Gạo Việt Nam tăng giá nhờ xuất qua Campuchia và Thái Lan
Không như Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất đang bán được gạo cho nước ngoài.
Theo hãng tin Reuters, có khoảng 30 công ty Thái Lan tham gia đấu thầu mua gạo từ kho tạm trữ của Chính phủ Thái trong tuần này, hầu hết là các nhà bán lẻ nội địa. Đây là một tín hiệu cho thấy, lượng gạo xả từ kho tạm trữ của Thái Lan đợt này sẽ được tiêu thụ trong nước thay vì xuất khẩu, hãng tin Reuters cho biết.
“Không có nhu cầu mua gạo từ nước ngoài và các nhà xuất khẩu cũng không tham gia đấu thầu nên hầu hết số gạo đấu thầu được cho là sẽ được đóng gói và bán lẻ trong nước”, một thương nhân ở Bangkok nói với Reuters.
Tuần trước, Chính phủ Thái Lan mời đấu thầu 735.000 tấn gạo thuộc nhiều loại khác nhau từ kho tạm trữ kỷ lục 10 triệu tấn quy gạo mà nước này đã mua từ nông dân theo chương trình can thiệp thị trường.
Một quan chức cao cấp thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cơ quan giám sát hoạt động bán gạo từ kho tạm trữ, cho biết, sẽ mất vài ngày để cân nhắc trước khi công bố các công ty thắng thầu. Mặc dù nhu cầu ở mức thấp, giá gạo Thái Lan vẫn duy trì ở mức cao do tác động từ chương trình can thiệp do Chính phủ nước này trả nông dân với giá 15.000 Baht/tấn thóc, so với mức 9.000 Baht/tấn mà các hãng xay xát chào mua.
Vào ngày thứ Tư (29/8), giá gạo trắng tiêu chuẩn 100% B của Thái Lan là 600 USD/tấn, tăng so với mức 590 USD/tấn vào tuần trước, trong khi gạo loại 5% tấm ở mức 585 USD/tấn, so với mức 580 USD/tấn vào tuần trước.
Mức giá gạo như vậy của Thái Lan cao hơn hẳn so với mức 400-435 USD/tấn của gạo Ấn Độ cùng loại. Tuy nhiên, giá gạo Ấn Độ cũng đã tăng so với mức 375-435 USD/tấn vào tuần trước.
“Nhu cầu xuất khẩu đối với gạo Ấn Độ vẫn ở mức thấp”, một thương nhân ở New Delhi nói.
Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ nhì thế giới, hiện đang có kho gạo tạm trữ lên tới 28,5 triệu tấn tính đến ngày 1/8 so với mục tiêu 9,8 triệu tấn cho quý kết thúc vào tháng 9.
Không như Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất đang bán được gạo cho nước ngoài. Do đối mặt với giá gạo cao và nguồn cung thắt chặt trong nước dưới ảnh hưởng của chương trình can thiệp, các công ty xuất khẩu và nhà bán lẻ của Thái Lan đã phải mua gạo từ Việt Nam, vận chuyển qua Campuchia, để thực hiện đơn hàng.
Theo các thương nhân, chính nhu cầu này đã giúp hỗ trợ cho giá gạo Việt Nam. “Nguồn cung thắt chặt sẽ còn giữ giá gạo ở mức cao. Giá gạo còn tăng nếu có nhu cầu mới”, một thương nhân ở Tp.HCM cho biết.
Theo Reuters, thông thường, Việt Nam mua từ 500.000 đến 1 triệu tấn gạo từ Campuchia mỗi năm. Nhưng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu ít nhất 500.000 tấn gạo sang Campuchia, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước và đẩy giá gạo lên cao hơn, các thương nhân cho biết.
Vào ngày thứ Tư (29/8), giá xuất khẩu gạo Việt Nam loại 5% tấm là 450-455 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 437-445 USD/tấn vào tuần trước. Gạo 25% tấm có giá là 415 USD/tấn, so với mức 405-415 USD/tấn vào tuần trước. Trong tuần trước, giá gạo Việt Nam có chiều hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào tuần trước nữa.
Vietnam +
|