Thứ Tư, 05/09/2012 06:31

Vị trí số 1 thế giới: Doanh số và chất lượng

Với bất cứ vị trí số 1 nào, nhất là số 1 thế giới, đều là thành công của một quá trình nỗ lực và cạnh tranh để khẳng định mình. Và thực sự đó là thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, không phải vị trí số 1 nào cũng mang lại niềm vui trọn vẹn, thậm chí có những vị trí số 1buộc chúng ta trăn trở nhiều hơn.

Gần đây, có 3 sự kiện liên quan đến vị trí số 1 thế giới làm người viết suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Đó là Singapore lần đầu tiên trở thành nước có thu nhập bình quân trên đầu người (GDP) cao nhất thế giới (56.532 USD/ người năm 2011). Sự kiện thứ 2 là Thái Lan lần đầu tiên từ bỏ vị trí số 1 về xuất khẩu gạo.

Và thứ ba là sự kiện Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước đứng số 1 thế giới về xuất khẩu cà phê với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2012 đạt được khoảng 2,5 tỷ USD.

Ba sự kiện trên có một điểm chung là các nước giữ vị trí số 1 này đều thuộc khu vực Đông Nam Á. Khu vực có nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, 3 sự kiện trên có rất nhiều điểm khác nhau. Người viết muốn cung cấp một góc nhìn khác về các sự kiện này để chúng ta có thể thấy rằng có những vị trí số 1 thế giới có thể tự hào nhưng có những vị trí số 1 thế giới lại để lại nhiều băn khoăn trăn trở và tất nhiên có sự kiện mất vị trí số 1 thế giới không có nghĩa là thất bại.

Vị trí số 1 của người Sing xứng đáng làm cho chúng ta ngưỡng mộ và học tập. Một quốc đảo nhỏ bé tách ra từ Malaysia nhưng với chính sách phát triển hợp lý tập trung vào công nghiệp dịch vụ cùng với một cơ chế thông thoáng, một hạ tầng giao thông đồng bộ, Singapore ngày nay là trung tâm về dịch vụ tài chính, dịch vụ logistic của thế giới. Là nơi đặt đại bản doanh của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Đó là một số lý do chúng ta có thể hiểu vì sao GDP của Singapore năm 2010 cao nhất thế giới.

Tại sao Thái Lan lại mất ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo? Điều này có thể gây bất ngờ với nhiều người khi vị trí này hàng chục năm nay đều thuộc về Thái Lan. Thái Lan đang bị thụt lùi trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo hay họ đang chủ động cho một chiến lược mới.

Thực tế chính phủ của nữ Thủ tướng Thái Yingluck đã có chính sách táo bạo và đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Họ đã trợ giá mua gạo cho nông dân khoảng 30% để giúp nông dân cải thiện thu nhập và cải thiện năng suất. Hơn nữa, Chính phủ Thái còn triển khai chương trình mua thóc gạo tạm trữ.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kho thóc tạm trữ của Thái Lan có thể lên mức 12,1 triệu tấn quy gạo vào năm 2012- 2013. Thái Lan có kế hoạch chi thêm 260 tỷ Baht, tương đương 8,3 tỷ USD để gia hạn chương trình mua thóc tạm trữ trên giá thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.

Kho thóc gạo tạm trữ của Thái Lan đang được xem như một "tấm đệm" trong bối cảnh dự trữ lương thực toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm khi mà thời tiết khô hạn ở Mỹ đẩy giá ngô và đậu tương tăng cao kỷ lục.

Rõ ràng việc dự báo và hoạch định chính sách về xuất khẩu của người Thái rất chủ động và hơn nữa bản thân chính phủ cũng hành động với tinh thần doanh nghiệp chứ không thụ động ban hành chính sách. Đối với người Thái, mất vị trí số 1 có khi là điều hay vì họ vẫn bán được giá cao và vẫn có tiền hỗ trợ nông dân.

Sự kiện mới nhất, tính đến tháng 7/2012, Việt Nam lần đầu tiên là nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn, đạt giá trị 2,5 tỷ USD, tăng 31,6 % về khối lượng và 24,5% về giá trị.

Trước hết, đây là một thành quả lớn sau nhiều năm chung ta phấn đấu và có được vị trí xứng đáng trên thị trường cà phê thế giới. Tuy nhiên, vị trí này cũng mang lại cho chúng ta nhiều trăn trở.

Bởi vì chúng ta chủ yếu xuất cà phê hạt với giá trị rất thấp. Thậm chí giá của chúng ta còn rẻ hơn so với nước khác. Thực tế là chúng ta đang đi bán nguyên liệu thô với giá rẻ trong khi lại uống cà phê chế biến mang thương hiệu của nước khác.

Nói cách khác, chúng ta đang ở khâu lao động giản đơn trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Lao động chân tay nặng nhọc mà giá trị kinh tế mang lại rất ít. Cùng với sản lượng như vậy nếu chúng ta xuất được cà phê qua chế biến thì giá trị mang lại ít nhất là 10 tỷ USD.

Đây là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam, cho chính phủ Việt Nam: Làm thế nào xây dựng thương hiệu cà phê toàn cầu? Làm thế nào cà phê 'made in Vietnam' xuất hiện trên toàn thế giới để có được hiệu quả thu nhập cao hơn.

Khách quan mà nói thì ngành cà phê nói riêng và ngành nông sản nói chung là một trong những ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cũng như là cơ hội để vươn ra toàn cầu.

Đây chính là cơ hội và thách thức của chúng ta. Để đạt được điều đó đòi hỏi sự quyết tâm của doanh nghiệp với chiến lược, tầm nhìn và sự triển khai đồng bộ quyết liệt. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân và hơn hết là hành động trên tinh thần doanh nhân.

Có như vậy chúng ta mới vươn ra được biển lớn và góp phần thay đổi được vị trí của cà phê Việt trên bản đồ cà phê chế biến của thế giới.

Bùi Mạnh Thắng

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Lúa gạo: "Cây trồng chính trị" hay "hàng hóa"? (04/09/2012)

>   Lợi nhuận thấp vì dự trữ kém (03/09/2012)

>   WB: Giá lương thực tăng thêm 10% trên toàn cầu (31/08/2012)

>   Đìu hiu Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (31/08/2012)

>   ASEAN có thể giúp kiềm chế việc giá gạo leo thang (30/08/2012)

>   Cà phê trong nước giữ giá do nông dân găm hàng (30/08/2012)

>   Gạo Việt Nam tăng giá nhờ xuất qua Campuchia và Thái Lan (29/08/2012)

>   Kinh doanh cà phê trên sàn nộp thuế như chứng khoán (29/08/2012)

>   FAO: Giá lương thực trong 10 năm tới sẽ vẫn cao (28/08/2012)

>   100.000 tấn đường của HAG và góc khuất ngành đường (28/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật