậu.
Thâu tóm các công ty sản xuất đường, hoạt động kinh doanh của Thành Thành Công sẽ khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối. Bước đi này hợp lý vì cho phép Thành Thành Công tiết giảm chi phí và tăng tỷ suất lợi nhuận”.
Trong số 39 doanh nghiệp mía đường trong cả nước có đến gần chục doanh nghiệp chịu ảnh hưởng hoặc có mối quan hệ với nhóm cổ đông gia đình ông Đặng Văn Thành. Hơn nữa, đây là những công ty đóng vai trò quan trọng trong tổng sản lượng mía đường cả nước, theo tính toán, tương đương 32,6% tổng sản lượng đường, và 14% tổng sản lượng mía ép.
Thành Thành Công chỉ chưa có mặt tại LSS và Mía đường Kon Tum (KTS) nhưng khi đề cập đến tham vọng của gia đình ông Thành, lãnh đạo của Công ty Mía đường Lam Sơn nói: “Với tình trạng sản xuất manh mún trong ngành đường như hiện nay, tôi ủng hộ và nhận thấy thị trường nội địa cần thiết có những nhà đầu tư lớn như Thành Thành Công!”.
Được biết, trong quý II, LSS tiếp tục triển khai một số dự án như mở rộng nhà máy đường số 2 và lên kế hoạch phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 200 tỷ đồng.
Gần đây, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS, và các cá nhân, tổ chức liên quan liên tục mua vào cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu nhằm phòng vệ trước áp lực thâu tóm các doanh nghiệp đường thời gian qua.
Thực hư cánh đồng mía của Hoàng Anh Gia Lai
Lợi nhuận và tiềm năng lâu dài của thị trường đường đã thu hút đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp. Không phải vô lý khi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại liên quan đến một loạt con số “khổng lồ”: đầu tư trồng 12.000ha mía, xin nhập khẩu 100.000 tấn đường...
Mặc dù tình hình kinh tế đang khó khăn, nhiều công ty đại chúng trong ngành mía đường vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Tiêu biểu có Công ty CP Mía đường 333 (S33), Công CP Mía đường La Ngà, Công ty CP Đường Quảng Ngãi...
Nguyên nhân chính do sản lượng mía đường vụ mùa 2011-2012 lần đầu tiên vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp có điều kiện xuất khẩu nhiều hơn, vượt con số 1,3 triệu tấn đường. Cùng lúc đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Trung Quốc đang thiếu 2 triệu tấn đường và có nhu cầu mua tích trữ 1 triệu tấn.
Giá bán sang thị trường nước ngoài cũng cao hơn thị trường trong nước. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mía đường lên kế hoạch mở rộng quy mô trong năm nay, là cơ hội tốt để các nhà đầu tư bước chân vào mảnh đất màu mỡ này.
Sau sự “bành trướng” của Thành Thành Công, gần đây, thông tin “nóng” khuấy động ngành mía nội địa là câu chuyện HAGL xin nhập khẩu 100.000 tấn đường. Cần nhắc lại là vào cuối tháng 11/2011, HAGL đã khởi công xây dựng Cụm Công nghiệp mía đường Attapeu (Lào) với 4 nhà máy khép kín sản xuất đường - điện - ethanol - phân đạm vi sinh.
Nhà máy đường của HAGL có công suất 7.000 tấn mía/ngày. Để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy đường, HAGL công bố đã đầu tư trồng vùng nguyên liệu diện tích 12.000ha.
Con số 100.000 tấn đường nhập khẩu của HAGL vấp phải sự hoài nghi mạnh mẽ của nhiều công ty mía đường trong nước. Chẳng hạn, theo tính toán của ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS, nếu năng suất của HAGL tương đương LSS thì để có thể sản xuất ra sản lượng HAGL xin nhập khẩu, công ty của “bầu” Đức cần đầu tư diện tích vùng nguyên liệu lên tới 18.000-20.000ha.
Dù do điều kiện thổ nhưỡng và năng suất của HAGL có thể cao hơn nhưng do mới ở giai đoạn bắt đầu đầu tư, sản lượng mía chưa nhiều nên ông Tam tỏ ra hoài nghi vào sản lượng đường sản xuất mà HAGL dự định nhập. Một số công ty sản xuất đường nội địa lo ngại nếu hạn mức được thông qua, HAGL có thể nhập khẩu đường.
Điều này ảnh hưởng đến các công ty nội địa. Sự phản đối cũng có lý do khi quota nhập khẩu đường cho niên vụ 2012-2013 của Bộ Công Thương chỉ là 70.000 tấn đường, bằng 70% đề xuất của HAGL. Nếu đề xuất của HAGL được thông qua, cung cầu đường trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, khẳng định không có chuyện HAGL xin Bộ Công Thương nhập khẩu 100.000 tấn đường. Ông Đức khẳng định đề xuất trên là của Bộ Công Thương Lào với Bộ Công Thương Việt Nam.
Sức hấp dẫn của các doanh nghiệp trong ngành còn thể hiện ở chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn). Chỉ số này trong những năm gần đây luôn trên mức 25%. ROE năm rồi ở SBT là 30,8%, LSS là 29,8%, KTS là 60,8%. |
HAGL hiện chưa sản xuất ra đường nên chưa tính đến chuyện thị trường. Nhà máy đường của HAGL chờ sản xuất ra mới tính chuyện tiêu thụ. Ông Đức cũng tiết lộ, niên vụ 2012-2013 sản lượng đường của HAGL chỉ khoảng 80.000 tấn và khoảng 120.000 tấn vào năm tiếp theo.
“Đường sản xuất ở Lào có khả năng tiêu thụ được ở khắp nơi trên thế giới. Từ Lào bán đi các nước khác dễ dàng hơn ở Việt Nam rất nhiều vì Lào là nước nghèo, bán đi các nơi sẽ được ưu đãi thuế”, ông Đức khẳng định. Rõ ràng, mục tiêu chính của HAGL không phải là thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam, đất để trồng mía không còn nhiều, diện tích lại manh mún nên hiệu quả đầu tư sẽ không cao. Hơn nữa, từ năm 2013, thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN sẽ giảm xuống còn 0%. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu cũng đã dỡ bỏ hoàn toàn rào cản về nhập khẩu đường vào năm 2015.
Cần nhắc lại là trong buổi họp báo tổ chức ngày 10/8, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chính thức thống nhất việc công bố lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2012 là 70.000 tấn. Trong đó, 50.000 tấn sẽ được dành cho các đơn vị sản xuất trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất.
Phần còn lại 20.000 tấn BHS được phép nhập khẩu sử dụng để chế biến đuờng tinh luyện. Như vậy, “số phận” 100.000 tấn đường xin quota nhập khẩu của HAGL đã sáng tỏ.
Vị đắng ở sân nhà
Các doanh nghiệp mía đường không bao giờ kêu lỗ và các thương vụ thâu tóm hay những đầu tư khổng lồ chỉ là bề nổi của một ngành công nghiệp mía đường còn manh mún.
Câu chuyện Thành Thành Công lấn sân sang lĩnh vực sản xuất hay HAGL xin nhập khẩu đường gây “sốt” trong giới sản xuất, kinh doanh đường nội địa vì nhiều năm nay ngành mía đường Việt Nam vẫn trong tình trạng manh mún, cạnh tranh không lại với đối thủ ngoại trên chính sân nhà.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Hà Thành nhận xét, do giá thành cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên tính cạnh tranh của sản phẩm đường Việt Nam không có.
Một phần do giá thành sản xuất cao, một phần là do công nghệ lạc hậu, phần lớn các nhà máy đều sử dụng dây chuyền công nghệ, thiết bị cũ của Trung Quốc - hệ quả của sự phát triển ồ ạt các nhà máy đường trong chương trình 1 triệu tấn đường trước đây.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS, lý giải giá thành sản phẩm đường Việt Nam cao hơn mặt bằng chung một phần do quy trình sản xuất lạc hậu, manh mún.
Ông Tam dẫn chứng: tại Brazil, quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu đường, nếu mỗi ha có thể cho sản lượng tới 180.000 tấn mía, thì ở Việt Nam con số trung bình chỉ đạt khiêm tốn bằng 1/3. Có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ vùng nguyên liệu dàn trải và đầu tư thiếu tập trung do ít các nhà đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, cho biết, mía đường Việt Nam là ngành sản xuất nông nghiệp hoạt động dưới sự bảo hộ của Nhà nước. Vào các niên vụ trước, với mức giá bán 18.000 đồng/kg, các công ty mía đường nội địa thu mua nguyên liệu với mức giá 1-1,2 triệu đồng/tấn mía tươi.
Hiện tại, khi giá đường đã giảm xuống dưới mức 16.000 đồng/kg giá mua trên vẫn không thể giảm vì các nhà máy vẫn phải đảm bảo cho người trồng mía mức thu nhập cũ, tránh vỡ vùng nguyên liệu.
“Giá thu mua nguyên liệu của các công ty Việt Nam đang cao hơn Thái Lan từ 20-50%. Do công nghệ chế biến lạc hậu, nguyên liệu mía đầu vào chiếm 70-80% giá thành sản phẩm, năng suất thấp, chất lượng không cao, giá thu mua thuộc hàng cao nhất thế giới, nhiều năm nay giá thành đường Việt Nam luôn ở mức cao”, ông Hải nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 7 đã hoàn thành vụ ép mía đường 2011/2012. Lượng đường mà các nhà máy sản xuất ra là gần 1,3 triệu tấn, tăng gần 160.000 tấn so với vụ mía 2010/2011. |
Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường nhận xét, sự thất thế của các DN mía đường nội địa trên chính sân nhà có lý do không nhỏ từ công tác điều hành và điều tiết thị trường.
Cụ thể, Việt Nam vẫn chưa có chính sách nhất quán phát triển ngành mía đường khi thiếu hẳn hành lang pháp lý chuyên biệt.
Kiến nghị sắp tới của Hiệp hội Mía đường là xây dựng Luật Mía đường riêng như Thái Lan hoặc chí ít các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của ngành cũng nâng tới tầm nghị định. Nhằm nâng cao năng suất vùng nguyên liệu, Hiệp hội luôn khuyến nghị các công ty thành viên tăng cường hợp tác với nông dân tuyên truyền canh tác theo các phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại và lựa chọn cây giống hiệu quả.
Bên cạnh đó, với cơ chế mang tính xin - cho trong việc cấp quota nhập khẩu đường hiện tại, ông Hải cho biết Hiệp hội sẽ đấu tranh để việc cấp hạn ngạch mang tính thị trường và bình đẳng, xóa dần ảnh hưởng của các “nhóm lợi ích” hiện nay.
Cần nhắc lại là theo lộ trình hội nhập thương mại tự do ASEAN, cách đây 2 năm, Việt Nam đã áp dụng thuế nhập khẩu đường là 5%. Với cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhập khẩu thị trường đường trong hạn ngạch là 25% và tăng 5%/năm.
Đây là một khó khăn đối với ngành đường nội địa khi cạnh tranh với sản phẩm đến từ các nước công nghiệp đường phát triển trong khu vực và trên thế giới.
LAM BÌNH
doanh nhân sài gòn
|